Vén màn bí mật có thể khiến giá dầu một lần nữa “bốc hỏa”

06:30' - 23/11/2023
BNEWS Giá dầu trong trung và dài hạn tới vẫn có thể bùng nổ với nhiều ẩn số, do sự leo thang bất ổn về địa chính trị có thể đóng một vai trò quan trọng và cần được xem xét nghiêm túc.

Giá dầu vẫn có nguy cơ "bốc hỏa" chủ yếu do những nguyên nhân nào? Chuyên gia chính trị quốc tế Violetta Silvestri từng làm việc cho Liên hiệp quốc (LHQ) đã có bài đánh giá về vấn đề này trên trang money.it. Nội dung như sau:

Giá dầu cho tới thời điểm hiện tại vẫn nằm trong tầm kiểm soát, mặc dù xung đột Israel-Hamas đã cảnh báo ngành này về nguy cơ có thể bị hạn chế nguồn cung từ Trung Đông.

Vào ngày 17/11, giá dầu thô Brent tăng lên 80 USD/thùng và giá dầu WTI giao kỳ hạn lên 75 USD/thùng. Các mức giá này không phải là điều đáng lo ngại và còn lâu mới đạt đến đỉnh trên 100 USD/thùng, từng xảy ra vào năm 2022. Trong khi các nhà đầu tư chủ yếu quan sát động thái từ phía nhu cầu với lo ngại về suy thoái kinh tế lan rộng, thì mối đe dọa thâm hụt nguồn cung đang mất dần sức mạnh.

 

Tuy nhiên, phân tích trung hạn cho thấy giá dầu vẫn có thể bùng nổ với nhiều ẩn số. Vấn đề địa chính trị có thể đóng một vai trò quan trọng, trong đó các yếu tố Iran và Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cần được xem xét nghiêm túc.

Nguy cơ tiềm ẩn

Việc mở rộng xung đột Israel-Hamas sang Iran sẽ đánh dấu sự leo thang nguy hiểm vì nhiều lý do, trong số đó nổi bật là vấn đề giá dầu.

Nguy cơ xung đột với lực lượng Hamas ở miền nam Israel sẽ lan sang xung đột với Hezbollah ở biên giới phía Bắc của Israel và Lebanon đã làm dấy lên lo ngại rằng Mỹ sẽ trừng phạt hoạt động xuất khẩu dầu của Iran.

Giống như Nga, phần lớn ngân sách của Cộng hòa Hồi giáo Iran đến từ xuất khẩu dầu mỏ. Trả lời hãng tin Bloomberg hôm 15/11, Cố vấn năng lượng Nhà Trắng Amos Hochstein cho biết Mỹ đang có ý định áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran và những biện pháp trên sẽ làm giảm xuất khẩu dầu của nước này. Ông Hochstein cũng giải thích rằng cách tốt nhất để giảm nguồn thu ngoại tệ ở Iran là hạn chế xuất khẩu dầu của quốc gia này, đồng thời đảm bảo giá loại hàng hóa này thấp hơn.

Với việc giá dầu giảm, vẫn chưa rõ việc mất đi nguồn cung từ Iran có thể gây ra tác động gì. Tuy nhiên, một động thái làm giảm xuất khẩu dầu của Iran gần như chắc chắn sẽ khiến giá cả tăng.

Nhà phân tích thị trường dầu mỏ của công ty Kpler, ông Matt Smith ước tính Iran hiện đang xuất khẩu khoảng 1,5 triệu thùng dầu/ngày trong khi sản xuất tới 3,4 triệu thùng dầu/ngày- mức cao nhất trong nhiều năm. Nếu Mỹ thực hiện lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Iran thì sẽ dẫn tới việc loại bỏ 1,5 triệu thùng dầu/ngày ra khỏi thị trường toàn cầu. Điều này có thể khiến giá dầu tăng thêm 10 USD/thùng.

Chuyên gia này cũng cho biết dầu thô Iran đang giữ nguồn cung toàn cầu ổn định. Với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra trong năm 2024, chính quyền Tổng thống Joe Biden “đang tập trung vào việc giữ giá dầu ở mức thấp”. Chính vì vậy, nước Mỹ khó có thể đưa ra một động thái trừng phạt hoạt động xuất khẩu dầu của Iran mà làm đảo lộn thị trường dầu mỏ.

Phản ứng từ OPEC

 

OPEC và đối tác (OPEC+) sẽ họp vào ngày 26/11. Đây sẽ là một cuộc họp rất thú vị để tìm hiểu liệu có những thay đổi nào trong chính sách sản xuất dầu của nhóm này hay không.

Saudi Arabia được cho là đang chuẩn bị gia hạn cắt giảm sản lượng dầu sang năm 2024. OPEC+ cũng đang xem xét cắt giảm sản lượng sâu hơn để ứng phó với giá giảm và sự “bất mãn” ngày càng tăng đối với xung đột Israel-Hamas.

Theo nguồn tin do tạp chí Financial Times thu thập được, Chính phủ Saudi Arabia sẽ gia hạn kế hoạch cắt giảm 1 triệu thùng dầu mỗi ngày ít nhất cho đến mùa Xuân năm sau. Biện pháp tự nguyện được Saudi Arabia đưa ra vào mùa Hè năm nay và là sự bổ sung vào khoản cắt giảm sản lượng theo kế hoạch của OPEC sẽ hết hạn vào cuối năm 2023. Hiện Saudi Arabia sản xuất khoảng 9 triệu thùng dầu/ngày, thấp hơn đáng kể so với mức cao khoảng 12 triệu thùng/ngày trước đây.

Việc OPEC cắt giảm thêm sản lượng có thể gây bất đồng với Mỹ song đang được khối này xem xét. Mặc dù giá dầu giảm được coi là nguyên nhân chính dẫn tới quyết định giảm sản lượng dầu thô của OPEC, nhưng các thành viên khối này cũng tỏ ra rất quan ngại trước xung đột Israel- Hamas và cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza.

Theo chuyên gia Christyan Malek của ngân hàng JPMorgan, OPEC+ có thể cắt giảm thêm 1 triệu thùng mỗi ngày để ngăn chặn “sự suy yếu nhu cầu tiềm tàng” trong nửa đầu năm 2024. Trong khi đó, các chuyên gia cho biết chương trình cải cách kinh tế của Thái tử Mohammed bin Salman ở Saudi Arabia đòi hỏi giá dầu phải ở mức gần 100 USD/thùng.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng các thành viên OPEC+ sẽ tiến hành kế hoạch này một cách thận trọng. Bởi lẽ OPEC+ đang nhận thức được vai trò ngày càng tăng của họ trên trường quốc tế.      

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục