Ứng dụng công nghệ địa chất, giảm thiểu rủi ro thiên tai

12:07' - 15/11/2024
BNEWS Nhóm nghiên cứu Khoa địa kỹ thuật, Trường Đại học Mỏ - Địa chất nghiên cứu thành công phần mềm Kanako -1D cho phép mô phỏng dòng lũ bùn đá theo một hướng, từ hạ lưu đến thượng lưu của mô hình sông.
Điều tra, khảo sát Địa chất công trình trong xây dựng và bảo vệ môi trường là một trong những nội dung được các đại biểu đề cập tại Hội thảo “Địa chất công trình Địa chất công trình - địa kỹ thuật và Kỹ thuật trắc địa- Bản đồ hệ thống thông tin địa lý” trong khuôn khổ Hội nghị toàn quốc “Khoa học trái đất và tài nguyên với phát triển bền vững” do Trường Đại học Mỏ - Địa chất tổ chức vào chiều 14/11, tại Hà Nội.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Phóng, Trưởng Tiểu ban Địa chất công trình - địa kỹ thuật, thực tế cho thấy, công tác điều tra, khảo sát địa chất công trình ngày càng được coi trọng trong xây dựng, cấp thoát nước và bảo vệ môi trường. Nhiệm vụ của địa chất công trình không chỉ là nghiên cứu, đánh giá các điều kiện địa chất công trình, môi trường địa chất trước và trong khi xây dựng mà còn dự báo những biến đổi về điều kiện địa chất công trình trong quá trình khai thác và sử dụng công trình, đặc biệt là những tai biến địa chất (sụt, lún, sạt trượt đất đá, động đất,...); đề ra các giải pháp khắc phục các điều kiện địa chất công trình bất lợi.Đưa ra một ví dụ cụ thể trong điều tra, khảo sát địa chất công trình khi đánh giá nghiên cứu lũ bùn đá tại Trà Leng, tỉnh Quảng Nam bằng phần mềm Kanoko ID, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Châu Lân, Phó trưởng Bộ môn địa kỹ thuật, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết, Trà Leng là xã phía Bắc, cách trung tâm hành chính huyện Nam Trà My 32 km, có diện tích tự nhiên lớn nhất huyện với 11.653 ha đất, 649 hộ với gần 3.000 nhân khẩu; chủ yếu là đồng bào các dân tộc: Cà Dong, Xê Đăng, Mơ Nông. Năm 2020, lũ bùn đá tại Trà Leng đã chôn vùi hàng chục ngôi nhà và 30 người chết và mất tích. Nhóm nghiên cứu Khoa địa kỹ thuật, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã nghiên cứu thành công phần mềm Kanako -1D cho phép mô phỏng dòng lũ bùn đá theo một hướng, từ hạ lưu đến thượng lưu của mô hình sông. Những kết quả hiện trường và phân tích bằng phần mềm Kanoko ID cho thấy, lũ bùn đá tại Trà Leng có tính chất phức tạp, khó dự đoán phạm vi ảnh hưởng. Kích thước đá có đường kính từ 2-3m, cá biệt có vị trí kích thước đường kính đá lên tới 10m. Từ nghiên cứu này, các nhà khoa học có thể tính toán giải pháp công trình giảm thiểu rủi ro gây ra bởi sạt lở, lũ quét hiệu quả tại vùng thượng lưu những con sông có độ dốc lớn, tốc độ dòng chảy cao.

 
Chia sẻ ứng dụng công nghệ viễn thám (GIS) trong giám sát hoạt động khai thác khoáng sản tại các tỉnh phía Bắc, Tiến sỹ Đỗ Thị Phương Thảo, Trưởng bộ môn Bản đồ, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết, Việt Nam có trên 5.000 mỏ và điểm khoáng sản của hơn 60 loại khoáng sản khác nhau từ năng lượng, kim loại đến khoáng chất công nghiệp và vật liệu xây dựng. Đây là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, phải được điều tra, đánh giá đúng trữ lượng để có chiến lược quy hoạch, kế hoạch sử dụng hiệu quả. Do vậy, nghiên cứu xây dựng công cụ hỗ trợ cho việc theo dõi hoạt động khai thác khoáng sản bằng công nghệ viễn thám (GIS) là cần thiết trong điều kiện của Việt Nam hiện nay.

Theo Tiến sỹ Đỗ Thị Phương Thảo, công nghệ sử dụng ảnh vệ tinh giúp xác định vùng khai thác khoáng sản nhanh chóng, kết hợp với các tài liệu cấp phép, công nghệ sẽ dễ dàng khoanh vùng khai thác mới xuất hiện, có khả năng giám sát biến động khai thác khoáng sản. Cơ sở dữ liệu khai thác khoáng sản có thể tích hợp với các dự án, chương trình quản lý của các nhà đầu tư, các nhà quản lý và có tính ứng dụng thực tế cao.

Ngoài ra, theo dõi, kiểm soát khai thác khoáng sản bằng công nghệ viễn thám là kênh thông tin nhanh chóng, khách quan, chính xác nhằm đưa ra các biện pháp giảm thiểu tối đa hậu quả của việc khai thác khoáng sản bừa bãi, đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ môi trường thiên nhiên và môi trường sống.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận một số nội dung về xây dựng bản đồ suy thoái độ phủ thực vật tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng làm cơ sở dữ liệu đánh giá nguy cơ trượt lở đất; ứng dụng của thí nghiệm xuyên động trong địa kỹ thuật và một số kết quả áp dụng thực tế; thí nghiệm cắt khối lớn cho bài toán ổn định mái dốc tự nhiên; tác động của chính quyền đô thị điện tử đến hoạt động quản lý bất động sản đô thị trong bối cảnh chuyển đổi số…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục