Vì sao EU không hài lòng với biện pháp trừng phạt Nga của Mỹ?

07:03' - 10/08/2017
BNEWS Theo trang mạng vz.ru, biện pháp trừng phạt Nga mà Mỹ thông qua lại có lợi cho Nga vì đây cũng là bước đi chống châu Âu, có nghĩa là làm sâu sắc thêm xung đột bên trong phương Tây.
Vì sao EU không hài lòng với biện pháp trừng phạt Nga của Mỹ? Ảnh: Reuters

Liên minh châu Âu (EU) không hài lòng với luật này vì nó động chạm đến “quyền lợi của EU trong lĩnh vực an ninh năng lượng”. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker trước đó đã nói rằng nguyên tắc “Nước Mỹ trên hết” không có nghĩa là đặt châu Âu ở vị trí cuối cùng, đồng thời nhấn mạnh "hiện EU sử dụng tất cả các kênh ngoại giao để bày tỏ quan ngại của mình đến Mỹ và các đồng minh”.

Ông cho biết thêm EU hoàn toàn đồng ý với chính sách trừng phạt Nga, song điều kiện chủ yếu để thực hiện thỏa thuận Minsk, theo ông, là “sự đồng thuận về các biện pháp trừng phạt trong khuôn khổ G7 và hợp tác chặt chẽ với các nước đồng minh”.

Gói biện pháp trừng phạt Nga đề cập đến đường ống dẫn khí đốt đi từ lãnh thổ Nga chứ không phải đường ống đi qua lãnh thổ Nga. Song điều đó cũng không thay đổi bản chất, và vì vậy những sửa đổi được thông qua giữa Mỹ và các đối tác châu Âu không đủ để khiến châu Âu an lòng. Trong luật vẫn giữ những từ ngữ phản đối xây dựng Dòng chảy phương Bắc-2 và đó chính là sự can thiệp vào công việc nội bộ của châu Âu.

Mỹ có thể sử dụng bất đồng tại chính EU, cụ thể là quan điểm của Ba Lan phản đối dự án Dòng chảy phương Bắc-2 để ép châu Âu trong vấn đề này hay không? Tất nhiên là không. Châu Âu không nghe theo chỉ dụ của Mỹ, hơn thế nữa sự can thiệp công khai như vậy vào công việc của châu Âu chỉ càng thúc đẩy họ thực hiện dự án xây dựng tuyến đường ống mới.

Có thể nói rằng Mỹ đã tặng một món quà cho cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder (người đứng đầu hội đồng giám đốc công ty xây dựng tuyến đường ống) và nước Nga. Giờ đây những người phản đối tuyến đường ống tại EU sẽ càng khó “chọc gậy bánh xe” bởi Mỹ đã đi quá mọi ranh giới.

Bằng chứng về mức độ bất bình cao nhất của các lãnh đạo châu Âu trước sự can thiệp của Mỹ có thể nhìn thấy qua tuyên bố rất bức xúc hồi tháng trước của Ngoại trưởng Đức và Thủ tướng Áo.

Chỉ một tuần trước khi Quốc hội Mỹ bỏ phiếu, một trong những chuyên gia về Mỹ của Đức, cựu đại sứ Đức tại Mỹ Wolfgang Ischinger, hiện đang chủ trì hội nghị an ninh tại Munich, đã điềm nhiên giải thích nguyên nhân khiến châu Âu bất bình.

Trong bài viết “Vì sao châu Âu phản đối biện pháp trừng phạt Nga” đăng trên tờ The Wall Street Journal, ông Ischinger  cho rằng quan điểm chung chống lại Nga mà Mỹ và châu Âu ủng hộ từ năm 2014, khi Moskva sáp nhập Crimea, đang bị đe dọa. Châu Âu và Mỹ hành động cùng lúc, sao cho không bên nào tận dụng được thị trường và khả năng thương mại trước đó thuộc về bên kia.

Lối tiếp cận xuyên Đại Tây Dương đó ngày nay đang bị đe dọa do Mỹ muốn đơn phương áp đặt biện pháp bổ sung mà không có sự nhất trí và bất chấp mong muốn của châu Âu và các đồng minh then chốt của Mỹ, bao gồm Đức, Pháp và Italy.

Dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc-2 là cái đích của các biện pháp trừng phạt Nga của Mỹ. Ảnh: Reuters

Việc dự án Dòng chảy phương Bắc-2 nằm trong tầm ngắm trừng phạt của Mỹ đã thể hiện ý định của Mỹ trong việc muốn châu Âu phải chuyển sang dùng khí đốt của mình. Trong chương 257 về ưu tiên luật nói đến "xuất khẩu năng lượng từ Mỹ nhằm tạo việc làm". Châu Âu nhìn thấy trong đó nỗ lực không thân thiện của Mỹ nhằm quảng bá cho xuất khẩu khí đốt hóa lỏng sang châu Âu.

Tuy nhiên, đích ngắm của các biện pháp trừng phạt này là dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc-2 đang chuẩn bị được xây dựng từ Nga sang Đức. Các công ty Nga và châu Âu sẽ tham gia vào dự án này. Có không ít lý lẽ giải thích vì sao châu Âu nên đa dạng hóa nguồn cung khí đốt, song nỗi sợ hãi trước sự phụ thuộc vào Dòng chảy phương Bắc-2 đã bị phóng đại.

Theo ông Ischinger, đây à vấn đề của châu Âu, và nó phải do châu Âu giải quyết, dựa vào luật pháp, quy định và quy tắc của châu Âu. Mỹ sẽ phản ứng thế nào nếu như châu Âu thông qua luật về ưu và khuyết điểm của tuyến đường ống Keystone XL, đặc biệt là nếu luật chỉ đáp lại lợi ích của châu Âu?

Đối với châu Âu, ngừng nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga là điều khó khăn bởi không có khả năng nào khác có thể thay thể được nguồn cung này về khối lượng.

Suốt 2 năm rưỡi Mỹ trói tay châu Âu trong những án phạt chống Nga, và rồi đột nhiên Nhà Trắng xuất hiện một vị Tổng thống lại đề cập đến đến khả năng bãi bỏ các biện pháp cấm vận.

Tình huống này nghịch lý ở chỗ Tổng thống Donald Trump được châu Âu coi là nhân vật phản đối sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương và ủng hộ xích lại gần Nga, còn Quốc hội Mỹ, lại là bên ủng hộ tình đoàn kết Đại Tây Dương và chống lại ảnh hưởng của Nga.

Trong cuộc đấu với ông Trump, châu Âu phải là đồng minh của nghị viện mới phải, song chính các nhà lập pháp Mỹ lại công khai lấn ép "lục địa già". Quốc hội Mỹ nhắm đến ông Trump và nước Nga, song lại nhằm trúng cả vào châu Âu.

Với các lệnh trừng phạt mới, Mỹ lại một lần nữa cho thấy rằng họ không còn ở vị thế lãnh đạo, mà vi phạm quyền lợi của chính các quốc gia đồng minh thân cận. Các lệnh trừng phạt đối với các công ty của Đức đã từ lâu có trong chính sách của Mỹ. Ủy ban châu Âu đã không giấu được sự bất mãn đối với các hành động đơn phương của Mỹ và sẽ phản ứng đối với việc vi phạm quyền lợi của họ.

Bên cạnh đó, Mỹ cho thấy sự xói mòn trong cơ chế trừng phạt, đánh mất đi nguyên tắc từ đầu là sự đồng thuận Mỹ-EU. Washington không chỉ không đàm phán với Brussels về các bước đi của mình mà còn áp đặt những hạn chế nghiêm khắc đối với EU.

Đối với Nga, điều này có thể lại mở ra cơ hội phát triển quan hệ với các đối tác then chốt châu Âu cùng bị ảnh hưởng bởi các lệnh cấm vận của Mỹ. Mặt khác, Mỹ đã đánh mất cơ hội hợp tác với Nga. Điều này buộc Moskva phải xích lại gần Trung Quốc hơn nữa trong mọi lĩnh vực, bao gồm lĩnh vực an ninh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục