UBS: Cắt giảm công suất dư thừa sẽ tác động tới việc làm và tiêu dùng ở Trung Quốc

17:00' - 14/06/2016
BNEWS UBS ước tính việc cắt giảm công suất dư thừa sẽ khiến thị trường lao động của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mất đi khoảng 3-3,5 triệu việc làm.
UBS cảnh báo về việc cắt giảm công suất dư thừa của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Mới đây, ngân hàng UBS vừa công bố báo cáo có tiêu đề “Những tác động về kinh tế và tài chính của kế hoạch cắt giảm năng suất dư thừa”, qua đó cảnh báo việc hạn chế nguồn cung trong một số lĩnh vực tại Trung Quốc sẽ dẫn đến hậu quả mất việc làm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức tiêu dùng, tăng trưởng và khiến nợ tăng cao.

Tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, các lĩnh vực đang hoạt động thừa công suất chủ yếu là sản xuất sắt thép, xi măng, nhôm, khai thác than đá và đóng tàu.

Hạn chế sản xuất dư thừa được Chính phủ Trung Quốc nhắc đến như một ưu tiên hàng đầu trong cuộc hội thảo về kinh tế được tổ chức hồi cuối năm 2015.

Bắc Kinh cũng coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của họ với tham vọng cắt giảm 10% công suất trong ngành thép và than đá (tương đương khoảng 150 triệu tấn thép và 500 triệu tấn than đá) trong vòng một vài năm tới.

Nước này cũng trích ra một khoản tiền để hỗ trợ cho những công nhân bị mất việc làm vì cắt giảm biên chế.

Báo cáo của UBS ước tính việc cắt giảm 10% công suất của sáu ngành công nghiệp đang sản xuất dư thừa sẽ khiến thị trường lao động của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mất đi khoảng 3-3,5 triệu việc làm, tăng trưởng tiêu dùng giảm khoảng 0,2 điểm phần trăm và tăng trưởng kinh tế mất đi 0,5 điểm phần trăm.

Cũng theo báo cáo này, những tác động đối với tăng trưởng và việc làm mặc dù có thể kiểm soát được song sẽ tập trung tại một số tỉnh như Hà Bắc, Nội Mông, Giang Tô, Thiểm Tây và Sơn Tây. Đây sẽ là một rủi ro lớn đối với nền kinh tế địa phương và do đó rất cần hỗ trợ từ phía chính phủ.

Tỉnh Sơn Tây ở phía Bắc Trung Quốc, hiện cung cấp 25% sản lượng than đá cho quốc gia này, đang lên kế hoạch cắt giảm 100 triệu tấn than đá và “đóng băng” một vài kế hoạch khai thác mới cho đến năm 2020.

Trong khi đó, tại tỉnh láng giềng Hà Bắc, nơi sản xuất 23% sản lượng thép của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng dự định cắt giảm hàng triệu tấn thép đến năm 2020.

Mặc dù vậy, những con số trên chỉ là ước tính. Tác động thật sự của kế hoạch cắt giảm công suất dư thừa sẽ phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm của Bắc Kinh cũng như các chính quyền địa phương và những hình thức hỗ trợ tài chính đối với các thành phần bị ảnh hưởng.

Công suất dư thừa là thuật ngữ chỉ việc khả năng sản xuất của doanh nghiệp đối với một mặt hàng vượt quá nhu cầu về mặt hàng đó trên thị trường tiêu thụ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục