Từ quyết sách của Chính phủ - lan tỏa tính nhân văn và trách nhiệm

09:38' - 17/03/2020
BNEWS Cuộc chiến chống “giặc dịch COVID -19” ở Việt Nam đã bước vào giai đoạn ác liệt hơn trước và nước ta đang ở “giai đoạn vàng” trong phòng chống, hạn chế lây nhiễm và tử vong.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định như vậy tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại Trụ sở Chính phủ vào chiều 16/3.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID–19. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Đặt sức khỏe của người dân lên hàng đầu

Ngày 28/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra; trong đó yêu cầu trước mắt phải thành lập Đội phản ứng nhanh, Bộ Y tế hàng ngày có trách nhiệm báo cáo với Thủ tướng về tình hình dịch bệnh.

Từ đó đến nay cuộc chiến đấu với “giặc dịch” diễn ra ngày càng quyết liệt trong bối cảnh COVID-19 đã trở thành “đại dịch toàn cầu” theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến sáng 17/3, Việt Nam ghi nhận 61 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 18 bệnh nhân nước ngoài.

Tình hình mắc COVID-19 ở Việt Nam hiện tại chủ yếu vẫn là do các trường hợp xâm nhập từ bên ngoài.

Chính phủ Việt Nam coi vấn đề sức khỏe của người dân là quan trọng nhất, là ưu tiên hàng đầu trong hoạt động của mình.

Chúng ta chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế trước mắt, ngắn hạn để bảo vệ tốt nhất sức khỏe người dân.

Điều này được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 (ngày 13/3).

Bên cạnh việc quyết liệt ngăn chặn tốc độ lây lan của dịch, nhanh chóng xác minh nguồn lây để phong tỏa, dập dịch thì chính quyền, các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương đều tuân thủ nghiêm quyết sách của Chính phủ là đối xử nhân văn, đầy tinh thần trách nhiệm với bệnh nhân và những người được cách ly, giám sát sức khỏe. Cho đến nay, mọi chi phí cho việc cách ly, phong tỏa, xét nghiệm, chữa trị… đều do Chính phủ gánh vác.

Khi Việt Nam trải qua 22 ngày không có ca mới mắc COVID-19 và toàn bộ 16 người bệnh đã có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, đã có những ý kiến cho rằng cần đóng cửa cả với những người Việt trở về từ các vùng dịch.

Nhưng Chính phủ vẫn quyết định dang rộng cánh tay đón các công dân của mình từ các tâm dịch ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, dù biết như vậy là phải nỗ lực chống dịch hơn hàng chục, hàng trăm lần.

Cán bộ quận Ba Đình vận chuyển nhu yếu phẩm cho người dân trong khu vực cách ly Trúc Bạch (Hà Nội). Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Tại Hà Nội, tính đến ngày 16/3, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị đón hơn 600 công dân Việt Nam trở về từ châu Âu qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và đưa về cách ly tại Trường Quân sự để phòng, chống dịch COVID-19.

Chủ yếu trong số này là sinh viên, người lao động đang sinh sống, làm việc và học tập tại các nước Hà Lan, Ba Lan, Đức, Anh...

Trong thời gian cách ly, những người mới trở về được trang bị chăn, màn, giường, chiếu. Tại khu vực sinh hoạt văn hóa có ti vi, phòng tắm có bình nóng lạnh.

Hằng ngày họ được đội ngũ y, bác sĩ kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt 3 lần cố định vào 9h, 14h và 21h.

Chất lượng 3 bữa ăn mỗi ngày được cán bộ, nhân viên của đơn vị bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn, định lượng như đối với cán bộ, chiến sĩ của đơn vị...

Nhà trường cũng bố trí một phòng cách ly riêng trong trường hợp có những người ho, sốt. Các công dân này sẽ được bác sĩ chăm sóc, theo dõi chuyên sâu.

Trước đó, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã phối hợp với Sở Y tế Hà Nội tổ chức trao cho hơn 900 công dân giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cách ly tại Trường Quân sự thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Trung đoàn 59 (Sư đoàn Bộ binh 301).

Riêng trong sáng 16/3, ba chuyến bay gồm: VN0054, VN0018, VN0036 chở theo 159 hành khách từ châu Âu đã hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh).

Hành khách được đưa lên ô tô chở về khu cách lý theo quy định tại sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh). Ảnh: TTXVN phát

Trong đó, chuyến bay VN0054, cất cánh từ London (Anh) chở theo 97 hành khách là công dân Việt Nam; VN0018, cất cánh từ Paris (Pháp) chở theo 43 hành khách là công dân Việt Nam; VN0036, cất cánh từ Frankfurt (Đức) chở theo 19 hành khách (18 công dân Việt Nam, 1 khách nước ngoài).

Khi máy bay hạ cánh, toàn bộ đội bay, hành khách, hành lý đi kèm được kiểm tra, giám sát y tế, khử trùng theo quy trình đặc biệt và đưa về cách ly tại Trường Quân sự tỉnh Quảng Ninh, Trường Quân sự tỉnh Bắc Ninh và một số khu vực theo quy định.

Tỉnh Quảng Ninh sẵn sàng chuẩn bị với tinh thần cao nhất để đón các chuyến bay từ châu Âu đưa người Việt Nam về nước trong dịp này.

Các điểm được xác định tổ chức cách ly khi đón người từ những chuyến bay này về nước đã được bố trí chu đáo, đảm bảo cơ sở vật chất cũng như các điều kiện môi trường tốt nhất, mang lại tâm lý thoải mái cho những người được cách ly tại đây.

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao từ tháng 2/2020, tỉnh Quảng Ninh đã đón các chuyến bay từ những điểm nóng của dịch COVID-19 như Trung Quốc, Hàn Quốc, đưa hàng trăm công dân Việt Nam, trong đó có những cháu nhỏ mới 2 tháng tuổi, về nước an toàn qua sân bay Vân Đồn.

Tính từ thời điểm khi dịch COVID-19 bùng phát vào cuối tháng 1/2020 đến nay, Quảng Ninh đã đón và cách ly tập trung 2.302  người; cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế 422 người.

Cùng với việc bố trí chỗ ở đầy đủ các điều kiện sinh hoạt cá nhân thuận tiện cũng như đảm bảo các điều kiện về cách ly theo quy định của ngành y tế, tỉnh đã thực hiện miễn phí toàn bộ các chi phí gồm xét nghiệm, cung cấp 3 bữa ăn trong ngày, bố trí phương tiện đưa người sau cách ly trở về nơi cư trú.

Chính sách ưu đãi này được thực hiện đồng bộ cho cả người Việt Nam và người nước ngoài khi có mặt tại các cơ sở cách ly trên địa bàn Quảng Ninh. Về chi phí điều trị đối với bệnh nhân COVID-19, nếu là người Việt Nam được miễn phí toàn bộ.

WHO và nhiều nước trên thế giới đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam thực hiện kịp thời các giải pháp quyết liệt ngay từ những ngày đầu chống dịch và ưu tiên trên hết cho việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân.

Lan tỏa tính nhân văn và trách nhiệm

Chính sách và hành động của Chính phủ vừa quyết liệt vừa mang đậm tính nhân văn trong việc phòng, chống dịch COVID-19 đã nhận được đồng tình, ủng hộ rộng khắp của người dân Việt Nam.

Quyết sách đó khơi dậy tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng từ phía các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các văn nghệ sỹ để họ tự nguyện san bớt gánh nặng đang đè lên vai Chính phủ.

Cán bộ quân y đo thân nhiệt cho một cháu bé đang thực hiện cách ly cùng mẹ tại Trường Quân sự tỉnh Hòa Bình sau khi trở về từ vùng dịch Hàn Quốc. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Theo thông tin chưa đầy đủ, tính đến ngày 16/3 đã có hàng trăm tỷ đồng do các tập đoàn, công ty, ngân hàng, các tổ chức, cá nhân đóng góp cho việc phòng, chống dịch.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có kế hoạch vào ngày 17/3 làm lễ trao 110 tỷ đồng do các ngân hàng đóng góp vào quỹ phòng, chống dịch COVID-19.

Trong số này Techcombank ủng hộ 10 tỷ đồng, VPBank -10 tỷ đồng, HDBank - 10 tỷ đồng, Ngân hàng Hàng Hải - 10 tỷ đồng, Sacombank - 10 tỷ đồng, SeABank - 5 tỷ đồng, Ngân hàng Bắc Á - 5 tỷ đồng, TPBank - 5 tỷ đồng…

Nhiều tập đoàn, công ty ủng hộ với khoản tiền hoặc số lượng hiện vật lớn, trong đó Vinamilk - 10 tỷ đồng; Vingroup – 5 tỷ đồng, FLC - 5 tỷ đồng. Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI đã trao tặng 4 tỷ đồng cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Tập đoàn TH tặng 1 triệu ly sữa cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để hỗ trợ những người đang bị cách ly, theo dõi vì dịch COVID-19.

Grab Việt Nam trao 100.000 khẩu trang y tế cho Bộ Y tế để gửi tặng 33 trung tâm y tế thuộc 7 tỉnh biên giới.

Công ty Cổ phần Y tế Danameco trao tặng cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh 30.000 khẩu trang y tế, 1.000 bộ đồ chống dịch cùng 5 máy monitor theo dõi bệnh nhân.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tặng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh 200.000 khẩu trang chống dịch...

Việc đầu tư cho các công trình nghiên cứu khoa học chống virus SARS-CoV-2 cũng được các doanh nghiệp, tổ chức quan tâm.

Quỹ Đổi mới sáng tạo và Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn (thuộc Tập đoàn Vingroup) tài trợ khoảng 20 tỷ đồng cho 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với COVID-19.

Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam ủng hộ 5 tỷ đồng (trong đó 4 tỷ đồng quyên góp từ các doanh nghiệp) để Chính phủ sản xuất 10.000 bộ kit phát hiện COVID-19.

Nhiều nghệ sỹ thể hiện trách nhiệm công dân của mình trong thời đại dịch bằng những hành động khác nhau: Ca sĩ Hà Anh Tuấn tài trợ 1,95 tỷ đồng để thiết lập 3 phòng cách ly áp lực âm.

Ca sĩ Chi Pu tài trợ 5.000 bộ đồ bảo hộ và 1 tỷ đồng làm phòng cách ly áp lực âm, ca sĩ Hồ Ngọc Hà đóng góp 1 tỷ đồng...

Các nghệ sĩ Pha Lê, Giang Hồng Ngọc, Đại Nghĩa, Nhật Kim Anh, Khắc Việt, Võ Tấn Phát, Hoa hậu Khánh Vân... đã đi phát khẩu trang và nước rửa tay miễn phí cho người dân.

Đánh giá cao các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đã ủng hộ việc phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng yêu cầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động và tiếp nhận sự hỗ trợ của cộng đồng và bàn giao cho Bộ Y tế để mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác chống dịch theo quy định.

Có thể khẳng định, đây mới chỉ là những tín hiệu ban đầu từ các quyết sách kịp thời và đầy trách nhiệm của Chính phủ nhằm diệt “giặc dịch” đã làm đâm chồi nảy lộc từ phía các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân những hành động nhân văn cao cả./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục