VCSF 2021: Hướng tới thập kỷ phát triển bền vững
Ngày 9/12, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển Bền vững Việt Nam (VCSF) 2021 lần thứ 8 và Chương trình đánh giá công bố các doanh nghiệp bền vững Việt Nam (CSI) 2021 lần thứ 6.
Đây là hoạt động thường niên nhằm tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả, đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Diễn đàn VCSF 2021 là phiên toàn thể tiếp nối các hội thảo chuyên đề đã được tổ chức trước đó, bao gồm: "Doanh nghiệp phát triển bền vững thực hiện mục tiêu kép" tổ chức ngày 9/9; “Kinh tế tuần hoàn: tương lai của tăng trưởng kinh tế bình đẳng và bền vững” tổ chức ngày 14/10; “Tái thiết nền tảng quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới và tương lai số hóa” tổ chức ngày 15/10. Chương trình năm nay mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp trao đổi, thảo luận và kiến nghị tới Chính phủ những giải pháp nhằm thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Qua đó, giúp cộng đồng doanh nghiệp tăng cường khả năng chống chịu, nâng cao năng lực cạnh tranh và hướng tới phát triển bền vững. Lễ công bố các doanh nghiệp bền vững Việt Nam CSI 2021 cũng là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt tôn vinh những doanh nghiệp phát triển bền vững trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19. Chương trình có sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, cùng với 150 đại biểu tham dự trực tiếp và khoảng 1.000 đại biểu tham dự trực tuyến là đại diện lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, đại diện của các đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc, các chuyên gia và giới truyền thông. Diễn đàn năm nay tập trung thảo luận nhiều nội dung với chủ đề "Hướng tới thập kỷ phát triển bền vững tốt đẹp hơn: Không để ai bị bỏ lại phía sau"; trong đó, các diễn giả trình bày các nội dung về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh 2021 – 2030: Hiện thực hóa mục tiêu kép “Tăng trưởng nhanh và bền vững” trong thập kỷ mới; cập nhật đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) - Từ cam kết đến hành động và đóng góp của doanh nghiệp thông qua các mô hình kinh doanh bền vững; những định hướng chiến lược quan trọng trong phát triển khoa học công nghệ để xây dựng nền kinh tế số Việt Nam và vai trò của doanh nghiệp. Song song đó là phần tọa đàm "Xây dựng một thập kỷ bền vững tốt đẹp hơn thông qua kinh doanh bền vững" của các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD); Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam; Chương trình Phát triển bền vững, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWFViệt Nam) cùng đại diện một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH Nestlé Việt Nam; Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ); Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO). Đánh giá những nỗ lực của Việt Nam trong tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định, phát triển bền vững là xu thế chung mà toàn nhân loại đang nỗ lực hướng tới và cũng là đường lối, quan điểm chỉ đạo và mục tiêu chiến lược quan trọng mà Chính phủ Việt Nam quyết tâm thực hiện. Đặc biệt, ngay cả trong những thời điểm khó khăn như hiện nay, khi mà Việt Nam và toàn cầu đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ thiên tai, sự bất ổn chính trị và nhất là đại dịch COVID-19 thì việc phấn đấu đạt được mục tiêu: “Hướng tới thập kỷ phát triển bền vững tốt đẹp hơn: Không để ai bị bỏ lại phía sau” càng trở nên cần thiết. Đây cũng là chủ đề của Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững lần thứ 8 và Lễ Công bố CSI 2021 lần thứ 6 năm nay. Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc được thông qua với tiến trình đạt tới sự phát triển thịnh vượng và hài hòa dưới cả 3 góc độ kinh tế-xã hội-môi trường tại mỗi quốc gia, giờ đây đã có đích đến cụ thể và thống nhất. Trong gần 6 năm theo đuổi thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Xét trên phạm vi toàn cầu, thứ hạng của Việt Nam về kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) liên tục tăng trong giai đoạn 2016 - 2021, giúp cải thiện không ngừng vị thế của Việt Nam trên bảng xếp hạng toàn cầu, từ vị trí 88/149 quốc gia năm 2016 lên vị trí 51/165 quốc gia năm 2021. Việt Nam được đánh giá đã và đang thực hiện tốt một số chỉ tiêu về xóa đói nghèo; một số khía cạnh trong đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; cải thiện trong các khía cạnh trao quyền lực và cơ hội tham gia chính trị cho phụ nữ. Bên cạnh đó, đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người, đặc biệt là mục tiêu tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững…Tuy nhiên, trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam chỉ được đánh giá ở mức “hoàn thành” đối với 2/17 mục tiêu là chất lượng giáo dục và tiêu thụ, sản xuất có trách nhiệm. Mặc dù quãng đường phía trước để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững còn nhiều chông gai, nhưng việc Việt Nam đã dần vươn lên những vị trí cao hơn trong bảng xếp hạng đã cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đã được cam kết.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam cho biết, đại dịch COVID-19 giống như một phép thử khắc nghiệt đối với “sức khỏe” và “bản lĩnh” của doanh nghiệp.
Khi nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh đột ngột, thị trường xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, thị trường và chuỗi cung ứng lao động bị đứt gãy, doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh và đưa ra các phương án, chiến lược kinh doanh, quản trị phù hợp, gắn những vấn đề ngắn hạn cấp bách với chiến lược trong trung và dài hạn. Những doanh nghiệp không kịp thích ứng với những thách thức này, ngay lập tức sản xuất, kinh doanh sẽ bị đình trệ, doanh thu sụt giảm và đối mặt với nguy cơ phá sản, giải thể. Trong 11 tháng của năm 2021, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường ước tính lên tới hơn 100 nghìn doanh nghiệp, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, những doanh nghiệp có sự cam kết mạnh mẽ, bền bỉ, kiên trì theo đuổi chiến lược phát triển bền vững trong nhiều năm qua đã tự tạo ra được “kháng thể” trước đại dịch, duy trì ổn định hoạt động và tăng trưởng trong kinh doanh, thậm chí bứt tốc phát triển.Đồng thời, còn có đóng góp lớn về cả tài lực và vật lực cho Nhà nước, cho xã hội trong việc chung tay phòng, chống và khắc phục hậu quả của dịch bệnh.
Theo ông Vinh, khảo sát của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam thực hiện hồi tháng 9/2021 về thực trạng doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã cho thấy, có 81% doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết ngành, đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng ngay cả khi xảy ra những cuộc “khủng hoảng” tương tự như COVID-19 trong tương lai. Ngoài ra, các doanh nghiệp đã theo đuổi chiến lược phát triển bền vững cũng đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến, áp dụng triệt để chuyển đổi số, kinh tế số... nhằm thay đổi phương thức kinh doanh, giảm sự phụ thuộc vào các thị trường, hình thức kinh doanh truyền thống. Theo đuổi chiến lược phát triển bền vững như là liều vaccine hiệu quả của doanh nghiệp trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh./.- Từ khóa :
- doanh nghiệp
- phát triển bền vững
- VCCI
- kinh tế tuần hoàn
Tin liên quan
-
Ý kiến và Bình luận
Giải pháp nào để thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn thực chất?
19:30' - 08/12/2021
Ở Việt Nam, để nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn và tạo nên những phong trào thực hiện rộng khắp trong các doanh nghiệp nhỏ, vừa hay quy mô siêu nhỏ không hề đơn giản.
-
Kinh tế Việt Nam
Bế mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững”
21:33' - 05/12/2021
Chiều 5/12, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững” đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
-
Doanh nghiệp
Nền tảng phục hồi và phát triển bền vững kinh tế Việt Nam
17:33' - 05/12/2021
Chiều 5/12, tại Hà Nội, Diễn đàn văn hóa với doanh nghiệp năm 2021 đã diễn ra với chủ đề “Tiếp biến văn hóa – Nền tảng phục hồi và phát triển bền vững kinh tế.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Rau màu vụ Đông được mùa, được giá
15:26'
Năm nay, thời tiết thuận lợi, cây rau màu phát triển tốt, giá bán cũng cao hơn so với mọi năm, nông dân rất phấn khởi.
-
Kinh tế Việt Nam
Đại sứ Khamphao Ernthavanh: Việt Nam đã giúp Lào hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN
15:08'
Nhân dịp năm mới 2025, Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN về quan hệ giữa hai nước trong năm 2024, đề xuất các lĩnh vực hợp tác tiềm năng các năm tiếp theo.
-
Kinh tế Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Tổ chức hoàn thiện pháp luật phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
12:48'
Sáng 13/1, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trình bày báo cáo chuyên đề “Chủ trương, giải pháp về thể chế, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm: Nghị quyết 57 sẽ tạo bước đột phá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh
12:47'
Sáng 13/1, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự, chỉ đạo Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tại điểm cầu Trung ương.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW bằng những bước đi mạnh mẽ, bài bản
12:35'
Sáng 13/1, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
-
Kinh tế Việt Nam
Đề xuất giảm áp lực chi phí đầu vào cho doanh nghiệp
11:45'
Để giảm áp lực chi phí đầu vào của doanh nghiệp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn vốn sản xuất kinh doanh; 42% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
-
Kinh tế Việt Nam
Vụ ngư dân Việt Nam được cứu khỏi tàu chìm: 18 ngư dân chuẩn bị về nước
11:37'
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia cho biết đêm 12/1, 18 ngư dân Việt Nam gặp nạn trên biển một ngày trước đã nhập cảnh Malaysia trong điều kiện sức khỏe tốt.
-
Kinh tế Việt Nam
Lâm Đồng: Đấu giá 36 mỏ khoáng sản giải quyết tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng
11:17'
Tỉnh Lâm Đồng chuẩn bị tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đối với 36 điểm mỏ chưa thăm dò, đánh giá trữ lượng, trong đó có 22 mỏ đất san lấp.
-
Kinh tế Việt Nam
Ngư dân kỳ vọng bội thu chuyến biển cuối năm
11:07'
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con ngư dân tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tích cực vươn khơi bám biển để phát triển kinh tế.