Tương lai nào cho "ông lớn" công nghệ Huawei?

10:48' - 01/06/2019
BNEWS Dù Huawei luôn tuyên bố có thể vượt qua những sóng gió này và họ có hàng thập kỷ tích lũy kinh nghiệm làm cơ sở cho lòng tin đó, nhưng giới chuyên gia vẫn tỏ ra khá bi quan cho tương lai của Huawei.
Điện thoại của hãng Huawei được trưng bày tại Hội nghị di động thế giới ở Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 25/2/2019. Ảnh: THX/ TTXVN

Huawei đang trải qua giai đoạn vô cùng gian khó sau khi chính quyền Mỹ đưa Huawei và hàng chục công ty liên kết vào “danh sách đen” bị cấm và không thể mua các linh kiện và công nghệ của Mỹ nếu không có sự chấp thuận của chính phủ nước này.

Sự mạnh tay của Washington đã khiến nhiều công ty Mỹ, thậm chí các công ty của một số nước khác như Anh, Nhật Bản phải cân nhắc và xem xét lại mối quan hệ kinh doanh với Huawei do lo ngại bị trừng phạt.

Dù Huawei luôn tuyên bố có thể vượt qua những sóng gió này và họ có hàng thập kỷ tích lũy kinh nghiệm làm cơ sở cho lòng tin đó, nhưng giới chuyên gia vẫn tỏ ra khá bi quan cho tương lai của Huawei. Đặc biệt là sau khi Google và mới đây là nhà thiết kế chip ARM đều lên tiếng ngừng quan hệ làm ăn với doanh nghiệp viễn thông này.

*Tạm biệt Android?

Android là Hệ điều hành di động (OS) thuộc sở hữu của "đại gia" Google, được trình làng vào năm 2007. Hệ điều hành này luôn đi cùng những phần mềm độc quyền nằm trong gói Dịch vụ di động của Google (GMS) thường được cài đặt sẵn trong hầu hết các điện thoại dùng Android gồm Search, Gmail, trình duyệt Chrome, Youtube, cửa hàng ứng dụng Play store, bản đồ Maps...

Đây đều là những ứng dụng rất phổ biến mà hiếm người dùng nào không cần đến trên smartphone của họ.

Ngoài bản Android được “chăm chút” cẩn thận, Google có một phiên bản miễn phí hoàn toàn được gọi là Dự án mã nguồn mở Android (AOSP). Các sản xuất thiết bị gốc (OEM) như Samsung, Huawei, Tecno, Xiaomi có thể lấy và tự do tùy chỉnh AOSP theo nhu cầu, thêm gói GSM rồi gắn các đặc điểm riêng lên giao diện sản phẩm của mình. Đây là cách người dùng có thể phân biệt điện thoại của Samsung với các thiết bị của Xiaomi, Huawei và Tecno.

Sau khi chính quyền Mỹ công bố “danh sách đen” bị cấm nhập khẩu công nghệ từ nước này, Google buộc phải ngừng hỗ trợ các thiết bị Huawei trong tương lai. Nhưng lệnh cấm này chỉ áp dụng cho GMS chứ không phải AOSP. Vì vậy, có những ý kiến cho rằng Huawei có thể tự phát triển một hệ điều hành dựa trên AOSP. Thực tế là Huawei đã có sự chuẩn bị từ trước.

HongMeng là hệ điều hành do Huawei phát triển bí mật kể từ năm 2012 và dự kiến sẽ xuất hiện trên các sản phẩm của họ vào nửa cuối năm nay. Đối với thị trường quốc tế, hệ điều hành này sẽ có tên gọi dự kiến là Ark OS. Đây cũng là một hệ điều hành mở như Android và có thể chạy trên nhiều nền tảng khác nhau từ smartphone cho tới laptop.

Hiện chưa có nhiều thông tin cụ thể về HongMeng và cũng không rõ đây có phải một hệ điều hành dựa trên AOSP hay không. Nhưng dù có HongMeng, Huawei vẫn phải tìm câu trả lời cho vấn đề ứng dụng. Những ứng dụng độc quyền của Google đã quá phổ biến và các nhà cung cấp điện thoại Android được yêu cầu phải có giấy phép để cài đặt GMS hợp pháp trên điện thoại của họ. Không có các dịch vụ của Google, Huawei khó có thể thuyết phục khách hàng chọn điện thoại của mình thay cho những sản phẩm đầy đủ tính năng của đối thủ.

Một số chuyên gia chỉ ra rằng trong suốt hơn 10 năm kể từ khi Android chính thức ra mắt, vẫn chưa có một ai có thể tạo ra một hệ điều hành với gói ứng dụng đi kèm có độ phủ sóng như của Google. Những Tizen của Samsung hay Windows Phone của Microsoft đều đã cố gắng thoát khỏi cái bóng của Android, song chúng đều có thị phần quá nhỏ khiến các nhà phát triển ứng dụng không có hứng thú.

11 năm sau khi ra mắt, Android hiện chiếm tới tới 85% thị trường smartphone toàn cầu, 15% còn lại thuộc về iOS của Apple và không còn bất kỳ hệ điều hành nào khác. Trong kịch bản xấu nhất, HongMeng sẽ trở thành cái tên tiếp theo trong danh sách “bại tướng” của Android.

*Chia tay ARM, chip nhớ của Huawei đối mặt nhiều nguy cơ

Ngay cả khi người tiêu dùng không bao giờ nghe nói về ARM, họ vẫn tiếp cận công nghệ của ARM mỗi ngày. Dù có tên và tốc độ xử lý khác nhau, dòng chip Snapdragon đình đám của Qualcomm, Exynos của Samsung và Kirin của Huawei đều có một điểm chung: Thiết kế tập lệnh và kiến trúc lõi từ ARM.

Có thể nói không có Android của Google, Huawei vẫn còn ít nhiều hi vọng với hệ điều hành tự phát triển. Nhưng không có công nghệ của ARM, họ hầu như không thể xoay xở với phần cứng, đặc biệt là bộ vi xử lý (chip nhớ) trên smartphone.

Biểu tượng Huawei tại một cửa hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 20/5/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN

Hồi đầu năm 2019, Huawei khẳng định họ đã có bản quyền vĩnh viễn với kiến trúc ARMv8 đang được sử dụng trên những chip có mặt trong những chiếc smartphone hiện đại nhất. Điều này đồng nghĩa những chip đã ra mắt của Huawei như Kirin 710 và Kirin 980, bên cạnh Kirin 985 đã hoàn tất thiết kế trước khi có lệnh cấm từ Washington đều sẽ an toàn và có thể tiếp tục sản xuất.

Nhưng nếu lệnh cấm được duy trì, các thiết bị cầm tay Huawei sẽ bị “đóng băng” và không theo kịp xu hướng công nghệ mới. Chip Kirin 985 may mắn thoát nạn, nhưng sau đó Huawei sẽ bị “kẹt” tại các thiết kế mới nhất của ARM kể từ ngày 22/5/2019. Để không bị lỗi thời, Huawei cần phải bắt tay vào quá trình thiết kế lõi chip vô cùng tốn kém và mất nhiều thời gian. Nhưng câu hỏi là liệu khách hàng có thể chờ được họ hay không?

Thiệt hại của Huawei cũng sẽ không chỉ gói gọn trong mảng smartphone. Theo giới chuyên gia, bất cứ sản phẩm nào của Huawei sử dụng thiết kế thuộc sở hữu trí tuệ của ARM đều sẽ bị ảnh hưởng, từ những chip trong các thiết bị giám sát cỡ nhỏ đến chip sử dụng trong các trung tâm dữ liệu lớn của các doanh nghiệp.

Một yếu tố vẫn chưa rõ ràng và có thể tạo ra sự khác biệt là xác định chính xác những công nghệ nào của ARM bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm. ARM là một công ty quốc tế, được tập đoàn Softbank của Nhật Bản mua lại hồi năm 2016, nhưng vẫn đặt trụ sở tại Vương quốc Anh. Số phận của chip Huawei phụ thuộc khá lớn vào việc xác định công nghệ nào của ARM có nguồn gốc tại Mỹ, nơi công ty này có 8văn phòng cùng với mối quan hệ hợp tác nghiên cứu lâu dài với Đại học Michigan.

Giới quan sát chỉ ra điều quan trọng cần chú ý là không có gì tại thời điểm này mang tính chắc chắn hoặc vĩnh viễn. Bộ Thương mại Mỹ có thể kéo dài lệnh miễn trừ cho phép các công ty, gồm cả ARM và Google tiếp tục làm ăn với Huawei.

Với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã gợi ý rằng những quan ngại của Washington về Huawei có thể được giải quyết trong khuôn khổ cơ chế của thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, mọi chuyện chưa hẳn đã là kết thúc với tập đoàn này.

Huawei cũng sẽ không “ngồi yên chịu trói”. Vào ngày 29/5, Huawei tuyên bố sẽ kiến nghị lên tòa án Mỹ nhằm bãi bỏ quy định cấm các cơ quan liên bang của nước này mua các sản phẩm của họ. Doanh nghiệp này bày tỏ hy vọng các tòa án Mỹ sẽ coi lệnh cấm là vi hiến và ra phán quyết cấm thực thi.

Hồi tháng Ba vừa qua, Huawei cũng đã có động thái tương tự khi đệ đơn kiện Chính phủ Mỹ lên tòa án liên bang tại Plano, bang Texas. Ngoài ra, Huawei còn cáo buộc Washington "xâm nhập các máy chủ", "đánh cắp nhiều thư điện tử và mã nguồn" của tập đoàn này.

Song các nhà quan sát vẫn cho rằng, kịch bản tốt nhất là Mỹ và Trung Quốc chấm dứt tranh chấp thương mại. Cho đến khi một thỏa thuận được ký kết, “con tàu” Huawei chắc chắn sẽ gặp nhiều trắc trở với một loạt sóng lớn không dễ vượt qua trong một sớm một chiều.

>>> Huawei ký dự thảo thỏa thuận tăng cường hợp tác với Liên minh châu Phi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục