Tuân thủ pháp luật hải quan, doanh nghiệp lợi đơn, lợi kép

06:15' - 03/10/2023
BNEWS Tổng cục Hải quan đã thực hiện chương trình doanh nghiệp ưu tiên về hải quan, chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

Với mục đích tạo thuận lợi thương mại, giảm chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn, Tổng cục Hải quan đã thực hiện chương trình doanh nghiệp ưu tiên về hải quan, chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

 
Tổng cục Hải quan cho biết, chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan bắt đầu được thực hiện từ tháng 7/2022. Theo đó, doanh nghiệp khi tham gia chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan sẽ được cơ quan hải quan tạo thuận lợi, hỗ trợ hướng dẫn miễn phí các nội dung liên quan đến lĩnh vực áp dụng quản lý rủi ro, tuân thủ pháp luật hải quan và thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh.

Tại Việt Nam, mức độ tuân thủ doanh nghiệp là cơ sở quan trọng cho cơ quan Hải quan áp dụng các chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi trong thủ tục hải quan. Đồng thời, là yếu tố thiết yếu cho áp dụng quản lý rủi ro, quyết định phân luồng kiểm tra hàng hóa của cơ quan hải quan.

Theo ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, trong số hơn 190.000 doanh nghiệp đang hoạt động xuất nhập khẩu trên cả nước, chỉ có trên 10% đơn vị tuân thủ pháp luật hải quan ở mức trung bình và cao. Điều này đồng nghĩa với thực tế đang có gần 90% doanh nghiệp chỉ tuân thủ ở mức thấp hoặc không tuân thủ.

Đến nay, sau hơn một năm thí điểm đã có 213 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đại lý hải quan tham gia và được công nhận là thành viên của chương trình tại 34 cục hải quan tỉnh, thành phố.

Nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình tăng hạng về tuân thủ pháp luật hải quan. Tại Cục Hải quan Đồng Tháp, trước khi tham gia chương trình, hệ thống thông tin ngành hải quan ghi nhận Công ty TNHH liên doanh Nghị Phong và Công ty TNHH Tỷ Thạc tuân thủ pháp luật xếp hạng 4 nhưng sau gần 1 năm tham gia chương trình, đến tháng 6/2023, doanh nghiệp được nâng hạng khi hệ thống thông tin ngành hải quan ghi nhận đánh giá tuân thủ xếp hạng 3...

Cục trưởng cục Hải quan Bắc Ninh Trần Đức Hùng cho biết, Cục Hải quan Bắc Ninh đang quản lý 5.615 doanh nghiệp làm thủ tục hải quan tại các chi cục hải quan trực thuộc. Qua số liệu thống kê về phân loại mức độ tuân thủ pháp luật đối với người khai hải quan, có trên 58,4% doanh nghiệp có mức tuân thủ thấp (mức 4); 23,6% doanh nghiệp có mức tuân thủ trung bình (mức 3). Còn lại là các doanh nghiệp mức 1, mức 2 (doanh nghiệp ưu tiên, tuân thủ cao). Hiện Hải quan Bắc Ninh đã lựa chọn một số doanh nghiệp tham gia và ký kết biên bản ghi nhớ, kế hoạch hành động.

Theo ông Trần Đức Hùng, việc tham gia chương trình đem lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Do vậy, các doanh nghiệp vừa có lợi ích vừa có nghĩa vụ chấp hành đúng pháp luật bằng việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan để đánh giá lại thực trạng. Cùng đó, chỉ rõ các yếu tố, nguyên nhân ảnh hưởng đến mức độ tuân thủ. Từ đó, có kế hoạch cụ thể để từng bước cải thiện, nâng mức tuân thủ.

Là một trong những doanh nghiệp tham gia chương trình, Công ty TNHH Daewon Auto Vina chuyên lắp ráp ghế ngồi cho ngành ô tô, chuyên nhận thầu các loại phụ tùng với số lượng lớn cho biết thời gian thông quan mỗi lô hàng giảm tới 30-40% so với trước thời điểm trở thành thành viên của Chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan. Điều này góp phần thúc đẩy quá trình sản xuất và tăng năng lực cạnh tranh, uy tín của doanh nghiệp.

Với mục tiêu tăng tối thiểu 20% doanh nghiệp tham gia chương trình trong năm 2023, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cho hay, hiện chương trình đã được đẩy mạnh tại các cục hải quan địa phương với hàng loạt bản ghi nhớ được ký kết giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp.

Theo đó, ngoài các doanh nghiệp được lựa chọn theo tiêu chí của chương trình, trên cơ sở các hoạt động quan hệ đối tác, tuyên truyền, tiếp xúc doanh nghiệp, cục hải quan các tỉnh, thành phố có thể mời các doanh nghiệp chủ động đề nghị tham gia chương trình. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan lồng ghép các nội dung tập huấn hướng dẫn phòng tránh vi phạm trong lĩnh vực hải quan tại các chương trình hệ đối tác cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn quản lý.

Tổng cục Hải quan cho biết đã hoàn thành việc xây dựng bộ tiêu chí phù hợp với tình hình thực tế để mở rộng đối tượng tham gia chương trình. Cùng đó, rà soát, lựa chọn và lọc ra các doanh nghiệp thực sự có nhu cầu tham gia cần được cơ quan hải quan khuyến khích nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật để triển khai trong thời gian tới.

Để tăng số lượng doanh nghiệp tham gia, Tổng cục Hải quan sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giải thích cho doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa và lợi ích của doanh nghiệp khi tham gia chương trình. Cùng với đó, ngành hải quan thực hiện các hoạt động hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng thông qua việc điều phối, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Tổng cục Hải quan, từ cấp cục đến chi cục hải quan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục