Vấn đề hạt nhân Triều Tiên tiếp tục "thử thách" Mỹ

06:30' - 12/03/2019
BNEWS Sự bất nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là nguyên nhân khiến việc đạt được một thỏa thuận về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên đã khó nay lại càng khó hơn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái). Ảnh: TTXVN

Đó là nhận định của bà Kimberly Ann Elliott, một học giả thỉnh giảng tại Viện Chính sách kinh tế quốc tế thuộc Đại học George Washington, Mỹ trong bài viết đăng trên trang mạng Tạp chí chính trị thế giới. Dưới đây là nội dung bài viết:

Donald Trump không phải là Tổng thống Mỹ đầu tiên "húc đầu" vào một bức tường gạch trong nỗ lực đàm phán để loại bỏ năng lực vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Tổng thống Bill Clinton nghĩ rằng ông đã đạt được một thỏa thuận vào năm 1994, gọi là Thỏa thuận khung, để chấm dứt mối đe dọa hạt nhân của triều đại Kim Il-sung. 

Nhưng đến thời Kim Jong-il Triều Tiên liên tục đòi hỏi những nhượng bộ mới cho việc tuân thủ Thỏa thuận khung trên, trong khi bí mật tận dụng mọi kẽ hở trong thỏa thuận để tiếp tục các hoạt động hạt nhân. Tổng thống George W. Bush cuối cùng đã bác bỏ thỏa thuận này vì cho rằng nó không có tác dụng và tăng cường các biện pháp trừng phạt. 

Để đáp lại, Triều Tiên đã rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, mà quốc gia này đã tham gia vào năm 1985 và tiến hành thử vũ khí hạt nhân. Tổng thống Barack Obama khi đó đã cố gắng thực hiện “chiến lược kiên nhẫn”, yêu cầu Triều Tiên thực hiện các bước tiến tới phi hạt nhân hóa trước khi chính quyền của ông nối lại đàm phán. Nhà lãnh đạo mới nhất của Triều Tiên, Kim Jong-un, đã đáp trả bằng hành vi hiếu chiến và nhiều lần thử hạt nhân và tên lửa hơn.

Năm 2016, các chuyên gia ước tính rằng Triều Tiên đã tích lũy đủ nguyên liệu phân hạch cho khoảng một tá vũ khí hạt nhân, sau gần 30 năm đàm phán và trừng phạt nhằm ngăn chặn điều đó. Qua thử nghiệm, Triều Tiên cũng đã chứng minh khả năng tiếp cận Mỹ bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Tổng thống Trump tự cho mình là một nhà “giao dịch vĩ đại” và nghĩ rằng mình có thể làm tốt hơn những người tiền nhiệm. Trong năm đầu tiên nắm quyền, ông đã bắt đầu lớn tiếng đe dọa về những điều mà “thế giới chưa từng thấy”. 

Đối phó với các vụ thử tên lửa và hạt nhân vào mùa Hè năm 2017, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) lúc đó Nikki Haley đã hối thúc Hội đồng Bảo an tăng cường các biện pháp trừng phạt và cuối cùng Trung Quốc dường như đang thực hiện nghiêm các biện pháp trừng phạt.

Nhưng ông Trump đã nhanh chóng dừng thông điệp cứng rắn của mình bằng việc sớm tuyên bố chiến thắng. Sau Hội nghị Thượng đỉnh lần đầu tiên giữa một tổng thống Mỹ và một nhà lãnh đạo Triều Tiên vào mùa Hè năm ngoái tại Singapore, ông Trump đã nhắn tin trên Twitter rằng “Không còn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên nữa”. 

Sau đó, vào tuần trước tại Hà Nội, ông Trump đã phải thừa nhận rằng mối quan hệ “tuyệt vời” giữa ông và Kim đã không đủ để tạo ra một thỏa thuận rõ ràng, có thể thực thi được để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. 

Thật vậy, mặc dù sau nhiều tháng đàm phán, dường như vẫn chưa có thỏa thuận nào về cam kết phi hạt nhân hóa trong tuyên bố Singapore. Điều tốt nhất mà ông Trump có thể làm sau Hội nghị thượng đỉnh thất bại hồi tuần trước là thúc đẩy lệnh cấm các vụ thử hạt nhân và tên lửa mà Bình Nhưỡng đã tuân thủ trong vòng hơn một năm qua.

Ông Trump cũng nói rằng ông không vội vàng đạt được thỏa thuận. Nhiều nhà quan sát, những người đã lo sợ rằng người được gọi là “nhà giao dịch cuối cùng” sẽ “cho đi cả cửa hàng”, nhận xét rằng không có thỏa thuận nào tốt hơn một thỏa thuận tồi. 

Nhưng đó là sự thoải mái bất đắc dĩ khi Triều Tiên dường như đang tiếp tục làm giàu uranium có thể được sử dụng trong vũ khí hạt nhân. Hầu hết các chuyên gia cũng tin rằng Triều Tiên đã ngừng thử hạt nhân và tên lửa chủ yếu vì họ đã học được những gì họ cần biết, hoặc vì có vấn đề kỹ thuật ở các cơ sở của họ.

Tổng thống Trump cũng thất vọng khi các quan chức lãnh đạo của các cơ quan tình báo chủ chốt của Mỹ đã trình bày trước Quốc hội rằng Triều Tiên coi vũ khí hạt nhân và tên lửa là hết sức quan trọng và khó có thể từ bỏ hoàn toàn những năng lực hạt nhân đó. 

Triều Tiên muốn thấy các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ để có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng ông Kim Jong-un sẽ không bao giờ chấp nhận hoàn toàn các cải cách hoặc mở cửa nền kinh tế nếu điều đó đồng nghĩa với việc mất quyền kiểm soát.

Vì vậy, cơ sở cho một thỏa thuận có tính thực chất vẫn chưa rõ ràng. Trong khi việc đàm phán với một quốc gia bí hiểm như Triều Tiên luôn luôn rất khó, ông Trump đã khiến cho việc đàm phán thậm chí còn khó hơn. 

Sự hay thay đổi của ông Trump làm giảm uy tín của các nhà đàm phán của ông, và ông đã làm yếu đi đòn bẩy đã gây dựng được trong năm đầu tiên tại LHQ. Đối với Iran, các lệnh trừng phạt của Mỹ đã được thực hiện từ hàng thập kỷ qua. 

Còn đối với Triều Tiên, đó là cuộc chiến bắt đầu gần 70 năm trước. Điều đó có nghĩa là Mỹ không có đòn bẩy trực tiếp đối với Bình Nhưỡng mà cần sự hợp tác của những nước khác để gây áp lực lên nền kinh tế Triều Tiên, đặc biệt là Trung Quốc.

Nếu bán đảo Triều Tiên được thống nhất dưới sự giám sát của Mỹ, có lẽ nó sẽ dẫn đến việc xuất hiện một đồng minh thân cận của Mỹ ngay sát Trung Quốc. Thái độ “vừa yêu vừa ghét” đối với các biện pháp trừng phạt và sự sẵn sàng cung cấp viện trợ kinh tế vào những thời điểm quan trọng từ lâu đã khiến Trung Quốc trở thành mắt xích yếu trong những nỗ lực của cả Mỹ và LHQ nhằm kiềm chế mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.

Nhưng do có sự thất vọng ngày càng tăng đối với các hành động hiếu chiến của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un và lo ngại về những lời đe dọa của ông Trum trong nửa cuối năm 2017, Trung Quốc đã thực hiện các nghị quyết trừng phạt mới của LHQ, nhắm vào các mặt hàng xuất khẩu chính cũng như việc nhập khẩu năng lượng của Triều Tiên. Lần này, dường như Trung Quốc đã thi hành các lệnh trừng phạt một cách chặt chẽ, gây ra những khó khăn kinh tế thực sự cho Triều Tiên.

Tuy nhiên, việc ông Trump tuyên bố chiến thắng quá sớm vào năm ngoái sau Hội nghị Thượng đỉnh ở Singapore đã gửi một tín hiệu đáng tiếc cho Trung Quốc, cũng như Nga, một đối tác thương mại quan trọng khác của Triều Tiên. 

Kể từ đó đã có những báo cáo rằng Bắc Kinh có thể đã nới lỏng việc thực hiện cứng rắn các biện pháp trừng phạt mới nhất đã buộc ông Kim Jong-un tới bàn đàm phán. Và sau Hội nghị Thượng đỉnh hồi tuần trước tại Hà Nội, Trung Quốc đã kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ thảo luận về việc nới lỏng các lệnh trừng phạt đó.

Trong khi chính quyền Tổng thống Trump ban đầu ủng hộ chiến lược gây “áp lực tối đa” để đạt được các mục tiêu không phổ biến vũ khí hạt nhân ở cả Triều Tiên và Iran, thì việc ông Trump đã liên tục khen ngợi ông Kim Jong-un và tuyên bố về “tình bạn” với ông Kim Jong-un đã sớm ngừng thông điệp nói trên. 

Tổng thống Mỹ đã đúng khi không chấp nhận “một thỏa thuận tồi” ở Hà Nội. Nhưng, do những tín hiệu bất nhất không thể giải thích được của ông Trump, con đường dẫn tới một thỏa thuận tốt hơn đã trở nên gập ghềnh hơn rất nhiều./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục