Truy xuất nguồn gốc hàng hóa góp phần tạo thuận lợi thương mại

14:41' - 24/08/2018
BNEWS Tại Việt Nam truy xuất nguồn gốc là một hoạt động khá mới song đã và đang được triển khai nhanh chóng. Việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc trên các sản phẩm, hàng hóa ngày càng trở nên phổ biến.

“Truy xuất nguồn gốc hàng hóa góp phần tạo thuận lợi thương mại” là nội dung Hội thảo do Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp với Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại tổ chức ngày 24/8 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, truy xuất nguồn gốc có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp nói riêng và đời sống xã hội toàn dân nói chung. Đáng lưu ý, trong hệ thống truy xuất nguồn gốc, tem truy xuất nguồn gốc là yếu tố quan trọng đóng vai trò định danh đối tượng cần truy xuất, giúp liên kết dữ liệu và truy cứu thông tin truy xuất trong suốt chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, quy trình truy xuất nguồn gốc mới là yếu tố đảm bảo cho sự thành công và tin cậy của một hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, tại Việt Nam truy xuất nguồn gốc là một hoạt động khá mới song đã và đang được triển khai nhanh chóng. Việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc trên các sản phẩm, hàng hóa ngày càng trở nên phổ biến. Do vậy, người tiêu dùng và các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó nâng cao niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm có gắn tem truy xuất nguồn gốc.

Mặc dù vậy nhưng thực tế cho thấy, doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của truy xuất nguồn gốc và chưa hiểu đúng bản chất của truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu, xây dựng triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm ngành hàng cụ thể.

Vì thế, hội thảo’Truy xuất hàng hóa tạo thuận lợi cho thương mại’ góp phần giúp doanh nghiệp cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức để tận dụng tốt cơ hội thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức trong bối cảnh hội nhập toàn cầu của Việt Nam. Ngoài ra, đây cũng là dịp để cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt thực tế, nhu cầu của doanh nghiệp đối với hoạt động này để đưa ra hình thức quản lý phù hợp.

Các diễn giả thảo luận giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong truy xuất nguồn gốc. Ảnh:Uyên Hương/BNEWS

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, hội thảo với hai phiên chính tập trung trao đổi những yêu cầu và sự cần thiết của truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nội địa và xuất khẩu; thực tế ứng dụng truy xuất nguồn gốc tại các doanh nghiệp; liên kết hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sẽ góp phần thắt chặt liên kết, tương tác đa chiều và tìm ra giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu nhất là với sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao.

Theo bà Amy Guihot, Tham tán (nông nghiệp) Đại sứ quán Australia, truy xuất nguồn gốc là một phần quan trọng của hệ thống quản lý thực phẩm tại Australia về yêu cầu đối với thực phẩm trong nước và xuất khẩu. Do vậy, với những doanh nghiệp chế biến thực phẩm, truy xuất nguồn gốc phải xác định được nguồn gốc của tất cả nguyên liệu đầu vào của thực phẩm như nguyên liệu, chất phụ gia, các thành phần khác, quy cách đóng gói…

Cùng đó là tên và địa chỉ của nhà cung cấp, tên và địa chỉ khách hàng, ngày giao dịch và giao hàng, chi tiết lô hàng, khối lượng và số lượng của sản phẩm khi giao hàng và bất kỳ hồ sơ sản xuất nào khác có liên quan.

Bà Amy Guihot-Tham tán nông nghiệp Đại sứ quán Australia chia sẻ về lợi ích của truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Bà Amy Guihot cho rằng, khi doanh nghiệp tham gia vào hệ thống này, trong tương lai sẽ hài hòa liên kết những quy định truy xuất nguồn gốc áp dụng trong nước. Ngoài ra, sẽ có giấy chứng nhận quản lý an toàn thực phẩm được công nhận đối với một số loại thực phẩm…

Hiện tại, Australia đã có một số dự án truy xuất nguồn gốc hợp tác với Việt Nam như: dự án truy xuất nguồn gốc thịt bò tại Tp. Hồ Chí Minh; Dự án phát triển và công nhận tiêu chuẩn Australia cho sản phẩm thịt bò làm mát nhằm giúp hương vị ngon hơn, nâng cao tính an toàn, cạnh tranh hơn và cải thiện những quy định kiểm soát giết mổ.

Bà Đặng Thị Phương Ninh-Tổng Giám đốc COFIDEC chia sẻ về truy xuất nguồn gốc trong nền công nghiệp 4.0. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Chia sẻ thêm về truy xuất nguồn gốc 4.0 với mặt hàng cà tím chế biến xuất khẩu đi nước ngoài, bà Đặng Thị Phương Ninh, Tổng Giám đốc Công ty phát triển kinh tế Duyên Hải (COFIDEC) cho hay, hiện nay, các sản phẩm nông, thủy sản từ Việt Nam xuất khẩu ra thế giới với số lượng ngày càng nhiều. Do đó, truy xuất nguồn gốc là yếu tố nền tảng quan trọng để tạo ra một chuỗi cung ứng an toàn để từ đó hình thành sự an tâm, tin tưởng và trung thành của khách hàng nhập khẩu với các sản phẩm và uy tín thương hiệu của doanh nghiệp.

Cụ thể với COFIDEC, việc truy xuất nguồn gốc đều được thực hiện nghiêm túc đối với 100% khách hàng nhập khẩu với sản lượng hơn 5.000 tấn các loại sản phẩm nông, thủy sản chế biến trong năm 2018. Từ đó COFIDEC dần đạt được sự tín nhiệm và trung thành từ các khách hàng lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc.

Toàn ảnh Hội thảo Truy xuất nguồn gốc tạo thuận lowijcho thương mại. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Tuy nhiên, vấn đề truy xuất nguồn gốc hiện tại là tính trung thực của dữ liệu vẫn chưa được đả bảo toàn diện trong quá trình vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc. Nguyên nhân nằm ở thời điểm phát sinh dữ liệu và ghi nhận diễn ra không đồng thời và cách thức lưu trữ truyền thống bằng hồ sơ nên dễ phát sinh sự nhầm lẫn, thay đổi thông tin. Hệ quả là các khách hàng nhập khẩu lẫn doanh nghiệp trong nước phải tiêu tốn rất nhiều công sức và tài chính để kiểm soát hệ thống truy xuất nguồn gốc truyền thống.

Bà Đặng Thị Phương Ninh bày tỏ, cách mạng 4.0 bùng nổ với nhiều công nghệ tiên tiến và tính ứng dụng thực tiễn cao như công nghệ đám mây, blockchain kết hợp với các thiết bị phần cứng và chíp điều khiển ngày càng trở nên nhỏ hơn nhưng lại mạnh mẽ gấp nhiều lần. Với ưu điểm đó, việc ứng dụng các thành quả cách mạng 4.0 vào vấn đề truy xuất nguồn gốc nói riêng và mọi mặt của đời sống nói chung sẽ trở thành xu thế của thời đại.

Nắm bắt được xu hướng này, COFIDEC vốn là công ty có thế mạnh về sản phẩm nông sản chế biến như cà tím, đậu bắp và sản hẩm thủy sản tôm tẩm bột đã hợp tác với công ty TNHH chế tạo máy và dịch vụ công nghệ cao TE nhằm thiết lập và đưa vào vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử với sản phẩm cà tím chế biến xuất khẩu.

Dự kiến trong tương lai gần, COFIDEC sẽ thực hiện áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử cho toàn bộ chuỗi cung ứng để hướng tới phát triển bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục