Vẫn "nóng" biểu tình phản đối tăng giá nhiên liệu tại Pháp

22:11' - 03/12/2018
BNEWS Làn sóng biểu tình phản đối quyết định tăng giá nhiên liệu tại Pháp đã kéo dài sang tuần thứ 3 và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Người biểu tình "Áo vàng" phản đối việc tăng giá nhiên liệu tại Paris, Pháp ngày 1/12/2018. Ảnh: THX/ TTXVN 

Hàng chục người biểu tình "Áo vàng" tại Pháp đã chặn đường vào một kho nhiên liệu chính cùng nhiều tuyến đường cao tốc trong ngày 3/12, khi làn sóng biểu tình phản đối quyết định tăng giá nhiên liệu trên khắp quốc gia châu Âu này đã kéo dài sang tuần thứ 3 và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Khoảng 50 người phong tỏa kho nhiên liệu tại cảng Fos-sur-Mer gần Marseille. Đây là khu vực mà cảnh sát trong những ngày qua thường xuyên phải can thiệp để giải tán đám đông biểu tình kể từ khi làn sóng biểu tình tại Pháp nổ ra.

Ngoài ra, giao thông cũng tắc nghẽn trên các tuyến đường cao tốc dẫn tới các thành phố miền Nam gồm Aix-en-Provence, Orange, Montpellier, Nimes và Sete trong bối cảnh cuộc biểu tình vốn xuất phát từ bất bình đối với việc tăng thuế nhiên liệu đã leo thang thành làn sóng phản đối các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Tổng thống Emmanuel Macron.

Cũng trong ngày 3/12, biểu tình lan tới khoảng 100 trường học trên toàn quốc với giới học sinh phản đối quy định mới của chính phủ về nhập học đại học. Riêng cuộc biểu tình tại thành phố Nice thu hút khoảng 1.000 học sinh tham gia.

Tình hình cũng diễn biến căng thẳng tại đảo Reunion, vùng lãnh thổ thuộc Pháp tại Ấn Độ Dương, và cũng là một điểm nóng của làn sóng biểu tình.

Cảnh sát đã phải dùng khí hơi cay để giải tán đám đông bao vây cảng duy nhất của hòn đảo sau khi người biểu tình phong tỏa cảng này suốt 15 ngày, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực, dược phẩm và nhiều nhu yếu phẩm khác.

CGT, một liên đoàn hoạt động trong lĩnh vực công, cùng ngày kêu gọi tổ chức một cuộc biểu tình trên toàn quốc trong ngày 14/12 để kêu gọi chính phủ tăng "ngay lập tức" lương tối thiểu, lương hưu và phúc lợi xã hội.

Phong trào “Áo vàng” vốn không có cơ cấu tổ chức hay ban lãnh đạo thực sự nhưng CGT đã tuyên bố liên đoàn này "chia sẻ sự giận dữ chính đáng của họ".

Năm ngoái, CGT từng tổ chức một cuộc biểu tình quy tụ hàng trăm nghìn người để phản đối chương trình cải cách của Tổng thống Macron.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) trong cuộc họp khẩn của Chính phủ nhằm tìm biện pháp ứng phó các cuộc biểu tình bạo loạn phản đối tăng giá nhiên liệu của lực lượng "Áo vàng" ở thủ đô Paris, ngày 2/12/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN 

Quyết định tăng thuế nhiên liệu có hiệu lực từ tháng 10 vừa qua cùng lúc giá dầu thế giới tăng đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trong người dân, đặc biệt là nông dân.

Dù chính phủ cho rằng tăng thuế nhiên liệu nhằm khuyến khích các lái xe sử dụng phương tiện ít tiêu thụ nhiên liệu hơn, từ đó giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường, nhưng hàng nghìn người vẫn đổ xuống các đường phố chính ở các thành phố để phản đối. Thủ tướng Pháp Edouard Philippe khẳng định chính phủ nước này sẽ không rút lại quyết định tăng thuế nhiên liệu, bất chấp các cuộc biểu tình.

Kể từ khi lên nắm quyền từ cách đây hơn 1 năm, Tổng thống Macron đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm định hình lại nền kinh tế và cải cách các cơ quan công quyền.

Những biện pháp cải cách gây tranh cãi, đặc biệt là quyết định cho phép nới lỏng các luật về thuê và sa thải người lao động, đã khiến chỉ số tín nhiệm dành cho ông chủ Điện Elysée đang giảm xuống mức thấp.

Dự kiến, tháng 1/2019 tới sẽ có thêm một đợt tăng giá dầu diesel, nhiên liệu vốn được sử dụng rất phổ biến tại Pháp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục