TTCK tăng trưởng mạnh nới rộng khoảng cách giàu nghèo ở Mỹ

18:19' - 21/09/2018
BNEWS Thị trường chứng khoán (TTCK) tăng trưởng mạnh đã giúp tài sản của các hộ gia đình tại Mỹ tăng lên con số 106.900 tỷ USD trong quý II năm nay.
Giao dịch viên làm việc tại Sàn Giao dịch Chứng khoán New York, Mỹ ngày 15/8. Ảnh: THX/TTXVN

Đây là mức cao nhất trong thời kỳ hồi phục kinh tế một thập kỷ vừa qua, song phần lớn mức tăng tài sản lại tập trung chủ yếu vào tầng lớp giàu nhất nước Mỹ.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết giá trị thị trường chứng khoán và của các quỹ đầu tư tín thác của Mỹ đã tăng 800 tỷ USD, trong khi tài sản hộ gia đình tăng thêm 600 tỷ USD. Tổng giá trị tài sản hộ gia đình của Mỹ hiện tăng hơn 2,1% so với quý I (104.700 tỷ USD).

Tổng tài sản thuần của hộ gia định được tính đến các tài sản như nhà đất, tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và không tính đến các khoản nợ như thẻ tín dụng hay tài sản thế chấp.
Tuy nhiên, con số trên không phản ánh chân thực đối với toàn bộ hộ gia đình. Sự tăng trưởng mạnh của thị trường chứng khoán chủ yếu tạo ra lợi nhuận “nhanh chóng và không công bằng” cho những người giàu có nhất nước Mỹ. Theo thống kê, số lượng người giàu nhất chỉ chiếm 10% dân số Mỹ nhưng sở hữu khoảng 84% giá trị thị trường chứng khoán.
Trên lý thuyết, tài sản hộ gia đình tăng cao có thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế do người tiêu dùng cảm thấy giàu có hơn và có xu hướng chi tiêu nhiều hơn. Nhưng trên thực tế, các chuyên gia kinh tế lại nhận thấy hầu hết người tiêu dùng lại đang chi tiêu thấp hơn so với thời kỳ trước cuộc Đại Suy thoái cuối năm 2007.

Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, người dân nước này hiện đang tiết kiệm khoảng 7% tổng thu nhập của mình. Con số này được giữ tương đối ổn định trong 5 năm qua bất chấp việc thị trường chứng khoán tăng trưởng cao và giá nhà ở trung bình tăng nhanh hơn thu nhập của người dân. Xu hướng trên cho thấy nhiều người Mỹ vẫn đang rất thận trọng trong chi tiêu.
Việc tài sản gia tăng chủ yếu tập trung vào tầng lớp người giàu và người được học hành là một nguyên nhân khác lý giải tại sao tài sản thuần của nước Mỹ tăng nhưng không thúc đẩy tốc độ chi tiêu của người tiêu dùng. Tỷ lệ chi tiêu của các hộ gia đình giàu có hơn dường như không cao bằng tỷ lệ của tầng lớp người có thu nhập trung bình và thấp.
Một báo cáo khác của Fed cho thấy, trong năm 2016, 10% người giàu nhất nước Mỹ có tài sản nhiều gấp gần 120 lần so với tầng lớp trung lưu thấp hơn. Năm 2013, con số này là 112 lần. 10% người giàu nhất nước Mỹ có tài sản trung bình vào khoảng 5,34 triệu USD, còn đối với tầng lớp người trung lưu thấp hơn, con số chỉ là 44.700 USD.
Khoảng cách giàu nghèo cũng diễn ra giữa các dân tộc người Mỹ khác nhau. Tầng lớp trung lưu da trắng có tài sản ròng trung bình khoảng 171.000 USD, gấp 10 lần tài sản trung bình của hộ gia đình người da đen (khoảng 17.000 USD), và gấp khoảng 8 lần so với người Mỹ Latinh (20.700 USD).

>>> Thiên tai khiến phân hóa giàu nghèo tại Mỹ ngày càng lớn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục