VCCI hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế

16:55' - 28/04/2023
BNEWS Việt Nam hiện đã tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) cả song phương và đa phương với nhiều đối tác trên toàn cầu và ở nhiều lĩnh vực.
Theo đó, bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA), Hiệp định thương mại giữa Vương quốc Anh - Việt Nam (UKVFTA) và tiếp nối là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Đây là các FTA đã đưa nền kinh tế Việt Nam lên vị thế mới trên bản đồ thương mại quốc tế, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp khi được tăng cường hợp tác, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Với vai trò cầu nối, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các tổ chức quốc tế luôn thiết lập các mối quan hệ đối tác lâu dài để nâng cao vai trò, vị thế của khu vực kinh tế tư nhân, kết nối khu vực công và khu vực tư. Đồng thời, thúc đẩy sự quan tâm với các vấn đề chính sách, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam. Qua đó, tăng cường sự hiện diện để doanh nghiệp Việt Nam tiến xa hơn khi hội nhập kinh tế quốc tế.

 
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, một trong những hoạt động trọng tâm của VCCI tham gia vào các đoàn đàm phán kinh tế - thương mại, xây dựng các cơ chế đa phương về hợp tác thúc đẩy kinh doanh trong khu vực như: Tổ chức Thương mại thế giới (WTO),  Hội đồng tư vấn cho các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC BAC), Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC), Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), Tổ chức Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwady - Chao Phraya - Mê Kông (ACMECS)...để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế.

Việc tham gia tích cực các hoạt động của những tổ chức này góp phần thúc đẩy, mở rộng hợp tác quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam với khu vực và toàn cầu, đem lại ý nghĩa thiết thực trong việc nắm bắt thông tin về chính sách, chương trình hợp tác, các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hợp tác song phương và đa phương, khuyến nghị các biện pháp thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp.

Đặc biệt hiện nay, VCCI đang vận hành một loạt diễn đàn doanh nghiệp hay hội đồng doanh nghiệp nhằm kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các khu vực thị trường trọng điểm như Liên minh châu Âu (EU), Bắc Mỹ, Mỹ La Tinh, châu Phi và Trung Đông, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ....

Hàng năm, VCCI còn tổ chức nhiều lớp học, hội thảo, hội nghị, đoàn khảo sát để tìm kiếm bạn hàng nhằm nâng cao năng lực của doanh nghiệp, cung cấp thông tin, phổ biến kiến thức, kết nối với các đối tác quốc tế. VCCI xuất bản nhiều tài liệu, công trình nghiên cứu, giới thiệu các khu vực thị trường, hướng dẫn hội nhập quốc tế nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo thuận lợi để doanh nghiệp kết nối với các đối tác quốc tế.

"Nỗ lực này hướng tới xây dựng tư duy tích cực cho doanh nghiệp trong nước, nâng cao nhận thức hiểu biết về hội nhập và nhìn nhận các chương trình hội nhập kinh tế là cam kết gồm cả hợp tác và cạnh tranh", ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

VCCI luôn cung cấp các thông tin về chính sách hỗ trợ khi tham gia các hiệp định thương mại, tổ chức quốc tế để doanh nghiệp chủ động vạch sẵn chiến lược kinh doanh phù hợp. Đồng thời, đào tạo để cải thiện và phát huy những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh, việc sử dụng công nghệ thông tin làm công cụ nâng cao năng suất và rút ngắn khoảng cách phát triển, xây dựng văn hóa và xu hướng kinh doanh hướng tới chuỗi giá trị dịch vụ chung và liên kết ngành để tạo thành sức mạnh cộng đồng.

Là một trong những cơ quan, tổ chức quốc tế có sự gắn kết mật thiết với VCCI trong nhiều chương trình, dự án phát triển, hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy tiến trình cải cách, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), bà Aler Grubbs, Giám đốc USAID tại Việt Nam ghi nhận: VCCI đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ những thay đổi thực chất, có thể đo lường được đối với môi trường đầu tư kinh doanh, giúp mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp trong nước; trong đó nhất là doanh nghiệp tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong 18 năm triển khai dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) - chương trình phối hợp giữa USAID và VCCI, đã nhận được phản hồi từ 156 nghìn doanh nghiệp tư nhân trong nước và hơn 20 nghìn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Dự án PCI đã trở thành nguồn thông tin đáng tin cậy cho các chính quyền cấp tỉnh tham khảo, sử dụng để xây dựng và thực hiện chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh tại địa phương. Nhờ đó, có hơn 1.600 văn bản là các nghị quyết, quyết định, chỉ thị....hỗ trợ doanh nghiệp đã được các tỉnh, thành phố ban hành.

Kể cả các hiệp hội doanh nghiệp quốc tế cũng đánh giá cao sự tương tác và thúc đẩy của VCCI đối với cộng đồng doanh nghiệp các quốc gia và vùng lãnh thổ đang hoạt động tại Việt Nam.

Ông Alain Cany, Cựu Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định: quan hệ đối tác giữa VCCI trong Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam là minh chứng về sức mạnh quan hệ đối tác mà thông qua đó, các doanh nghiệp nước ngoài được góp phần xây dựng quy định, chính sách tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

Quan hệ đối tác giữa EuroCham và VCCI đã tăng cường hợp tác kinh tế châu Âu - Việt Nam, qua đó, thúc đẩy việc thực thi Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), mở ra những cơ hội kinh doanh mới cho cả 2 bên.

Là một trong nhiều doanh nghiệp công nghệ đang từng bước phát triển, vươn ra toàn cầu, Tập đoàn Công nghệ CMC cũng là đơn vị nhận được nhiều lợi ích của làn sóng hội nhập kinh tế quốc tế. CMC đang đặt mục tiêu trở thành tập đoàn số, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức tăng tốc chuyển đổi số và thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn CMC cho hay, giai đoạn 2021-2025, CMC đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp toàn cầu với doanh thu tỷ đô la Mỹ (USD) và quy mô hơn 10 nghìn nhân sự. Tập đoàn kiên định với hướng đi là nhà tư vấn, cung cấp dịch vụ chuyển đổi số hàng đầu Việt Nam, giúp doanh nghiệp và tổ chức trong nước số hóa thành công, góp phần định hình thị trường, dịch vụ điện toán đám mây và các phần mềm dịch vụ mới để nằm trong Top dẫn đầu thị trường về an ninh mạng.

"Việc phát triển sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam chính là con đường để doanh nghiệp làm chủ công nghệ và sản phẩm, bắt nhịp với các cường quốc trên thế giới trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ số mới; đưa Việt Nam sớm tự lập, từ cường. Đây chính là chìa khóa để Việt Nam vươn lên thứ bậc cao hơn trong chuỗi giá trị như hiện nay để bắt kịp các quốc gia phát triển, ông Chính nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục