Tương lai không chắn chắn của các ngân hàng Italy

06:30' - 08/03/2024
BNEWS Các ngân hàng Italy đã có một giai đoạn tăng trưởng mạnh, trở lại trạng thái ổn định sau một thập kỷ gần như sụp đổ dưới hàng núi nợ nần.

Theo mạng tin Politico, các ngân hàng Italy đang phải chuẩn bị đón một tương lai không chắc chắn sau một năm bội thu.

Các ngân hàng Italy đã có một giai đoạn tăng trưởng mạnh, trở lại trạng thái ổn định sau một thập kỷ gần như sụp đổ dưới hàng núi nợ nần và gần như kéo theo khu vực đồng euro (Eurozone) vào đống đổ nát đó.

Nhưng các quan chức ngành ngân hàng tại nền kinh tế lớn thứ ba của Eurozone hiện lo ngại rằng việc lãi suất cao, đã giúp tạo ra lợi nhuận tăng trong hai năm qua, sẽ làm tê liệt những người phải đi vay vốn để duy trì hoạt động kinh doanh, trong khi bất ổn chính trị, trì trệ kinh tế và xung đột ở biên giới châu Âu có thể gây nứt toác các vết thương cũ.

Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Philip Lane đã nhấn mạnh trong một hội thảo mới đây rằng, tất cả các ngân hàng Eurozone đang phải đương đầu với cùng một thách thức. Tuy nhiên, Italy là một trường hợp đặc biệt nhạy cảm, vì quy mô của hệ thống ngân hàng và vì các ngân hàng của nước này gánh một phần lớn khoản nợ công trị giá 2.800 tỷ euro (3.038,19 tỷ USD).

Ông Fabio Panetta, thống đốc mới của Ngân hàng Trung ương Italy, đã nói với Hiệp hội Ngân hàng Italy (ABI) vào đầu năm nay rằng: “Mọi thứ không thể diễn ra tốt đẹp mãi mãi”.

Đối với người quan sát bên ngoài, nhận xét của ông Panetta có thể trùng khớp với các báo cáo thường niên xuất sắc - và những triển vọng lạc quan đáng ngạc nhiên cho năm 2024 - mà các ngân hàng lớn nhất của Italy vừa đưa ra.

Những báo cáo này cho thấy mức vốn dồi dào, tính thanh khoản cao và mức nợ xấu thấp hơn nhiều so với trước đây. Ngay cả Ngân hàng Monti dei Paschi di Siena đang gặp khó khăn cũng công bố lợi nhuận bội thu và chia cổ tức lần đầu tiên sau 13 năm. Cổ phiếu của hai ngân hàng lớn nhất Italy là Unicredit và Intesa Sanpaolo lần lượt đang giao dịch ở mức cao nhất trong 8 và 6 năm.

Hơn nữa, theo ý kiến của ông Lane, không giống như trong cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro, các ngân hàng tại Italy và trên toàn Eurozone nhìn chung hiện cảnh giác hơn và không mộng du dẫn đến thảm họa.

Thời điểm tốt-thời điểm xấu

Như ông Panetta đã cảnh báo, thời kỳ tốt đẹp đã được sinh ra từ “những yếu tố ngoại lệ” - và chu kỳ đó sắp sửa chuyển hướng.

Các ngân hàng kiếm được nhiều tiền nhất khi bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất bằng cách tính lãi suất cho vay cao hơn mà không tăng lãi suất tiền gửi. Nhưng khi việc vay mượn trở nên quá đắt đỏ, nhu cầu về các khoản vay mới giảm đi và người gửi tiền bắt đầu yêu cầu lợi nhuận cao hơn - gây ra sức ép hai chiều lên lợi nhuận.

Sự đảo ngược vận mệnh đã sắp xảy ra. Ông Andrea Clamer, người đồng sáng lập ngân hàng kỹ thuật số Illity, cho biết các ngân hàng sẽ sớm bắt đầu “một cuộc cạnh tranh về tính thanh khoản sẽ làm tăng chi phí vốn. Có khả năng trong hai đến ba năm tới, chúng ta sẽ thấy chi phí sử dụng tiền và chi phí thanh khoản cao hơn – và bảng cân đối kế toán của các ngân hàng sẽ không tốt”.

Trọng tâm của vấn đề này là việc ECB đang cố tình làm cho tiền trở nên khan hiếm hơn. Vào đầu năm ngoái, các ngân hàng Italy đã có hơn 300 tỷ euro khoản vay lớn hoặc cấp vốn dài hạn (TLTRO) giá rẻ từ dư nợ ECB. Đến tháng Chín tới, khoản vay này gần như sẽ biến mất.

Theo chuyên gia Brunella Bruno, nhà nghiên cứu tại Đại học Bocconi, nói chung, khi các gia đình và doanh nghiệp vay ít hơn, tổng lượng tiền mặt họ gửi tại ngân hàng sẽ giảm đi. Trong năm ngoái, các khoản vay của các công ty và hộ gia đình đã giảm hơn 3%.

Ông Clamer cũng nhất trí khi cho rằng “đây không phải là thời điểm mà chiếc bánh có thể được mở rộng ra. Chiếc bánh có thể sẽ co lại một chút – đó là điều sẽ bắt đầu trong 2 tháng tới.”

Ngoài ra còn có nhiều đối thủ cạnh tranh hơn giành số tiền còn lại. Trong năm qua, Chính phủ Italy đã cạnh tranh với tiền gửi ngân hàng bằng hơn 30 tỷ euro trái phiếu nhắm vào các nhà đầu tư bán lẻ. Tổng giám đốc ABI Giovanni Sabatini cho biết công nghệ mới cho phép rút tiền nhanh chóng đã gây thêm những vấn đề thông thường đi kèm với sự thay đổi của chu kỳ. Sự cạnh tranh như vậy đặc biệt gây tổn hại cho các ngân hàng nhỏ hơn, phụ thuộc nhiều hơn vào tiền gửi.

Đống nợ khó đòi

Trong lịch sử, khi lãi suất lên đến đỉnh điểm, con nợ bắt đầu trở nên quá hạn trả nợ. Việc chuyển hướng này cũng đang diễn ra. Tuy nhiên, những người đi vay ở Italy đang bắt đầu chùn bước trong việc trả nợ. ABI dự báo tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng từ 2,8% lên 4,1% tổng nợ trong năm nay, mặc dù con số này vẫn còn kém xa mức đỉnh điểm 16,5% của năm 2015, khi làn sóng vỡ nợ kéo theo khủng hoảng khu vực đồng euro.

 

Trong khi đó, khoảng 70% các khoản thế chấp ở Italy sẽ được thiết lập lại trong năm nay, khiến người dân Italy sẽ cảm nhận được toàn bộ tác động của chính sách tiền tệ, dù là muộn màng.

Ông Sabatini nói: “Rủi ro tín dụng vẫn là một trong những vấn đề trọng tâm chính của những nhà giám sát các ngân hàng Italy”, trích dẫn sự kết hợp giữa lãi suất cao, tăng trưởng yếu và tác động lạm phát có thể xảy ra của địa chính trị, đặc biệt là các cuộc tấn công của lực lượng Houthi đang diễn ra nhằm vào hoạt động vận tải thương mại ở Biển Đỏ. Nhưng ông nói thêm rằng trong khi các vấn đề tín dụng đang dần được giải quyết, các công ty và hộ gia đình - cho đến nay - đã tỏ ra có sức chống đỡ.

Làm lại từ đầu

Như vậy, vấn đề nợ xấu phần lớn vẫn chưa được giải quyết. Điều đó chủ yếu là do sự thành công của những cải cách được đưa ra vào năm 2016, trong đó đưa ra sự bảo lãnh của nhà nước (được gọi là GACS) để bán các khoản nợ có rủi ro thấp hơn cho các nhà đầu tư. Mạng lưới an toàn của chính phủ mang lại cho các nhà đầu tư tư nhân sự yên tâm để loại bỏ những khoản nợ xấu khỏi sổ sách của ngân hàng và phân tán gánh nặng sang một bộ phận rộng hơn và mạnh mẽ hơn của hệ thống tài chính.

Nhưng sáng kiến đó đã bị hủy bỏ vào tháng 6/2022 và thế giới tài chính hiện đang lo sợ trước một chính phủ Italy ngày càng tích cực, mà năm 2023 đã 2 lần đe dọa làm tổn hại đến mô hình kinh doanh của các ngân hàng bằng luật mới.

Đầu tiên là khoản thuế đánh vào các khoản lợi nhuận bất thường. Thứ hai là các nhà lập pháp trong đảng cầm quyền Anh em Italy cũng nhắm trực tiếp vào thị trường thứ cấp các khoản nợ xấu, với đề xuất cho phép các công ty và hộ gia đình Italy mua lại các khoản vay lên tới 25 triệu euro, đã bị liệt vào danh sách nợ xấu từ năm 2015 đến năm 2021, theo giá chuyển nhượng ban đầu, cộng thêm 20% phí bảo hiểm.

Điều đó sẽ cho phép một số người đi vay khôi phục lại xếp hạng tín dụng đã bị ảnh hưởng của họ với chi phí thấp, nhưng sẽ làm tổn hại đến lợi nhuận mà người mua nợ xấu có thể kiếm được từ các giao dịch của họ và làm giảm động lực chấp nhận những rủi ro đó.

Đề xuất trên cuối cùng đã bị gác lại dưới áp lực từ các ngân hàng và ECB, nhưng nó khiến khu vực tài chính lo lắng trước những thông báo bất ngờ hơn.

Như một giám đốc điều hành ngân hàng Italy đã nói: “Điều đáng lo ngại là trong thời kỳ khủng hoảng, các ngân hàng có thể trở thành mục tiêu với các biện pháp đặc biệt nặng nề”.

Một số nhà đầu tư, đã từng đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối lại rủi ro nợ xấu, đã chùn bước. Tập đoàn Intrum của Thụy Điển đã chuyển gần như toàn bộ danh mục nợ xấu trị giá 11 tỷ euro của mình sang một phương tiện được kiểm soát bởi "gã khổng lồ" đầu tư thay thế Cerberus vào đầu năm 2024.

Ủy ban ổn định tài chính, trong một báo cáo gần đây, đã cảnh báo rằng Chính phủ Italy không thể để thị trường nợ xấu suy yếu. Rốt cuộc, với tình trạng mất khả năng thanh toán đã tăng đều đặn trong suốt năm ngoái và hiện đang ở mức cao nhất kể từ năm 2021, ai biết được bao lâu nữa thị trường nợ xấu sẽ trở nên cần thiết trở lại?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục