Vấn đề Brexit: Tuần hành phản đối Brexit lớn nhất trong nhiều thập kỷ tại London

22:02' - 23/03/2019
BNEWS Ngày 23/3, hàng chục nghìn người dân Anh phản đối việc nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)- Brexit- đã tập trung tuần hành tại trung tâm thủ đô London.
Người dân tuần hành phản đối Brexit bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở London, Anh, ngày 11/3/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 23/3, hàng chục nghìn người dân Anh phản đối việc nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)- Brexit- đã tập trung tuần hành tại trung tâm thủ đô London để yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân mới trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Brexit đang nhấn chìm chính trường Anh.

Dòng người biểu tình ủng hộ nước Anh tiếp tục là thành viên EU tập trung gần công viên Hyde Park vào khoảng giữa ngày trước khi tuần hành qua Văn phòng Thủ tướng và kết thúc bên ngoài tòa nhà quốc hội. Các diễn giả phát biểu trước đám đông người biểu tình gồm có Thủ hiến vùng Scotland Nicola Sturgeon, Thị trưởng London Sadiq Khan và Phó Chủ tịch Công đảng đối lập Tom Watson.

Hiện chưa có thông tin chính thức về số người biểu tình nhưng các nguồn tin truyền thông đều cho biết có khoảng vài chục nghìn người tập trung ngay từ trước khi cuộc tuần hành diễn ra. Các nhà tổ chức tin rằng số người tham gia cuộc tuần hành này chắc chắn vượt xa cuộc tuần hành tương tự diễn ra hồi tháng 10, thời điểm có khoảng 700.000 người tham gia. Cuộc tuần hành lần này được xếp vào hàng những cuộc tuần hành lớn nhất tại thủ đô London trong nhiều thập kỷ qua.

Tuần hành diễn ra trong bối cảnh sau 3 năm chìm trong chia rẽ, cho tới nay người dân Anh vẫn chưa chắc chắn Brexit sẽ diễn ra như thế nào, khi nào thì diễn ra và thậm chí là liệu tiến trình này cuối cùng có được tiến hành hay không. Trong khi đó, Thủ tướng Theresa May vẫn đang "vật lộn" tìm cách tháo gỡ vấn đề được cho là gây ra cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc nhất, có lẽ ít nhất trong vòng một thế hệ tại "xứ sương mù".

Trong cuộc trưng cầu ý dân hồi năm 2016, phe ủng hộ Brexit giành chiến thắng sít sao với 52% số phiếu trong khi phe ủng hộ EU chiếm 48% số phiếu. Từ đó tới nay, phe phản đối Brexit cũng tìm nhiều cách để yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân khác.

Một đơn kiến nghị hủy Brexit đã nhận được 4 triệu chữ ký chỉ trong vòng 3 ngày sau khi Thủ tướng May phát biểu trước công chúng rằng bà luôn đứng về phía người dân trong vấn đề Brexit và kêu gọi các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận của bà.

Bà May cũng nhiều lần tuyên bố không tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân khác, cho rằng điều này sẽ khoét sâu chia rẽ nội bộ và làm tổn hại tới nền dân chủ trong khi phe ủng hộ Brexit cho rằng cuộc trưng cầu ý dân lần hai sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp tại quốc gia này.

Hôm 22/3, khi chỉ còn một tuần trước khi Brexit chính thức diễn ra mà chưa có thỏa thuận nào được Hạ viện Anh chấp thuận, London và Brussels đã nhất trí gia hạn Brexit theo hai kịch bản. Nếu thỏa thuận Brexit mà hai bên đạt được hồi cuối năm 2018 không được ủng hộ hoặc không được đưa ra bỏ phiếu lần 3 vào tuần tới, Anh sẽ "ra đi" mà không có thỏa thuận vào ngày 12/4 tới.

Kịch bản thứ hai là nếu thỏa thuận Brexit nhận được ủng hộ của Hạ viện trong cuộc bỏ phiếu lần 3, sau hai lần bị bác bỏ, Brexit sẽ được gia hạn tới ngày 22/5 để Anh kịp hoàn thiện các thủ tục pháp lý trước khi chính thức rời nhà chung.

Ngày 22/3, sau khi Thủ tướng Anh tuyên bố để ngỏ khả năng không đưa thỏa thuận Brexit ra bỏ phiếu tại Hạ viện lần thứ 3, đồng nghĩa chiến lược Brexit của bà hoàn toàn sụp đổ, truyền thông Anh đưa tin sức ép buộc bà từ chức gia tăng./.

Xem thêm:

>>Vấn đề Brexit: Lơ lửng khả năng bỏ phiếu tại Hạ viện Anh lần thứ 3

>>EC tuyên bố "mọi điều đều có thể xảy ra" trước thời hạn Brexit 12/4

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục