Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông sản chất lượng

13:50' - 19/09/2020
BNEWS Ngoài khôi phục, nhân rộng trồng các loại nông sản đặc trưng, một số đơn vị, cá nhân tại Hải Phòng còn ứng dụng công nghệ, thay đổi quy mô để trồng các loại nông sản mới với năng suất cao, đầu ra tốt.

*Khôi phục, nhân rộng nông sản thế mạnh

Làng Đồng Dụ, Xã Đặng Cương, huyện An Dương từng là vùng trồng cam tiến vua. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa và sự chuyển đổi  loại cây trồng từ lúa sang cây hoa cảnh đem lại giá trị kinh tế cao như trồng hải đường, đào nên giống cam tiến Vua đã gần như bị xóa sổ. Hiện cả xã chỉ còn 1 cây tại gia đình ông Nguyễn Sinh Súy.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đặng Cương Trương Văn Thiết cho biết, xã đã phối hợp với các đơn vị, sở ngành liên quan lấy mẫu gen giống cam này để bảo tồn, đồng thời tiến hành cấy ghép để nhân giống cây. Nếu việc bảo tồn hiệu quả, việc nhân rộng giống cam này sẽ được triển khai tại nhà ông Nguyễn Sinh Súy, sau đó nhân rộng ra các hộ khác tại địa phương.

Ông Trương Văn Thiết cho biết, việc trồng các loại cây đặc trưng, đặc sản đem lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với trồng cây đại trà. Từ những năm 2000, xã Đặng Cương đã chuyển từ trồng lúa đơn thuần sang trồng cây hoa cảnh. Những hộ có kinh nghiệm, triển khai bài bản thu nhập lên tới cả tỷ đồng mỗi năm. Xã Đặng Cương đang nỗ lực để phát triển giống cam quý này để vừa mang lại thu nhập cao hơn cho người trồng, đồng thời xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng cho địa phương.

Trong xu thế phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, không chỉ xã Đặng Cương mà nhiều địa phương tại Hải Phòng đã chuyển đổi sang trồng các loại nông sản phù hợp với thổ nhưỡng, tiêu biểu như vải thiều Bát Trang cùi dày, hạt nhỏ, vị ngọt đượm được sánh ngang với vải thiều Thanh Hà (Hải Dương); táo Bàng La trồng trên diện tích ruộng sản xuất muối trước đây nên vị ngọt đậm, vỏ giòn.

Trong 3 năm trở lại đây, táo Bàng La đã thống lĩnh thị trường Hải Phòng, với mức giá trung bình từ 35.000 - 50.000 đồng tùy thời điểm và năng suất cây trồng. 

*Thay đổi quy mô, xu hướng sản xuất

Sau 3 năm đi vào hoạt động, Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương, nằm trên địa bàn xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy góp phần cơ bản thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ, manh mún, giá trị thấp sang sản xuất quy mô lớn, giá trị gia tăng cao tại huyện này và một số vùng lân cận.

Chị Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương cho biết, năm 2015, việc cấy mạ khay mới chỉ thí điểm với 5 sào do người dân không đón nhận phương thức canh tác mới. Để thuyết phục, chị Hà đưa máy móc vào sản xuất nhưng không tính chi phí. Sau khi nhận thấy lợi ích của việc cấy mạ khay, nhiều người dân thay đổi thói quen canh tác cũ để đón nhận cái mới.

Đến nay, Hợp tác xã này cung cấp mạ khay phục vụ cấy máy cho khoảng 700 ha trên địa bàn huyện Kiến Thụy và các tỉnh lân cận. Việc đưa mạ khay, máy cấy vào sản xuất đã góp phần làm giảm đáng kể chi phí trong việc sản xuất lúa, hạn chế tình trạng bỏ ruộng do thiếu lao động. Phương thức sản xuất gieo mạ khay, cấy bằng máy còn giảm chi phí từ 30 - 40%, tăng năng suất từ 10 -12% so với sản xuất đại trà.

Cùng với đó, Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương đã thuê ruộng bỏ hoang của bà con nhân dân để thử nghiệm trồng lúa kết hợp nuôi cá tại xã Hữu Bằng, xã Ngũ Phúc huyện Kiến Thụy. Hiệu quả sản xuất 70 triệu/ha/năm gấp 3-5 lần so với trồng lúa. Đến nay, diện tích tích tụ được 26 ha.

Hợp tác xã còn kết hợp với các chủ đầm rươi tại các xã Ngũ Phúc, Kiến Quốc tổ chức sản xuất một số giống lúa có chất lượng cao như Tím Thảo dược, Tiến Vua, Nếp Vàng theo hướng hữu cơ, xây dựng thương hiệu "Gạo ruộng rươi" và các sản phẩm chế biến từ gạo ruộng rươi. Hiện nay sản phẩm "Gạo ruộng rươi" đã có mặt tại hơn 20 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cũng sản xuất theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, từ năm 2017, anh Nguyễn Sĩ Hưng, thôn 5 xã Kiến Quốc, Kiến Thụy lại đầu tư hệ thống nhà kính chống bão để trồng một số loại cây như dưa vân lưới, dưa lê siêu ngọt Đài Loan, dưa chuột bao tử Israel. Đây là những cây trồng sinh trưởng tốt, phát triển thuận lợi, cho năng suất, chất lượng vượt trội so với mô hình truyền thống.

Hiện nay giá dưa bán ra thị trường đối với dưa vân lưới là từ 52.000-55.000k/1kg; dưa lê 35.000k/1kg; dưa chuột 22.000k/1kg. Trung bình có từ 8-10 người làm việc cùng anh Hưng với thu nhập đạt 100 triệu đồng đến 130 triệu đồng/người/năm. Có 15 công ty trong và ngoài thành phố, thu mua sản phẩm của gia đình.

Những mô hình sản xuất trên nằm trong xu hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, an toàn đang triển khai tại nhiều địa phương có thế mạnh của Hải Phòng.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng cho biết, thành phố có khoảng 12 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 489,65 ha, vốn đầu tư 3.124 tỷ đồng và một số doanh nghiệp đang khảo sát, xin chủ trương đầu tư với diện tích dự kiến là 2.472 ha, vốn đầu tư khoảng 9.614 tỷ đồng. Có 15 ha lúa hữu cơ được chứng nhận thực phẩm hữu cơ, trên 100 ha sản phẩm trồng trọt đạt tiêu chuẩn VietGAP, trên 70 sản phẩm có nguồn gốc, 71 sản phẩm chủ lực.

Để tiếp tục phát triển nông sản đặc trưng, có giá trị gia tăng cao, quy mô lớn, những người trực tiếp sản xuất đều cho rằng, thành phố cần có cơ chế cụ thể hỗ trợ việc dồn điền đổi thửa. Hiện nay, tại các đơn vị sản xuất nhỏ lẻ, giám đốc hợp tác xã đứng lên thuê lại ruộng đất của bà con nông dân theo hình thức tự phát, tự nguyện. Cần có sự linh hoạt trong hỗ trợ cho thuê đất bãi bồi ven sông vì thời hạn thuê loại đất này chỉ trong 5 năm, người dân không yên tâm đầu tư.

Việc giới thiệu sản phẩm ở các siêu thị lớn, chuỗi siêu thị vẫn gặp nhiều khó khăn do các hợp tác xã chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đơn vị thu mua yêu cầu, nhất là sự ổn định nguồn cung./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục