Tuyên Quang nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP

10:44' - 18/04/2022
BNEWS Toàn tỉnh Tuyên Quang có có 128 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng trong đó có 33 sản phẩm 4 sao và 95 sản phẩm 3 sao.

Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững… sau hơn 3 năm, tỉnh Tuyên Quang thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có có 128 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng; trong đó, có 33 sản phẩm 4 sao và 95 sản phẩm 3 sao.

 

Điều đáng chú ý, các sản phẩm OCOP ở Tuyên Quang không chỉ bày bán ở chợ mà đã vào các trung tâm thương mại, siêu thị... nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, đồng thời, từng từng bước chinh phục được người tiêu dùng.

Cửa hàng nông sản xanh Sáng Nhung là một trong những địa điểm bán và giới thiệu các sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Tuyên Quang. Dù mới chỉ đi vào hoạt động được vài tháng trở lại đây nhưng cửa hàng đã kết nối hàng trăm sản phẩm OCOP đều là những sản phẩm đặc sản của các địa phương trong tỉnh.

Ông Nguyễn Ngọc Sáng, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung cho biết, trung bình mỗi ngày cửa hàng bán hàng cho khoảng 500 khách. Các sản phẩm OCOP ngày càng được khách hàng tin dùng và phản hồi rất tích cực vì đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có tem QR để truy xuất nguồn gốc và hạn sử dụng trên bao bì sản phẩm…

Thời gian tới, hợp tác xã sẽ mở thêm các chi nhánh trên địa bàn tỉnh để phục vụ bà con thuận tiện trong việc mua hàng OCOP.

Là một cơ sở sản xuất nấm sạch có tiếng của tỉnh Tuyên Quang, ông Lưu Văn Khuya, Giám đốc Hợp tác xã Nấm sạch Bình Yên, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương chia sẻ: Hợp tác xã được thành lập từ năm 2017, hiện đang có 9 thành viên.

Sau nhiều năm thực hiện trồng nấm theo đúng quy trình kỹ thuật và thực hiện 4 không: “không thuốc bảo vệ thực vật, không thuốc bảo quản, chất kích thích, không dùng nước bẩn”… Đến năm 2020, tham gia Chương trình OCOP sản phẩm nấm sò tươi của hợp tác xã đã được đánh giá, phân hạng 3 sao. Đây là sản phẩm nấm sò tươi đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang được xếp hạng OCOP.

Cũng theo ông Lưu Văn Khuya, từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3 sao, nấm sò của hợp tác xã được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn nên việc tiêu thụ thuận lợi hơn rất nhiều. Hiện, ngoài tiêu thụ trong tỉnh, sản phẩm nấm sò tươi còn được người dân ở các tỉnh Thái Nguyên, Hà Nội, Phú Thọ... đặt mua. Đây là cơ sở, động lực rất lớn để hợp tác xã tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu…

Ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang cho biết, Tuyên Quang là vùng đất có nhiều sản phẩm đặc sản, tiêu biểu gắn với văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Hiện nay, sản phẩm OCOP đã dần trở thành thói quen tiêu dùng hằng ngày của nhiều người dân.

Đặc biệt, những sản phẩm OCOP nổi bật của tỉnh Tuyên Quang như cam sành Hàm Yên, chè Shan Tuyết, chè Khau Mút, mật ong Hương Rừng … được người tiêu dùng rất ưa chuộng đã mang lại lợi ích cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng và từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm nông nghiệp xứ Tuyên.

Theo ông Lộc Kim Liễn, thời gian tới Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành trong tỉnh Tuyên Quang để phát triển thêm các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Đồng thời, thực hiện chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh đi vào các kênh phân phối như siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, hỗ trợ các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang thương mại điện tử đặc biệt là các trang mạng xã hội như zalo, facebook.

Cùng với đó, Sở sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động hội chợ OCOP trên địa bàn tỉnh để thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đưa các sản phẩm OCOP đến trưng bày, triển lãm tại hội chợ để tuyên truyền cho nhân dân trong tỉnh cũng như cả nước thấy được chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang.

Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện lồng ghép nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án, cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa, phát triển nông nghiệp… để hỗ trợ chủ thể tham gia Chương trình OCOP đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm…; đề xuất chính sách hỗ trợ để thực hiện Chương trình OCOP.

Đặc biệt, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ xây dựng, cấp chứng nhận an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ bao bì, nhãn mác; hỗ trợ xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh sản phẩm hàng hóa trên địa bàn nhằm phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có trên 230 sản phẩm OCOP; 138/138 xã, phường, thị trấn có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đạt hạng 3 sao trở lên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục