Vì sao Mỹ muốn “cấm cửa” ứng dụng TikTok của Trung Quốc?

05:30' - 14/07/2020
BNEWS Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Chính quyền của ông đang xem xét việc cấm ứng dụng chia sẻ các video ngắn TikTok tại Mỹ.
Biểu tượng TikTok trên màn hình điện thoại di động tại Arlington, Virginia, Mỹ, ngày 13/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN 

Theo ông Trump, việc cấm TikTok là “một trong nhiều cách” mà ông có thể trả đũa Bắc Kinh liên quan đến đại dịch COVID-19.

Ứng dụng TikTok của Trung Quốc cho phép tải các clip có độ dài từ 15 đến 60 giây, thường là các clip hài và vui nhộn, về tất cả các lĩnh vực từ dạy trang điểm đến các động tác múa. Tuy nhiên, khi ngày càng được ưa chuộng tại Mỹ, TikTok cũng chịu sự giám sát ngày càng chặt chẽ của chính phủ nước này.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox News ngày 7/7, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khẳng định quan điểm nhất quán và mạnh mẽ của Chính quyền Tổng thống Donald Trump trong chính sách bảo vệ các lợi ích của nước Mỹ.

Viện dẫn lập trường cứng rắn của Washington đối với tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc là Huawei Technologies, ông Pence nhấn mạnh "các thực thể này - cho dù đó là Huawei và thậm chí có thể cả TikTok - đều được xem là những nguy cơ đe dọa quyền riêng tư và an ninh của đất nước này (nước Mỹ), vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn".

Tuyên bố trên được ông Pence đưa ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết, Washington đang xem xét việc cấm các ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc hoạt động tại Mỹ, trong đó bao gồm cả TikTok, do lo ngại nền tảng trực tuyến này có thể chia sẻ thông tin với Chính phủ Trung Quốc - một cáo buộc mà phía TikTok kiên quyết phủ nhận.

Các nhà lập pháp Mỹ đã lưu tâm tới những mối lo ngại về an ninh quốc gia khi nền tảng trực tuyến chia sẻ các video ngắn TikTok nắm trong tay dữ liệu người dùng và luật pháp Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp của nước này phải "hỗ trợ và hợp tác trong công tác tình báo".

Phát ngôn viên của công ty cho biết TikTok được lãnh đạo bởi một CEO người Mỹ, có rất nhiều nhân viên khắp thế giới, và chưa bao giờ cung cấp dữ liệu người dùng cho Chính phủ Trung Quốc.

*Ai là chủ sở hữu TikTok?

Công ty mẹ của TikTok là ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Tuy nhiên, công ty được đăng ký chính thức tại Quần đảo Cayman. ByteDance, một trong những nền tảng kỹ thuật số tăng trưởng nhanh chưa từng có, bị giám sát trong các vấn đề như xử lý dữ liệu người dùng.

ByteDance có hai sản phẩm chính là Douyin và TikTok hoạt động trên các máy chủ khác nhau. Trên thực tế, ứng dụng chia sẻ video ngắn Douyin là phiên bản Trung Quốc của TikTok. TikTok được lãnh đạo bởi cựu Giám đốc điều hành khối dịch vụ phát trực tuyến của Walt Disney - ông Kevin Mayer. Ông cũng giữ chức COO - Giám đốc điều hành hoạt động của ByteDance.

ByteDance có khoảng 60.000 nhân viên. Công ty sở hữu 15 trung tâm nghiên cứu trên khắp thế giới và văn phòng đại diện tại 126 thành phố, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Los Angeles, New York, London, Paris, Berlin, Dubai, Mumbai, Singapore, Jakarta, Seoul và Tokyo. ByteDance sở hữu cả những ứng dụng di động khác như Toutiao, BaBe, Lark.. Tuy nhiên, riêng TikTok đã trở thành một ứng dụng nổi tiếng trong giới trẻ trên toàn thế giới. Ứng dụng này có hơn 1 tỷ người dùng tại 150 quốc gia. Chỉ riêng tại Mỹ, ứng dụng đã được tải xuống hơn 165 triệu lần.

Như vậy, một công ty từ Trung Quốc đã trở thành công ty khởi nghiệp có giá trị lớn nhất thế giới. ByteDance đạt giá trị thị trường 150 tỷ USD và thu hút khoảng 1,5 tỷ người dùng hàng tháng cho tất cả các ứng dụng của công ty.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

* TikTok phổ biến nhất ở những nước nào?

Các thị trường nước ngoài quan trọng nhất đối với TikTok là Mỹ và Ấn Độ, nơi ByteDance có nhiều người dùng tích cực nhất (ngoài Trung Quốc).

Có lẽ do sự phổ biến rộng lớn và ảnh hưởng xã hội của công ty, các quốc gia này chĩa mũi nhọn chính trị vào TikTok. Sau khi mối quan hệ Trung-Ấn trở nên căng thẳng hơn do cuộc xung đột biên giới, Ấn Độ đã áp đặt lệnh cấm sử dụng TikTok ở nước này, không chỉ đối với việc tải xuống ứng dụng mà còn cho tất cả những người dùng khác đã cài đặt nó. 

New Delhi đã giải thích rằng quyết định này được áp dụng bởi sản phẩm phần mềm được phát triển ở Trung Quốc có thể đe dọa an ninh quốc gia của Ấn Độ và an toàn dữ liệu cá nhân của người dùng Ấn Độ. 

Giờ đây Washington cũng bày tỏ sự lo ngại về an ninh quốc gia do ứng dụng TikTok. Trước đây, Mỹ đã cấm các quân nhân và quan chức sử dụng TikTok. Và theo Bloomberg, Mỹ đang xem xét việc cấm ứng dụng TikTok tại Mỹ.

Như đã đề cập trước đây, TikTok đã phát triển quá nhanh, kết quả là có phản ứng gay gắt của các đối thủ, những người sử dụng các phương pháp chính trị để chống lại công ty. Tuy nhiên, điều này cho thấy rằng các quy luật của thị trường vấp phải rảo cản ở các quốc gia đang hạn chế hoạt động bình thường của các công ty. 

Ông Wang Peng, Phó Giáo sư tại Viện Nghiên cứu tài chính Chungyang, Đại học Nhân dân Trung Hoa, nhận xét trong cuộc phỏng vấn của Sputnik rằng, nếu nói về ứng dụng di động cụ thể, TikTok đã tăng trưởng vượt bậc và trở nên rất phổ biến. Tuy nhiên, vì được phát triển bởi công ty từ một quốc gia mà Mỹ coi là đối thủ, ứng dụng này tự động trở thành mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. 

Ông Wang Peng cho rằng đây là một sự lạm dụng các công cụ chính trị. Trong trường hợp này Mỹ hành động không phải như một nền kinh tế thị trường. Washington có thể dễ dàng sử dụng các biện pháp hành chính để phá hủy cạnh tranh thị trường bình thường.

Về cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ, ông Wang Peng nhận định Mỹ đã gây áp lực lên Trung Quốc trong một số lĩnh vực cụ thể như khoa học và công nghệ, kinh tế và thương mại, đặc biệt là công nghệ thông tin, lĩnh vực kỹ thuật số. Điều này gây áp lực lên các công ty công nghệ Trung Quốc có tầm ảnh hưởng quốc tế nhất định. 

Mỹ hiện đang sử dụng các phương pháp cạnh tranh bất hợp pháp và không công bằng để giành lợi thế và kiềm chế sự phát triển của các công ty Trung Quốc. Do đó, đây là cạnh tranh không lành mạnh. 

*Liệu TikTok có thể đe dọa an ninh quốc gia Mỹ?

Mỹ chưa cung cấp bằng chứng cụ thể về việc TikTok là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Theo quan điểm của Washington, vì TikTok thuộc sở hữu một công ty Trung Quốc, nên theo Luật An ninh quốc gia của Trung Quốc, mọi thông tin và dữ liệu người dùng có thể chuyển sang máy chủ của các cơ quan đặc nhiệm Trung Quốc. 

Tuy nhiên, TikTok cho biết công ty kiểm duyệt nội dung theo cách tương tự như các ứng dụng nước ngoài khác, bao gồm Facebook, Youtube... Trong khi đó, Ủy ban Thương mại Liên bang và Bộ Tư pháp Mỹ đang xem xét các cáo buộc cho rằng ứng dụng TikTok - thuộc quản lý của công ty ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc - đã không tuân thủ thỏa thuận năm 2019 về bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em.

Hồi đầu năm, có thông tin cho hay vì có những người dùng ở độ tuổi 13 hoặc nhỏ hơn, theo luật pháp Mỹ về bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em, việc thu thập dữ liệu về những người dùng này chỉ có thể được thực hiện nếu có sự đồng ý của cha mẹ họ. Khi đó, TikTok tuyên bố công ty không ngừng cải tiến hệ thống bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng và sẵn sàng đưa ra một số hạn chế về quyền truy cập cho người dùng dưới 13 tuổi.

Cho đến nay, Mỹ chưa đưa ra được lý do thuyết phục để cấm TikTok. Mặt khác, kinh nghiệm của những công ty Trung Quốc cho thấy rằng, Washington không phải lúc nào cũng đòi hỏi phải có bằng chứng vững chắc để ban bố các lệnh cấm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục