Vấn đề Brexit: Lựa chọn giữa “cứng” và “mềm” (Phần 2)

06:30' - 03/07/2018
BNEWS Mặc dù việc Anh rời khỏi châu Âu thuộc kiểu phóng lao thì phải theo lao, nhưng trên thực tế từ đầu đến cuối, Chính phủ Anh luôn ở trong tình cảnh khó khăn, tự mâu thuẫn trong các cuộc đàm phán.

No Title

Cờ Anh (phía dưới) và cờ EU (phía trên) tại thủ đô London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ của đảng Bảo thủ mặc dù đã tỏ thái độ sẽ “hạ cánh cứng”, nhưng cũng nhiều lần để lộ tâm lý nên đi hay ở lại.

Trong thời kỳ đầu đàm phán, bà Theresa kiên quyết cho rằng Anh sẽ không trả khoản “phí chia tay” cho EU, thậm chí sẵn sàng “hạ cánh cứng”. Tuy nhiên, cùng với diễn biến của tình hình và lập trường ngày càng có xu hướng cứng rắn của EU, thái độ của bà Theresa May đã thay đổi rõ rệt. Anh đã đồng ý trả cho EU “phí chia tay” để đạt được mục đích thông qua thỏa hiệp, Anh vẫn có thể duy trì mối quan hệ hợp tác có thuế quan bằng 0 với EU sau khi rời khỏi liên minh hải quan.

Từ sau khi Anh chính thức khởi động trình tự pháp lý rời khỏi EU, những tiếng nói phản đối Brexit trên chính trường Anh chưa bao giờ dứt, điều này đã gây áp lực lớn cho chính quyền Theresa May trong các cuộc đàm phán, làm cho chủ trương đàm phán của Anh đầy rẫy mâu thuẫn.

Cựu Thủ tướng Tony Blair cho rằng liệu Anh có nên tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai về việc ở lại EU. Cựu Phó Thủ tướng Nick Clegg đã xuất bản một cuốn sách nói về việc làm thế nào ngăn chặn Brexit, nhấn mạnh rằng việc áp dụng phương thức trưng cầu ý dân về Brexit là một sai lầm, là dùng cách đơn giản để giải quyết vấn đề rất phức tạp. Ông cho rằng bản thân Brexit đã tự mâu thuẫn, và cam kết của “phe ủng hộ Brexit” đối với cử tri Anh sẽ không thể được thực hiện.

Nếu coi những nhận xét của các chính trị gia hàng đầu này của Anh là đang tỏ sự không hài lòng đối với bà Theresa May, thì tình trạng quốc hội treo sau cuộc bầu cử vào năm 2017 cũng như tiến trình lập pháp quan trọng được các nghị sĩ Công đảng và đảng Bảo thủ bắt tay với nhau thông qua sau đó (quy định Quốc hội Anh có quyền biểu quyết cuối cùng đối với các thỏa thuận được đàm phán giữa Chính phủ Anh và EU) mới là tuyệt chiêu để gây cản trở cho các cuộc đàm phán Brexit của bà Theresa May.

Đối mặt với tình cảnh khó khăn ở trong và ngoài nước, Chính phủ Anh buộc phải quan tâm hơn tới nhu cầu lợi ích của tất cả các bên trong cuộc đàm phán, do đó sự xuất hiện của chính sách và lập trường tự mâu thuẫn nhau về Brexit mà ông Nick Clegg nêu ra là không quá bất ngờ.

Lựa chọn giữa “cứng” và “mềm”

Khi người Anh bỏ phiếu rời khỏi EU cách đây 2 năm, họ không có cơ hội để nói rõ là họ muốn rời khỏi EU theo cách như thế nào. Nhưng bà May, người trở thành Thủ tướng sau cơn địa chấn trưng cầu dân ý, đã nhanh chóng đi đến quyết định cho rằng người dân Anh muốn tách khỏi EU càng nhiều càng tốt.

Không tham vấn nội các của mình, cũng như phớt lờ Quốc hội, bà May tuyên bố "những ranh giới đỏ" cho đàm phán của bà với Brussels, với mong muốn đưa nước Anh tách khỏi EU được triệt để nhất.

Brexit "cứng" đó là nước Anh sẽ hoàn toàn độc lập trước các quan tòa châu Âu, chính sách thương mại và các quy định nhập cư của EU - cái giá đắt không thể tránh khỏi đối với vấn đề kinh tế và an ninh của Anh khi ở dưới “mái nhà chung” EU mà từ lâu Anh đã nhìn nhận.

Trước đây, sự phản đối của Quốc hội đối với kế hoạch của bà May là yếu ớt và của Công đảng đối lập lớn nhất bị cho là nhu nhược. 

Thực tế là đã có rất nhiều tuyên bố tự mâu thuẫn nhau của Chính phủ Anh trong các cuộc đàm phán Brexit. Mâu thuẫn thứ nhất, Anh tuyên bố sau khi rời khỏi EU sẽ giành lại quyền kiểm soát tư pháp ở biên giới nước Anh, nhưng đồng thời lại cho biết sẽ không kiểm soát biên giới giữa Bắc Ireland và Ireland, điều này chứng tỏ giữa Anh và EU không có biên giới.

Mâu thuẫn thứ hai, trong Sách Trắng Brexit, Anh nhấn mạnh kiểm soát luật pháp riêng của họ, tách rời sự quản lý kiểm soát của Tòa án công lý châu Âu, nhưng bà May cũng cho biết, trong tình hình thích hợp, tòa án Anh sẽ tiếp tục xem xét các phán quyết của Tòa án công lý châu Âu, “Anh phải tôn trọng quyền hạn của Tòa án công lý châu Âu về phương diện này”.

Mâu thuẫn thứ ba, bà May tuyên bố nước Anh sẽ rút khỏi thị trường chung châu Âu, nhưng lại muốn cùng với EU đạt được thỏa thuận “sâu rộng hơn so với bất kỳ thỏa thuận tự do thương mại nào trên toàn cầu”, nhấn mạnh việc Anh và EU cuối cùng có đạt thỏa thuận thương mại tự do với thuế quan bằng 0 hay không có ý nghĩa quan trọng đối với Anh.

Nghị sĩ đảng Bảo thủ Anna Soubry thậm chí còn đề xuất sửa đổi Luật thương mại để cho phép Anh có thể cùng EU thành lập liên minh hải quan sau Brexit.

Một số nghị sĩ đảng Bảo thủ đã đứng lên phản đối vai trò nắm giữ quyền quyết định cuối cùng đối với vấn đề Brexit của Chính phủ. Trong khi đó, đa phần những người ủng hộ Brexit cho rằng vấn đề biên giới Ireland là khó khăn to lớn nhất để có thế thực hiện Brexit cứng.

Chưa còn 6 tháng nữa là hết thời gian đàm phán, giờ đây càng thấy rõ Brexit sẽ diễn ra chiều hướng mềm hơn là Brexit như khi ban đầu bà May tuyên bố, tờ Economist nhận xét. Tuần qua, Chính phủ Anh đã cam kết với các nghị sĩ về cuộc bỏ phiếu "có ý nghĩa" đối với thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng May đang đàm phán với EU.

Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều kẽ hở để có thể có Brexit cứng. Mặc dù các cuộc đàm phán đều cho thấy cái giá phải trả cho một chính sách như vậy, Chính phủ đã bị kẹt trước những yêu cầu và ranh giới đỏ của mình. Những người nhiệt thành ủng hộ Brexit lên tiếng cho rằng bất cứ vấn đề nào cũng có thể vượt qua được nếu như có tinh thần tích cực và lòng yêu nước, hoặc lập luận rằng đây là cái giá trả cho sự tự do thoát khỏi EU.

Những người này thuyết phục Thủ tướng rằng cuộc trưng cầu dân ý có nghĩa là bà May phải đưa nước Anh ra khỏi thị trường đơn lẻ EU và liên minh hải quan EU bằng mọi giá.

Nhưng có một lĩnh vực mà nước Anh không thể lựa chọn để tách khỏi EU một cách tối đa. EU đã yêu cầu Bắc Ireland, vì mục đích hòa bình, không được có các trạm chốt kiểm tra mới tại đường biên giới. Bà May đã đồng ý điều này hồi tháng 12/2017, và đã tìm cách để dung hòa một chính sách thương mại độc lập với một đường biên giới mở và mềm.

Nhưng không có gì ngạc nhiên là bà May đã thất bại vì trên thực tế ngay cả những đường biên được cho là không xây dựng đường biên giới cứng như biên giới giữa Na Uy hay Thụy Sỹ với EU vẫn phải có một vài điểm chốt kiểm tra đường biên.

Do vậy nước Anh đã nghĩ ra một "kế hoạch dự phòng", theo đó là để Bắc Ireland ở lại trong liên minh hải quan EU cho đến khi hai bên tìm được ra giải pháp chung về vấn đề đường biên, điều mà có thể sẽ chẳng bao giờ có được.

Để tránh việc kiểm tra hải quan tại biên giới giữa Bắc Ireland và phần còn lại của nước Anh, điều làm cho những người thuộc Đảng Dân chủ Liên hiệp (DUP, đảng chính trị lớn nhất tại Bắc Ireland có đường lối thân Anh) tức giận, liên minh hải quan sẽ bao gồm toàn nước Anh.

Chính phủ Anh cũng không đưa ra thời gian hạn định cụ thể với tình trạng này, đồng thời hứa hẹn rằng kế hoạch dự phòng Bắc Ireland của họ sẽ gắn với những quy định phù hợp của thị trường đơn lẻ EU. Nước Anh do vậy sẽ tạm thời, trên thực tế là vô thời hạn, sẽ là thành viên của liên minh hải quan EU và hoàn toàn tuân thủ những quy định của thị trường đơn lẻ EU./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục