Tương lai của chuyển đổi số tại Việt Nam

18:47' - 19/02/2025
BNEWS Trang mạng medium.com của Mỹ mới đây đã đăng bài viết khẳng định chuyển đổi số đang định hình lại các ngành công nghiệp trên toàn cầu, và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Với nền kinh tế phát triển nhanh chóng, dân số trẻ, am hiểu công nghệ cùng các sáng kiến mạnh mẽ của chính phủ, Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia đi đầu trong đổi mới kỹ thuật số.

 

Việt Nam đã vạch ra những mục tiêu đầy tham vọng cho quá trình chuyển đổi số. Theo đó, nền kinh tế số sẽ đóng góp lần lượt 20% và 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2025 và năm 2030. Các lĩnh vực mũi nhọn gồm: Phát triển các nền tảng thanh toán kỹ thuật số và công nghệ tài chính; Thúc đẩy tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT); Cung cấp băng thông rộng toàn dân và phủ sóng 5G đầy đủ vào năm 2030; Cải thiện kỹ năng số và đào tạo lực lượng lao động.

Bài viết nêu rõ nền kinh tế số của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, được thúc đẩy bởi những tiến bộ trong thương mại điện tử, công nghệ tài chính và viễn thông. Ngành công nghệ thông tin của Việt Nam đang tăng trưởng đáng kể, tập trung ngày càng nhiều vào những tiến bộ trong công nghệ AI, công nghệ chuỗi khối (blockchain) và tự động hóa. Việt Nam đang nổi lên với vai trò trung tâm gia công phần mềm được các công ty công nghệ toàn cầu tin tưởng, cung cấp các giải pháp phát triển phần mềm và công nghệ thông tin, với chi phí cạnh tranh.

Theo bài viết, tương lai của chuyển đổi số tại Việt Nam nổi bật ở các khía cạnh sau:

Thứ nhất, tăng cường quan hệ đối tác công tư: Sự hợp tác giữa chính phủ và khu vực tư nhân là điều cần thiết để duy trì tăng trưởng kỹ thuật số. Các khoản đầu tư chiến lược vào nghiên cứu và phát triển, hệ sinh thái khởi nghiệp và khuôn khổ pháp lý sẽ đóng vai trò then chốt trong việc tăng tốc thúc đẩy áp dụng công nghệ số trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau.

Thứ hai, phát triển AI, tự động hóa và sản xuất thông minh: Sự xuất hiện của công nghiệp 4.0 tại Việt Nam đang thúc đẩy việc triển khai các nhà máy thông minh, quy trình sản xuất ứng dụng IoT và hệ thống kiểm soát chất lượng ứng dụng AI. Những tiến bộ này đang nâng cao năng suất và định vị ngành sản xuất Việt Nam là một thế lực cạnh tranh trên trường quốc tế.

Thứ ba, an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu: Khi quá trình số hóa diễn ra nhanh hơn, tầm quan trọng của các biện pháp an ninh mạng mạnh mẽ cũng sẽ tăng lên đáng kể. Việc tăng cường các quy định về quyền riêng tư dữ liệu và củng cố các giao thức bảo mật là rất quan trọng để đảm bảo các giao dịch trực tuyến an toàn hơn và bảo vệ doanh nghiệp khỏi các mối đe dọa mạng.

Bài viết kết luận quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam đang mở đường cho hiện đại hóa kinh tế, đổi mới kinh doanh và nâng cao chất lượng cuộc sống. Thông qua việc khai thác các tiềm năng của công nghệ, khuyến khích đầu tư chiến lược và ưu tiên số hóa đồng bộ, Việt Nam đang có vị thế tốt để trở thành nền kinh tế kỹ thuật số hàng đầu ở Đông Nam Á.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục