Vai trò của quá trình tái cơ cấu nợ tại Argentina

06:00' - 20/05/2020
BNEWS Việc Chính phủ Argentina có thể tìm ra một giải pháp bền vững cho cuộc khủng hoảng nợ hiện nay hay không mang một ý nghĩa quan trọng đối với các quốc gia đang phải đối mặt với áp lực nợ công.
Các cửa hàng đóng cửa do dịch COVID-19 tại Buenos Aires, Argentina. Ảnh: AFP/TTXVN

Argentina hiện đang trong quá trình tái cơ cấu nợ công với sự hỗ trợ của tất cả các thành phần chính trị trong nước. Vào tháng 2/2020, trước khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trở thành khủng hoảng toàn cầu, Quỹ Tiền tệ Quốc Tế (IMF) đã kết luận rằng nợ công của Argentina là “không bền vững”.

Các chuyên gia cảnh báo Argentina khó có thể thanh toán được các khoản nợ công lên tới 311 tỷ USD - tương đương hơn 90% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước do các khoản lãi đã tăng gấp đôi, cùng với đó, chi phí tái cấp vốn cũng ở mức quá cao.

Trong bối cảnh phải đối mặt với nhu cầu chi ngân sách ngày càng gia tăng để đối phó với dịch COVID-19, vào tháng 4/2020, Chính phủ Argentina đã cố gắng cung cấp cho các chủ nợ tư nhân một đề nghị có trách nhiệm, phản ánh trung thực khả năng thanh toán nợ của quốc gia này.

Đó là thời gian ân hạn nợ 3 năm với việc khấu hao vốn không đáng kể. Đề xuất trên phù hợp với phân tích kỹ thuật của IMF, trong đó định chế tài chính này nêu rõ việc đồng ý cắt giảm lãi suất từ phía các chủ nợ tư nhân sẽ là cần thiết để khôi phục tính bền vững của việc chi trả các khoản nợ.

Các chủ nợ được đề nghị cắt giảm doanh thu nhưng vẫn sẽ nhận được lãi suất hợp lý trong tương lai. Lãi suất coupon (phần lãi nhận được khi đầu tư vào chứng khoán hoặc trái phiếu) của các chủ nợ sẽ giảm xuống mức trung bình 2,3% so với mức hiện tại 7% là hợp lý, nếu xét trong môi trường lãi suất toàn cầu ở thời điểm hiện tại.

Đại dịch COVID-19 đã khiến các nước đang phát triển phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng trong lĩnh vực tài chính công.

Ngân hàng Thế giới (WB), IMF và Liên hợp quốc đã đưa ra nhiều sáng kiến khác nhau nhằm giảm gánh nặng nợ công trong tình huống khó khăn do dịch COVID-19 gây ra. Bước đầu tiên, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí giãn nợ một phần cho 76 quốc gia nghèo nhất thế giới.

Tại thời điểm hiện nay, nếu thành công, đề xuất của Argentina sẽ cho thấy nước này có thể giải quyết cuộc khủng hoảng nợ một cách có trật tự, hiệu quả và bền vững. Việc thiếu vắng khung pháp lý quốc tế giúp tái cơ cấu nợ quốc gia sẽ không làm mất đi khả năng bảo vệ người dân của chính phủ cũng như khả năng phục hồi kinh tế trong tình hình khủng hoảng toàn cầu.

Theo giới phân tích, một thỏa thuận bền vững sẽ có lợi cho cả hai bên: Một bên là nền kinh tế 45 triệu người đang gặp khó khăn và bên kia là các chủ nợ. Một quyết định có trách nhiệm sẽ tạo tiền lệ tích cực, không chỉ cho Argentina, mà cho toàn bộ hệ thống tài chính quốc tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục