Vai trò của Trung Quốc đối với kinh tế toàn cầu

06:30' - 10/12/2021
BNEWS Chiều hướng tăng trưởng chậm lại một cách đáng kinh ngạc của kinh tế Trung Quốc đang mang đến những cảnh báo quen thuộc rằng khi Trung Quốc "hắt hơi" thì kinh tế toàn cầu cũng sẽ "sổ mũi".

Tuy nhiên, theo tờ Financial Times của Anh, dường như vai trò của kinh tế Trung Quốc có thể không còn quan trọng như trước đây.

Theo tờ báo này, cách đây không lâu, hầu hết các nền kinh tế đều tăng trưởng trong mối quan hệ mật thiết với Trung Quốc. Dù vậy trong những năm gần đây, mối gắn kết đó đã suy yếu và sụp đổ trong đại dịch COVID-19

Đáng chú ý nhất, mối tương quan giữa tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác đã giảm đáng kể từ năm 2015. Trong quý II/2021, lần đầu tiên sau ba thập kỷ, Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn đáng kể so với các thị trường mới nổi khác. Đây có thể là một dấu hiệu cho những điều sắp xảy ra.

Trung Quốc đang đóng cửa để ngăn chặn đại dịch và trấn áp các lĩnh vực kinh tế quan trọng. Điều này giúp giải thích lý do tại sao Trung Quốc tăng trưởng chậm lại một cách nhanh chóng như vậy so với phần còn lại của thế giới. Các chuyên gia kinh tế cho rằng mối liên hệ giữa tăng trưởng ở Trung Quốc và các nền kinh tế khác bắt đầu lỏng lẻo từ khoảng 5 năm trước, vì vậy thời điểm này cho thấy có những lực đẩy sâu sắc hơn.

Một là cuộc chiến tranh lạnh thương mại mới. Trung Quốc đã quay sang hướng nội, thay thế mô hình tăng trưởng được thúc đẩy bởi thương mại sang mô hình tăng trưởng do người tiêu dùng trong nước thúc đẩy. 

Tỷ trọng xuất khẩu trong GDP của Trung Quốc đã giảm từ mức trên 35% trước năm 2010 xuống còn dưới 20% như hiện nay. Năm 2015, Trung Quốc đã đưa ra chiến dịch "Made in China 2025" (Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025) để có thể tự cung tự cấp bằng cách mua thêm nguồn cung và phát triển công nghệ ở trong nước.

Nước Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã phản ứng bằng cách cố gắng "tách rời" khỏi Trung Quốc. Kể từ đó, Tổng thống Joe Biden và nhiều người chỉ trích ông Trump ở châu Âu cũng có quan điểm tương tự và đẩy mạnh nỗ lực này trong thời kỳ đại dịch. Điều đó có nghĩa là các nước này mua thêm hàng hóa từ các đối thủ thương mại của Trung Quốc.

Trong những năm trước đại dịch, Trung Quốc đóng góp khoảng 35% cho tăng trưởng GDP toàn cầu, nhưng tỷ trọng đó đã giảm mạnh trong năm 2020 và hiện chỉ còn khoảng 25%. Cách đây 5 năm, Trung Quốc vẫn tăng trưởng nhanh gấp đôi so với mức trung bình của các nền kinh tế mới nổi khác, nhưng khoảng cách đó đã thu hẹp. Đối mặt với việc dân số giảm và các khoản nợ lớn, có khả năng trong những năm tới Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm hơn so với các nền kinh tế mới nổi khác.

Trong khi đó, các động lực tăng trưởng toàn cầu khác đang lấy được đà và mỗi động lực giúp thúc đẩy tăng trưởng một nhóm quốc gia khác nhau. Cuộc cách mạng kỹ thuật số giúp nâng cao nhu cầu đối với chất bán dẫn và các sản phẩm công nghệ cao khác, thúc đẩy xuất khẩu của các thị nền kinh tế mới nổi tiên tiến như vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Điều này giúp các luồng dữ liệu đang gia tăng bất chấp sự suy thoái trong thương mại toàn cầu và ở Trung Quốc.

Trong khi đó, công nghệ Internet di động cũng đang chuyển đổi nền kinh tế của các thị trường lớn hơn nhưng kém phát triển hơn, như Indonesia và Ấn Độ, nơi có doanh thu kỹ thuật số tính theo tỷ trọng trong GDP đã tăng hơn gấp ba lần so trong bốn năm qua. Ấn Độ là một trong những quốc gia có tỷ trọng thương mại với Trung Quốc đang giảm dần.

Phần lớn tiến triển này đến từ các dịch vụ trực tuyến, vốn phát triển nhanh chóng bất kể điều gì xảy ra ở Trung Quốc. Trên toàn thế giới, công nghệ di động chiếm khoảng 10% tăng trưởng thu nhập tích lũy và những thành tích này đang mở rộng nhanh hơn ở các thị trường mới nổi.

Những nỗ lực để kiềm chế sự nóng lên của Trái đất đang gây ra tình trạng "lạm phát xanh" trong giá cả nguyên liệu bằng cách hạn chế nguồn cung mới các nguyên liệu thô và nâng cao dự báo nhu cầu đối với "các kim loại xanh" như nhôm và đồng. Giá cả tăng là một động lực tăng trưởng lớn cho các nước xuất khẩu kim loại xanh, loại nguyên liệu chủ yếu đến từ các thị trường mới nổi như Peru và Chile.

Việc thế giới tách khỏi Trung Quốc có thể kéo dài. Cuộc cách mạng kỹ thuật số, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và chiến tranh lạnh mới có khả năng tồn tại lâu hơn những tác động của đại dịch và có thể báo trước một kỷ nguyên tăng trưởng mới trong thế giới các nước mới nổi. 

Trong thời kỳ hoàng kim cuối cùng của các thị trường mới nổi, sau khi bước sang thiên niên kỷ này, nhiều nước đã thịnh vượng chủ yếu nhờ cung cấp linh kiện hay nguyên liệu thô cho Trung Quốc - khi đó đang là "công xưởng của thế giới". Giờ đây, các nước này có nhiều lựa chọn hơn.

Mặc dù vậy, quan điểm cho rằng Trung Quốc ít quan trọng hơn không có nghĩa là nước này không quan trọng. Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của nhiều quốc gia hơn bất kỳ quốc gia nào khác và là nước mua nguyên liệu chính trên toàn cầu. 

Ví dụ, nếu chiến dịch nhằm làm giảm các khoản nợ doanh nghiệp khổng lồ, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, kết thúc trong một cuộc khủng hoảng, tác động sẽ là toàn cầu và không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, những chấn động nhỏ hơn có thể không còn gây tác động toàn cầu. Có thể là khi Trung Quốc "vấp ngã", thế giới sẽ không còn "ngã theo"./.

                                                                               

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục