Ukraine tiếp tục hợp tác với Nga về xuất khẩu khí đốt như thế nào?

06:30' - 20/05/2022
BNEWS Đường ống dẫn khí đốt mang nguồn năng lượng này từ Nga đến châu Âu thông qua Ukraine tiếp tục mang lại lợi ích cho Ukraine, bất chấp cuộc xung đột của nước này với Nga.

Báo Le Figaro mới đây có bài viết "Ukraine hợp tác với Nga để xuất khẩu khí đốt như thế nào?". Theo bài viết, đường ống dẫn khí đốt mang nguồn năng lượng này đến châu Âu thông qua Ukraine tiếp tục mang lại lợi ích cho nước này, bất chấp cuộc xung đột với Nga.

Xung đột Nga-Ukraine đã mang đến một lời nhắc nhở rằng châu Âu dễ bị tổn thương như thế nào. Tuy nhiên, cuộc xung đột này cũng nêu bật lên cách thức mà Nga và Ukraine vẫn buộc phải hợp tác ở mức tối thiểu do vị trí địa lý của mạng lưới phân phối năng lượng.
Thông báo của GTSOU (nhà điều hành hệ thống truyền dẫn khí đốt), đơn vị quản lý các đường ống dẫn khí đốt của Ukraine, về việc ngừng vận chuyển sản phẩm qua một trong những điểm nhập cảnh chính ở phía Đông nước này đã khiến châu Âu bất ngờ, khiến giá khí đốt một lần nữa tăng nhanh.
"Chúng tôi phải đưa ra quyết định này do trường hợp bất khả kháng. Chúng tôi đã phát hiện ra những trường hợp chiếm đoạt khí đốt bất hợp pháp đang diễn ra trên đường ống ở khu vực Luhansk. Tuy nhiên, chúng tôi không thể tiếp cận khu vực này và cũng không có khả năng khắc phục hậu quả, dẫn đến buộc phải tạm dừng việc vận chuyển khí đốt", Giám đốc GTSOU Sergiy Makogon cho biết.
"Tôi muốn nhấn mạnh một thực tế là không phải phía Ukraine quyết định gián đoạn nguồn cung khí đốt. Trách nhiệm ở đây thuộc về tập đoàn Gazprom và Nga, bởi họ đang duy trì lực lượng kiểm soát vùng lãnh thổ liên quan.
Những lực lượng này đã can thiệp vào một số trạm nén khí cực kỳ quan trọng trên lãnh thổ Ukraine, gây nguy cơ vận hành quá cảnh. Nếu không thể kiểm soát các trạm hoặc hệ thống tin học, chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm đối với những đường ống trên lãnh thổ này", Yuyri Vitrenko, Giám đốc công ty khí đốt quốc gia Ukraine Naftogaz, khẳng định.
Điểm trung chuyển Sokhranivka, nơi vận hành khí đốt bị đình chỉ, xử lý tới 32 triệu mét khối mỗi ngày, tức khoảng 1/3 lượng khí đốt từ Nga quá cảnh qua Ukraine đến châu Âu và 3% tổng lượng khí đốt tiêu thụ của Liên minh châu Âu (EU). Ukraine đã cố gắng bù đắp sự thiếu hụt này bằng cách tăng lượng khí đốt của Nga qua Sudzha, một đoạn đường ống khác trên lãnh thổ.
Sự điều chỉnh này cho thấy tính linh hoạt của mạng lưới năng lượng tại Ukraine. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy sự phức tạp và "kỳ lạ" của hệ thống khi vẫn có thể tiếp tục vận chuyển một phần lớn khí đốt sang EU, khách hàng lớn nhất của Nga, ngay trong thời gian bất ổn địa chính trị.
Và bất chấp những lời kêu gọi trừng phạt, châu Âu đang tiếp tục phải trả các khoản tiền đáng kể hàng ngày cho Nga, trong khi Ukraine vẫn có thể bỏ túi hàng triệu USD kiếm được từ phí vận chuyển khí đốt quá cảnh. "Từ đầu năm đến nay, Nga đã thu được 40 tỷ USD từ khí đốt, dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ EU. Điều này đã gián tiếp tài trợ cho chiến dịch quân sự của Nga", ông Makogon cho biết.
Khối lượng khí đốt được vận chuyển qua lãnh thổ của Ukraine tiếp tục mang lại nguồn lợi cho nước này và giúp Ukraine có sự miễn trừ nhất định trước cuộc xung đột với Nga. Giám đốc Sergiy Makogon giải thích: "Mạng lưới khí đốt của chúng tôi vừa phục vụ thị trường nội địa và vừa phục vụ thị trường quốc tế… Đối với chúng tôi, đây giống như một sự đảm bảo để mạng lưới duy trì hoạt động và có thể tiếp tục phân phối khí đốt cho người dân".
Tuy nhiên, sự cố ngừng hoạt động gần đây cho thấy hệ thống này có thể đang đạt đến giới hạn. Chỉ hai tuần sau khi Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria, hậu quả từ việc ngừng cung cấp một phần khí đốt từ Ukraine có thể làm ảnh hưởng đến thị trường và khiến giá năng lượng vốn đã cao thậm chí còn tăng cao hơn nữa.
EU đang cố gắng giảm tiêu thụ khí đốt của Nga và dự định chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc vào năm 2027, nhưng khối này cũng buộc phải thừa nhận rằng sẽ là một viễn cảnh vô cùng khó khăn nều không có nguồn năng lượng này.
"Châu Âu lẽ ra đã có thể phản ứng mạnh mẽ hơn và sớm hơn. Nhưng điều ngược lại đã xảy ra. EU luôn e ngại về việc tỏ ra quá cứng rắn với Gazprom, bởi vì họ hiểu rằng họ đang ở trong tình thế phụ thuộc vào Nga. Đây hoàn toàn là ‘cơn nghiện’ mà chính họ tạo ra", Giám đốc Makogon nhận xét.
Thực ra, không phải chỉ EU mà chính Ukraine cũng đang rơi vào hoàn cảnh tự mâu thuẫn. Nước này muốn có tiền nhưng đồng thời cũng muốn EU ban hành lệnh cấm vận đối với tất cả các nguồn năng lượng từ Nga, điều mà đến nay chưa nước nào làm được.
"Lệnh cấm vận sẽ làm giảm nguồn thu của Nga, buộc nước này chấm dứt các chiến dịch quân sự. Đó sẽ là một bước đi đau đớn về mặt kinh tế, nhưng dù sao thì châu Âu cũng nên làm điều đó ngay lập tức. Và cụ thể là bắt đầu bằng cách đóng hệ thống (Nord Stream 1)", Giám đốc Makogon bày tỏ quan điểm.
Được khánh thành vào năm 2012, đường ống dẫn khí đốt này chạy dọc theo đáy biển Baltic, đi qua lãnh thổ của Ba Lan và Ukraine, cho phép Nga cung cấp khí đốt đến châu Âu mà không cần phải trả phí vận chuyển cho Ukraine. Vì thế, tuy là nước đặc biệt phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga, nhưng Đức chỉ bị ảnh hưởng nhẹ bởi các đợt cắt giảm mới nhất, bởi hầu hết khí đốt đến nước này được vận chuyển bằng Nord Stream 1.
Giám đốc GTSOU cho rằng những gì đang diễn ra đã giúp các nước châu Âu hiểu rõ hơn về chính sách của Nga: "Người Nga từ lâu đã khéo léo sử dụng vũ khí năng lượng cho các mục đích chiến lược".
Theo ông, một trong những phương pháp của Nga là thay đổi giá khí đốt theo từng khách hàng và giảm giá đáng kể cho những nước thân thiện. Ví dụ, Moldova trả cho khí đốt của Nga cao gấp ba lần so với Hungary, trong khi mức giá mà Serbia phải trả thấp hơn đáng kể so với mức giá áp dụng cho Bulgaria./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục