Truyền thông “thêm dầu vào chảo lửa” giữa Trung Quốc và Australia

05:30' - 05/06/2018
BNEWS Bài viết của Giáo sư Wanning Sun thuộc Đại học Công nghệ Sydney cho rằng kiểu “ngoại giao loa đài” giữa Australia và Trung Quốc mang lại lợi ích truyền thông song gây ảnh hưởng tới quan hệ hai nước.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bài viết đăng trên trang The Conversation mới đây, tác giả cho rằng vấn đề ảnh hưởng của Trung Quốc tại Australia rất phức tạp, bao gồm những lo ngại về an ninh quốc gia, tài trợ chính trị, sự xâm nhập của truyền thông, đến các quan ngại về hợp tác khoa học, Viện Khổng Tử, chủ nghĩa yêu nước của sinh viên Trung Quốc và lòng trung thành của cộng đồng người Australia gốc Hoa.

Mới đây nhất là chính sách ngoại giao “bẫy nợ” của Trung Quốc ở các nước Thái Bình Dương, láng giềng gần gũi của Australia.

Tuy nhiên, có một lý do rất đơn giản cho mối lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc là sự tức giận. Đó là, lần đầu tiên trong lịch sử, Australia đã phải đối phó với một siêu cường thế giới không phải là đến từ Anglo-Saxon, như cách gọi của nhà phân tích Hugh White, và không phải là một nền dân chủ tự do. Nói về quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, nguyên Thư ký quốc phòng Australia Dennis Richardson cho rằng “Australia là bạn của cả hai song chỉ là đồng minh với một”.

Truyền thông ở cả hai quốc gia đã đóng một vai trò đáng kể trong việc làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước. Trung Quốc ngày càng có mặt nhiều hơn trên truyền thông Australia, ngược lại truyền thông Trung Quốc cũng như vậy với Australia.

Gần như ngày càng ít không gian cho các nhà báo đưa ra ý kiến khách quan và các nhà bình luận định hướng cuộc tranh luận này theo hướng hợp lý và lý trí hơn. Mỗi bên cảm thấy cần phải đơn giản hóa thông điệp của mình và đưa ra với quan điểm ngày càng căn bản hơn.

Truyền thông ở cả hai nước cần phải được xem xét trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy chính trị gia tăng trên toàn cầu - đặc biệt là chiến thắng của Tổng thống Donald Trump ở Mỹ và Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) ở Anh. Australia có hệ thống truyền thông tự do song đang phải đối mặt với thách thức tài chính. Điều này tạo ra một sự kết hợp mang tính thủ đoạn.

Dùng truyền thông để tăng độc giả, kết hợp hướng sang chủ nghĩa dân túy trong thảo luận chính trị, làm gia tăng mạnh mẽ và khuấy động mối lo ngại về sự lớn mạnh trên phạm toàn cầu ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Kết quả là căng thẳng về chính trị không phải là điều tốt lành song lại là câu chuyện hấp dẫn của truyền thông. 

Một số nhà bình luận cho rằng cuộc tranh luận công khai về ảnh hưởng của Trung Quốc tại Australia có xu hướng bị chi phối bởi những giọng điệu hiếu chiến từ những người ủng hộ quan hệ gần gũi với Mỹ. Những lời lẽ này phản đối giới ngoại giao, doanh nghiệp và các trường đại học vốn cho rằng cần một sự tương tác mang tính xây dựng và nhạy cảm hơn về văn hóa với Trung Quốc.

Với những người có quan điểm chống Trung Quốc, mối quan tâm về sự hòa hợp đa văn hóa và sự gắn kết xã hội của Australia là điều thứ yếu. Trong khi đó, tham vọng quyền lực "mềm" rộng lớn của Trung Quốc trên trường quốc tế khiến Australia khó chịu và dường như đang bị chặn khi tới Australia. 

Tại Trung Quốc, chủ nghĩa dân túy cũng giữ vị trí quan trọng theo nhiều cách khác nhau. Kiểm soát chính trị của Đảng Cộng sản ngày càng thắt chặt, tiếng nói bất đồng chính kiến bị hạn chế, thuyết giảng về chủ nghĩa dân tộc ngày càng phổ biến. Trên thực tế, trong một môi trường kiểm soát và kiểm duyệt ngày càng gắt gao, chủ nghĩa dân tộc là "trò chơi dân túy" duy nhất mang lại lợi ích.

Cuộc chiến giữa truyền thông hai nước có tác động thực sự tới quan điểm của Trung Quốc và Australia. Điều này thể hiện rõ trong những lời lẽ gần đây của các quan chức chính phủ hàng đầu ở cả hai nước.

Năm ngoái, Thủ tướng Malcolm Turnbull thề sẽ "đối đầu” với Trung Quốc trong một tuyên bố cứng rắn bất thường. Trong khi đó, Ngoại trưởng Julie Bishop đưa ra đánh giá thẳng thừng về sự thiếu dân chủ của Trung Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vừa nói với Ngoại trưởng Bishop rằng Australia cần phải bỏ “lăng kính nhuộm màu” của mình. 

Quan hệ Australia-Trung có thực sự tồi tệ như các phương tiện truyền thông đưa ra hay không? Nếu nhìn vào số lượng du khách và sinh viên Trung Quốc hiện tại, có thể câu trả lời là không, hoặc ít nhất là chưa, song cộng đồng doanh nghiệp bắt đầu bị ảnh hưởng.

Cách đây hai năm, cả hai nước đều hy vọng sử dụng truyền thông để thúc đẩy ngoại giao công chúng song hiện tại không có cơ quan truyền thông nào ở hai nước thực hiện. Trên thực tế, ngoại giao công chúng đã được thay thế bằng “ngoại giao loa đài”. 

Câu hỏi được đặt ra là liệu quan hệ giữa Australia và Trung Quốc có tệ đến mức như truyền thông ở cả hai nước miêu tả hay không? Thay vào đó là sức mạnh của giới truyền thông trong việc định hình mối quan hệ này và “ngoại giao loa đài” hiện đang phục vụ cho lợi ích của nó./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục