Vì sao giới đầu tư toàn cầu "ưu ái" chứng khoán Ấn Độ hơn Trung Quốc?

05:30' - 26/01/2024
BNEWS Kinh tế Ấn Độ vừa ghi nhận một dấu mốc mới: lần đầu tiên thị trường chứng khoán nước này đã vượt qua Hong Kong (Trung Quốc) và trở thành thị trường lớn thứ tư trên thế giới.

Theo dữ liệu do hãng tin Bloomberg tổng hợp, giá trị các cổ phiếu niêm yết trên các sàn giao dịch Ấn Độ đã đạt 4.330 tỷ USD tính đến cuối ngày 22/1, vượt so với mức 4.290 tỷ USD của Hong Kong. Điều đó đã đưa Ấn Độ trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ tư trên toàn cầu.

Giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán của Ấn Độ lần đầu tiên vượt qua 4.000 tỷ USD vào ngày 5/12, với khoảng một nửa trong số giá trị đó đến trong 4 năm qua.

Một trong những lý do chính đằng sau đà tăng ấn tượng của chứng khoán Ấn Độ là nhờ cơ sở nhà đầu tư bán lẻ tăng nhanh và thu nhập doanh nghiệp cao. Quốc gia đông dân nhất thế giới này đã định vị mình là một điểm đến thay thế cho Trung Quốc nhằm thu hút nguồn vốn mới từ các nhà đầu tư và công ty toàn cầu, nhờ vào nền chính trị ổn định và nền kinh tế định hướng tiêu dùng. Ấn Độ hiện thuộc nhóm các quốc gia lớn phát triển nhanh nhất thế giới.

Đà tăng không ngừng nghỉ của chứng khoán Ấn Độ trùng hợp diễn ra cùng với đợt sụt giảm lịch sử ở Hong Kong, nơi niêm yết một số công ty sáng tạo và có ảnh hưởng nhất Trung Quốc. Một loạt yếu tố - bao gồm các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt chống dịch COVID-19, các biện pháp quản lý chặt chẽ đối với các tập đoàn công nghệ, căng thẳng địa chính trị - đã làm xói mòn sức hấp dẫn của Trung Quốc với tư cách là động lực tăng trưởng của thế giới.

Những lo lắng về nhu cầu tiêu dùng yếu và cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng gây thiệt hại nặng nề cho thị trường nước này. Tổng giá trị thị trường của chứng khoán Trung Quốc và Hong Kong đã giảm hơn 6.000 tỷ USD kể từ mức đỉnh vào năm 2021. Cũng không còn nhiều công ty tổ chức niêm yết mới tại Hong Kong, khi thành phố này mất đi vị thế là một trong những địa điểm bận rộn nhất thế giới cho các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Ngược lại, Ấn Độ nổi lên là một trong những quốc gia có thành tích IPO hàng đầu vào năm 2023. Quốc gia này đã chứng kiến 46 đợt niêm yết mới và huy động được tổng cộng 7,1 tỷ USD trong năm. Trong tỷ trọng vốn huy động được thông qua IPO trên toàn cầu, tỷ trọng của Ấn Độ đã tăng từ 4,1% của năm 2022 lên 5,6% vào năm 2023.

 
Tuy nhiên, một số chiến lược gia vẫn kỳ vọng về một sự thay đổi. Theo một báo cáo của UBS Group AG, tập đoàn tài chính này nhận thấy chứng khoán Trung Quốc vượt trội so với các chứng khoán cùng ngành của Ấn Độ vào năm 2024. Vì mức định giá thấp của chứng khoán Trung Quốc cho thấy tiềm năng tăng giá đáng kể khi tâm lý có sự cải thiện, trong khi cổ phiếu Ấn Độ đang ở mức “khá cực đoan”.

Một báo cáo ngắn gửi tới khách hàng của công ty tài chính Bernstein cũng cho thấy kỳ vọng thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ phục hồi và khuyến nghị chốt lời đối với chứng khoán Ấn Độ, vốn được coi là đắt đỏ. Dù vậy, lợi thế vẫn đang thuộc về chứng khoán Ấn Độ.

Sự thận trọng đối với Trung Quốc và Hong Kong vẫn tồn tại trong bối cảnh thiếu các biện pháp kích thích kinh tế lớn. Chỉ số Hang Seng China Enterprises, thước đo cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong, đã giảm khoảng 13% sau khi kết thúc năm 2023 với chuỗi giảm theo năm dài kỷ lục với bốn năm liên tiếp. Chỉ số này đang giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai thập kỷ, trong khi các chỉ số chính của Ấn Độ đang được giao dịch gần mức cao kỷ lục.

Những nhà đầu tư nước ngoài từng đặt cược vào kinh tế Trung Quốc đang gửi tiền của họ cho đối thủ Nam Á của nước này. Theo một nghiên cứu gần đây của tổ chức tư vấn tài chính phi lợi nhuận OMFIF có trụ sở tại London, Anh quốc, các nhà quản lý lương hưu và tài sản có chủ quyền trên toàn cầu cũng được cho là có thiện cảm với Ấn Độ hơn.

Riêng trong năm 2023, các quỹ nước ngoài đã rót hơn 21 tỷ USD vào cổ phiếu Ấn Độ, giúp chỉ số S&P BSE Sensex chuẩn của nước này ghi nhận năm tăng thứ tám liên tiếp.

Trong khi các vấn đề kinh tế của Trung Quốc có thể gây áp lực giảm sút triển vọng tăng trưởng của nhiều nước ở châu Á và ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán của họ, các nhà phân tích cho rằng Ấn Độ sẽ vẫn kiên cường.

Ngân hàng Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo tháng 11/2023 rằng Ấn Độ có ít mối liên kết kinh tế nhất với nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc. Hơn nữa, chứng khoán Ấn Độ thể hiện mức độ nhạy cảm về giá thấp nhất trước sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc trong khu vực châu Á.

Quốc gia đông dân nhất thế giới này cũng ít nhạy cảm hơn với các rủi ro kinh tế toàn cầu khác, một phần vì các nhà đầu tư tổ chức và bán lẻ trong nước đang ngày càng có ảnh hưởng lớn ở Ấn Độ. Goldman Sachs cho rằng dòng vốn nội địa sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường và hạn chế mọi nguy cơ sụt giảm lớn dù có những rủi ro thị trường toàn cầu.

Trong một ghi chú tháng 12/2023, ngân hàng Nomura của Nhật Bản cũng cho biết, Ấn Độ ít phải đối mặt với khả năng suy thoái thương mại toàn cầu. Thậm chí, Ấn Độ có thể là “đối trọng với thị trường khu vực Bắc Á nếu tình trạng suy thoái ở các nền kinh tế phương Tây xảy ra và đà phục hồi của Trung Quốc tiếp tục gây thất vọng.

Nomura cho biết, Ấn Độ đang có những cổ phiếu chất lượng cao mặc dù đắt đỏ, đồng thời nền kinh tế Nam Á này cũng có thể được hưởng lợi từ việc các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc.

Dù vậy, vẫn có những yếu tố bất lợi cho chứng khoán Ấn Độ trong năm 2024, bao gồm một cuộc tổng tuyển cử dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng Tư và tháng Năm, sức tiêu dùng tư nhân suy yếu trong khi chi tiêu công khó có thể bù đắp sự suy giảm này vì nợ chính phủ vẫn ở mức cao.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục