VCCI đề nghị làm rõ nhiều nội dung về kiểm dịch động vật

16:28' - 09/06/2022
BNEWS Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn thể hiện được tinh thần cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần làm rõ một số nội dung

Phản hồi đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc góp ý hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn; đồng thời, trên cơ sở góp ý của doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, so với quy định hiện hành, dự thảo đã có những sửa đổi theo hướng cắt giảm các chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, như: lấy mẫu xét nghiệm gia súc giống theo tỉ lệ lưu hành ước đoán thay cho lấy mẫu toàn đàn như trước đây; hay gộp mẫu và giảm số chỉ tiêu hoặc mầm bệnh phải kiểm tra xét nghiệm. Điều này đã thể hiện được tinh thần cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để thúc đẩy hơn nữa tinh thần cải cách và đổi mới, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét sửa đổi quy trình kiểm dịch động vật nhập khẩu, sản phẩm động vật nhập khẩu quy định tại Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT, Thông tư 35/2018/TT-BNNPTNT, Thông tư 20/2017/TT-BNNPTNT của bộ này cùng quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn.

Theo quy định hiện hành, quy trình kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu đang được thiết kế theo hướng thủ tục vừa thực hiện trên phương thức điện tử là nộp hồ sơ qua Cổng thông tin một cửa; vừa phải nộp bản chính bằng giấy để đối chiếu.

Điều này khiến thủ tục trở nên phức tạp, VCCI đề nghị sửa đổi quy định việc nộp, thẩm định hồ sơ thực hiện hoàn toàn trực tuyến, cơ quan nhà nước có thể kiểm tra bản chính bằng hình thức hậu kiểm, hoặc yêu cầu doanh nghiệp cung cấp bản giấy khi cơ quan nhà nước thực hiện kiểm dịch.

Liên quan đến kiểm tra giám sát, so với quy định hiện hành, dự thảo bổ sung thêm quy định về thời điểm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể chỉ tiêu, số mẫu giám sát cần kiểm soát các vi sinh vật gây hại, chất tồn dư độc hại đối với động vật, sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu là “theo yêu cầu đột xuất”. Quy định này là chưa rõ về việc “yêu cầu đột xuất” dựa trên căn cứ hoặc trường hợp nào.

Cụ thể như có cảnh báo từ nước xuất khẩu, hoặc thị trường phát hiện sản phẩm có vi sinh vật gây hại, chất tồn dư độc hại hay không? Việc xác định chỉ tiêu, số mẫu giám sát có thể tác động đến chi phí tuân thủ của doanh nghiệp nên VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn căn cứ đưa ra “yêu cầu đột xuất”.

Ngoài ra, dự thảo quy định: “Đối với lô hàng có nhiều mặt hàng: cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu chọn mặt hàng có số lượng lớn, mỗi mặt hàng lấy 05 mẫu đơn lẻ và gộp thành 01 mẫu xét nghiệm các tác nhân gây bệnh; số lượng mẫu để xét nghiệm không quá 03 mẫu gộp”.

Theo VCCI, quy định này cũng cần được xem xét ở các điểm sau: So với quy định hiện hành, dự thảo sử dụng khái niệm “nhiều mặt hàng” không cụ thể bằng “có từ hai mặt hàng trở lên”.

Vì vậy, VCCI đề nghị sửa đổi quy định trên từ “đối với lô hàng có nhiều mặt hàng” thành “đối với lô hàng có từ hai mặt hàng trở lên”. Hay như khái niệm “số lượng lớn” là cũng chưa đủ rõ ràng vì không rõ như thế nào được cho là “lớn”...

Bên cạnh đó, cũng không rõ rằng quy định chọn “một mặt hàng số lượng lớn” hay là “nhiều mặt hàng số lượng lớn” là gì? Hay “mỗi mặt hàng lấy 05 mẫu đơn” thì mỗi mặt hàng ở đây là mỗi mặt hàng trong lô hàng hay là “mỗi mặt hàng” của “các mặt hàng có số lượng lớn”?... Để đảm bảo thuận lợi khi thực hiện, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ các vấn đề nói trên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục