Vai trò của Nga trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Phần 1)

06:30' - 25/12/2018
BNEWS Năm 2018 mang đến xung lực mới trong quan hệ giữa Nga và châu Á-Thái Bình Dương. Sự kiện nổi bật là Tổng thống Nga Putin lần đầu tham dự Hội nghị Cấp cao Nga-ASEAN và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS).
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP/TTXVN 

Đồng thời, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Papua New Guinea.  

Liên quan đến vấn đề này, báo Độc lập (Nga) số ra mới đây đã đăng bài viết của nhà nghiên cứu Georgi Toloraia, Giám đốc Trung tâm chiến lược Nga (thuộc Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga), nội dung như sau:

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang diễn ra sự thay đổi mô hình chính trị. Vào những năm 1990, sau Chiến tranh Lạnh, tưởng như châu Á có thể đi theo con đường đồng thuận trong giải quyết các vấn đề, chấm dứt xung đột, và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bắt đầu nhắm đến vai trò trung tâm trong duy trì nền an ninh châu lục. 

Nước Nga lúc đó cũng đặt hy vọng vào việc tham gia các cơ cấu quốc tế: năm 1996, Nga tham gia ASEAN với tư cách là đối tác đối thoại. Năm 2010, Nga được mời tham dự EAS. Tuy nhiên, sự hiện diện của Nga tại các cơ cấu này phần nhiều vẫn chỉ mang tính hình thức.

Tình hình thay đổi sau năm 2014 với chính sách xoay trục sang phía Đông của Nga, khi nhiệm vụ đặt ra cho Moskva không chỉ là phát triển quan hệ song phương (trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy) mà còn phát triển quan hệ với các tổ chức hợp tác đa phương.

Tưởng như triển vọng nhất, hữu ích nhất đối với Nga là định dạng APEC - thực tế là dự án của Mỹ, bao gồm nhiều nước và nền kinh tế khác nhau - từ Đông Á, Nam Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và thậm chí cả vùng bờ biển Thái Bình Dương của Mỹ Latinh. Nỗ lực xây dựng nên những quy tắc thống nhất trong quan hệ kinh tế ở đây có lẽ mang ý nghĩa quan trọng. 

Tuy nhiên, việc Hội nghị Cấp cao APEC diễn ra ở Papua New Guinea mới đây không ra được tuyên bố chung do mâu thuẫn Mỹ-Trung đã đặt dấu chấm hết cho câu hỏi liệu APEC có thể trở thành diễn đàn đối thoại chính trị trung tâm được hay không, hay chỉ còn là một kênh thảo luận những vấn đề thuần túy kinh tế và thương mại.

Vấn đề ở đây là nước Nga có gì để đưa ra với các nước Đông Nam Á? Cho đến nay, có sáng kiến từ phía Nga về ký thỏa thuận quan hệ đối tác toàn diện, bao hàm và không chia tách trong lĩnh vực an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương. 

Nga muốn chính thức hóa quan hệ trong khuôn khổ "Đối tác lớn Á-Âu" giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và ASEAN. Tuy nhiên, cả hai sáng kiến đều không nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các đối tác châu Á. Sáng kiến về an ninh tập thể được coi là trừu tượng trong bối cảnh quan hệ đối đầu Mỹ-Trung, còn cơ hội ký thỏa thuận về thương mại tự do thì không được giới chuyên gia đánh giá cao.

Thế nhưng, đó không phải là điều khiến châu Á lo ngại. Châu Á lo ngại về cuộc đụng độ giữa hai trung tâm sức mạnh theo hai quan niệm đối đầu: phía Trung Quốc là “Vành đai và Con đường”, phía Mỹ là “Đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. 

Bản thân thuật ngữ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” đã xuất hiện trong đề nghị của New Delhi và Tokyo khoảng 10 năm trước, và bây giờ mới được Washington sử dụng nhiều để mong muốn thành lập một kiểu liên minh của các nền dân chủ gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và đặc biệt là Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Trong khi đó, Nga hiện có nguy cơ bị cô lập vì ngay cả Trung Quốc cũng muốn tìm mảnh đất cho riêng mình để hội nhập vào quan điểm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” và tránh cuộc xung đột giữa các cường quốc lục địa và cường quốc biển nảy sinh từ sự đụng độ giữa “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” và “Vành đai và Con đường”./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục