Ứng dụng mô hình hải dương học, dự báo sóng và dòng chảy

21:35' - 21/03/2018
BNEWS Cho đến nay, dữ liệu về một số trận bão lớn đã xảy ra trong năm 2017 vừa qua hoàn toàn trùng khớp với dữ liệu từ máy quét của các radar.

Ngày 21/3, tại Hà Nội, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Điều tra, nghiên cứu ứng dụng các mô hình hải dương học để hiệu chỉnh số liệu radar biển, dự báo sóng, dòng chảy ở Biển Đông và vùng biển phía Tây Vịnh Bắc Bộ”.

Theo ông Vũ Trường Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, đây là dự án được Văn phòng Nghiên cứu Hải dương học toàn cầu của Viện Nghiên cứu Hải quân Hoa Kỳ- Chương trình Bắc Cực và Dự báo toàn cầu tài trợ với tổng vốn 300.000 USD, thời gian thực hiện từ năm 2015-2018.

Theo đó, dự án tập trung thực hiện 3 nội dung chính: Điều tra, quan trắc một số yếu tố khí tượng, hải văn làm số liệu dầu vào cho các mô hình dự báo hải dương để hiệu chỉnh các thông số kỹ thuật của hệ thống radar biển; nghiên cứu ứng dụng mô hình dự báo sóng và dòng chảy vùng Biển Đông và phía Tây Vịnh Bắc bộ có sử dụng số liệu của 3 trạm radar biển nêu trên; đào tạo, huấn luyện…

Tiến sỹ Trần Hồng Lam, Trung tâm Hải văn cho biết: Trong giai đoạn 1, dự án đã đầu tư 3 trạm quan trắc radar HF ở Vịnh Bắc bộ, bao gồm: Trạm Hòn Dấu (Hải Phòng), trạm Nghi Xuân (Hà Tĩnh); Trạm Đồng Hới (Quảng Bình) và 1 trạm thu số liệu tại Hà Nội.

Hiện nay, 3 trạm radar biển đang hoạt động với số liệu quan trắc dòng chảy bề mặt thu được trong tâm quan trắc khoảng 300km, sóng biển quan trắc được trong khoảng 30km, với tần suất phát báo về Trung tâm thu tại Hà Nội 24/24 giờ hàng ngày. Đồng thời, triển khai thả thiết bị đô biển tự hành (Sea Ghider) tại vùng biển Quảng Ngãi với độ sâu 1000 m2; thả 7 phao trôi tại vùng biển Nghi Xuân (Hà Tĩnh)…

Cho đến nay, dữ liệu về một số trận bão lớn đã xảy ra trong năm 2017 vừa qua hoàn toàn trùng khớp với dữ liệu từ máy quét của các radar... Đây cũng là nguồn số liệu rất quý làm đầu vào cho các mô hình dự báo hải dương học, góp phần phục vụ tốt cho công tác quản lý tổng hợp biển và hải đảo ở nước ta trong thời gian tới.

Từ nay đến cuối năm 2018, dự án sẽ tiếp tục lên kế hoạch thả lần 2 thiết bị Sea Ghider tại vùng biển Quảng Ngãi; tiếp tục nghiên cứu ứng dụng các mô hình hải dương học trong việc dự báo sóng và dòng chảy tại vùng Biển Đông và phía Tây Vịnh Bắc Bộ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục