Từ nông dân trở thành giám đốc doanh nghiệp điện cơ

11:30' - 13/02/2021
BNEWS Sản phẩm máy móc nông nghiệp của doanh nghiệp tư nhân Điện cơ Thiên Thuận không chỉ có mặt trên khắp cả nước, phục vụ hàng triệu bà con nông dân mà còn được xuất sang các nước Lào, Campuchia, Myanmar.

Bằng tinh thần vượt khó, ham học hỏi, từ một người nông dân nghèo, không được đào tạo cơ bản, ông Nguyễn Như Lĩnh (sinh năm 1964, xã Thụy Thanh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đã vươn lên trở thành Giám đốc doanh nghiệp tư nhân điện cơ Thiên Thuận. Ông cũng là "cha đẻ" của nhiều loại máy móc nông nghiệp hữu ích phục vụ bà con nông dân trong gần 20 năm qua.
*Khởi nghiệp từ máy thái bèo

Nhìn cơ ngơi của ông Nguyễn Như Lĩnh hôm nay ít ai biết được ông từng là người nông dân ở một vùng quê nghèo, quanh năm gắn bó với ruộng đồng. Năm 1983 sau khi học xong Trung học phổ thông, ông Lĩnh lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc tại biên giới phía Bắc. Năm 1986 hoàn thành nghĩa vụ quân đội ông trở về địa phương và tham gia lao động sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế gia đình.

Ông Lĩnh chia sẻ, thời điểm đó đất nước mới bước vào thời kỳ đổi mới với nhiều khó khăn. Công việc của người nông dân chủ yếu dùng sức người là chính nên rất vất vả. Từ chính những khó khăn trong làm nông nghiệp của bản thân và gia đình, năm 1999 ông Lĩnh quyết định tự nghiên cứu máy thái bèo phục vụ chế biến thức ăn cho chăn nuôi.
Quyết tâm biến ý tưởng thành sản phẩm, nông dân "chân đất" Nguyễn Như Lĩnh bắt tay vào nghiên cứu chiếc máy thái đầu tiên. Ông tự tìm tòi trong sách vở, sử dụng kiến thức thực tế của bản thân và đặc biệt, ông đi nhiều nơi để gom từng linh kiện, chi tiết máy không quản đường xá xa xôi. Quá trình chế tạo máy mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc nhưng ông quyết không bỏ cuộc.

Chiếc máy ban đầu cồng kềnh, nặng gần 1 tạ, bèo thái ra nát vụn, không đạt yêu cầu, ông lại tháo ra làm lại từ đầu. Mỗi lần như vậy, ông lại cho mình thêm kinh nghiệm, vì thế chiếc máy thái bèo cũng dần trở nên tinh gọn hơn, bèo thái ra đều hơn, đẹp hơn.
Sau hơn 1 năm vất vả với nhiều tâm huyết, đến giữa năm 2000, chiếc máy thái bèo do ông nghiên cứu đã ra đời, có thể xử lý được 2 - 3 tạ bèo/giờ. Tiếng lành đồn xa, người ở gần, khách ở xa, người thì đến xem, người đến đặt mua máy ngày càng nhiều hơn. Cuối năm 2000, ông vay mượn 18 triệu đồng để mở xưởng sản xuất máy thái bèo đầu tiên ở vùng quê nghèo Thụy Thanh. Ý tưởng về chiếc máy phục vụ sản xuất của gia đình đã trở thành sản phẩm được bán ra thị trường, đó là niềm vui và sự bất ngờ không chỉ của riêng ông.
Khi chiếc máy thái bèo đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước, năm 2004 nông dân Nguyễn Như Lĩnh ngày nào mạnh dạn thành lập doanh nghiệp với tên gọi Doanh nghiệp tư nhân Điện cơ Thiên Thuận với số vốn kinh doanh 200 triệu đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương với thu nhập ổn định.
*Đồng hành cùng nông dân

Xuất phát từ nông dân nên doanh nghiệp tư nhân Điện cơ Thiên Thuận do ông Nguyễn Như Lĩnh làm chủ đặt mục tiêu tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo nhiều hơn nữa các sản phẩm, máy móc nông nghiệp, mang lại sự thuận lợi phục vụ bà con nông dân. Năm 2006 chiếc máy thái bèo - sản phẩm đầu tiên do ông dày công chế tạo được trao Cúp thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam. Đây là động lực để ông "Giám đốc nông dân" Nguyễn Như Lĩnh tiếp tục nghiên cứu, sáng chế nhiều sản phẩm hữu ích hơn.
Ông kể, trong một lần đi thăm nông dân khu vực miền Trung - Tây Nguyên, chứng kiến cảnh nông dân đổ bỏ củ khoai mì, củ cải, cà rốt do không kịp thu hoạch khiến nông sản bị hỏng, thương lái không mua, ông lại nảy ra ý tưởng chế tạo ra chiếc máy thái củ quả để người nông dân kịp thời sơ chế nông sản, giảm tổn thất sau thu hoạch. Năm 2012 chiếc máy thái củ quả đã ra đời.
Đến nay, tài sản quý báu nhất ông Lĩnh có được chính là những chiếc máy do ông dành nhiều tâm huyết tìm tòi, sáng chế. Ông cũng có một "bộ sưu tập" những giải thưởng từ những sản phẩm nghiên cứu của mình như máy thái rau bèo được Bộ Công Thương bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2012, sáng chế máy thái củ quả đạt giải nhì Cuộc thi sáng tạo Khoa học - kỹ thuật tỉnh Thái Bình, giải khuyến khích Cuộc thi sáng tạo Khoa học - kỹ thuật toàn quốc lần thứ 13 năm 2014 - 2015.

Năm 2018 ông vinh dự nhận giải thưởng "Nhân tài đất Việt" về Khuyến học, tự học thành tài do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam trao tặng, năm 2020 ông được Hội Nông dân Việt Nam trao tặng giải thưởng "Nhà khoa học của nhà nông".
Sản phẩm máy móc nông nghiệp của doanh nghiệp tư nhân Điện cơ Thiên Thuận không chỉ có mặt trên khắp cả nước, phục vụ hàng triệu bà con nông dân mà còn được xuất sang các nước Lào, Campuchia, Myanmar. Năm 2016, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng thêm nhà máy với quy mô diện tích trên 5.000m2; trong đó, đầu tư nhiều thiết bị hiện đại trị giá hàng chục tỷ đồng. Hiện nay, mỗi năm doanh nghiệp sản xuất được hơn 70.000 sản phẩm, tạo việc ổn định cho 50 lao động địa phương.
Anh Phan Như Thành, công nhân Doanh nghiệp điện cơ Thiên Thuận cho biết, anh cũng như nhiều lao động trẻ tại đây đều được doanh nghiệp đào tạo từ chưa biết việc đến trở thành thợ lành nghề. Sau 5 năm làm việc, đến nay anh Thành đã làm chủ được máy móc tự động với mức thu nhập ổn định 7 triệu đồng/tháng. Với anh Thành, ông Nguyễn Như Lĩnh vừa là Giám đốc, vừa là người thầy dạy nghề và ông cũng là tấm gương về tự học cho nhiều thanh niên trẻ tại đây.
Với ông, những ý tưởng nghiên cứu máy móc nông nghiệp để đồng hành cùng người nông dân luôn là niềm đam mê và phương châm hoạt động của doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục