Vì sao Sóc Trăng khó khăn trong thu hoạch mía?

07:58' - 28/04/2018
BNEWS Thiếu nhân công, phương tiện vận chuyển, giá mía thấp, năng suất giảm… khiến việc thu hoạch mía niên vụ 2017–2018 ở Cù Lao Dung, vùng chuyên canh mía lớn nhất của tỉnh Sóc Trăng chậm hơn mọi năm.
Nông dân Cù Lao Dung thu hoạch mía. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Hiện nay, toàn huyện Cù Lao Dung đã thu hoạch hơn 4.000 ha diện tích mía, chiếm trên 63% diện tích cây trồng và nhiều diện tích mía đã đến ngày thu hoạch vẫn trơ gốc ngoài đồng.

Mặt khác, năm nay năng suất mía giảm khoảng 30 tấn/ha so với các niên vụ trước, trung bình đạt 120 tấn/ha; giá mía thu mua tại ruộng hiện nay từ 400 – 650 đồng/kg; giá thu mua tại nhà máy là 900 đồng/kg đối với mía 10 chữ đường, giảm 200 đồng/kg so với các năm trước.

Như vậy, nông dân lỗ khoảng 20 – 30 triệu đồng/ha mía. Nhiều ruộng mía sâu trong nội đồng, xa đường vận chuyển càng khó khăn hơn trong việc tìm kiếm thương lái thu mua. Khó khăn chồng chất khó khăn khiến nhiều nông dân không mặn mà thu hoạch mía.

Ông Nguyễn Văn Nhường, ấp Văn Sáu, xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung cho biết, so với mọi năm, năm nay gia đình ông đốn mía muộn hơn 1 tháng.

Giá ghe năm nay tăng cao, phí vận chuyển từ 80.000 đồng/tấn mía tăng lên 110.000 đồng/tấn mía, nhưng vẫn không đủ ghe cho người dân thu hoạch. Nếu để mía lâu, gia đình ông sợ chữ đường mía sẽ giảm.

Cùng nỗi lo với ông Nguyễn Văn Nhường, gia đình anh Nguyễn Hoàng Minh, xã Đại Ân 1 còn hơn 2 ha mía chưa thu hoạch ngoài đồng. Giá mía thấp, tiền nhân công tăng, tiền ghe tăng, nhà máy mía đường trừ tạp chất cao hơn mọi năm nên niên vụ mía 2018 – 2019, gia đình anh không còn vốn để tái đầu tư, dự định sẽ chuyển sang nuôi trồng đối tượng khác.

Bên cạnh đó, một lý do khác là năm nay các nhà máy mía đường nghỉ Tết dài ngày, hoạt động chậm khiến nhiều ghe chở mía bị ùn ứ, lượng mía bị ứ đọng tại nhà máy còn nhiều.

Như vậy, niên vụ mía 2017 – 2018 được coi là năm thứ 3 liên tiếp người trồng mía huyện Cù Lao Dung gặp khó khăn, thua lỗ.

Trước đó, niên vụ mía 2015 – 2016, trên địa bàn huyện xảy ra đợt hạn hán lịch sử khiến hàng ngàn ha mía mất trắng; niên vụ mía 2016 – 2017, người dân chật vật với giá cả và thiếu nhân công thu hoạch.

Chuyển đổi diện tích trồng mía kém hiệu quả, xa đường vận chuyển sang các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp; kiến nghị với nhà máy đẩy nhanh tiến độ hoạt động, lấy mía từ ghe lên và tiếp tục bao tiêu cho người dân là những giải pháp mà chính quyền huyện Cù Lao Dung đang triển khai nhằm tháo gỡ khó khăn cho người trồng mía.

Hiện nay, ở các xã, thị trấn trên địa bàn đã thành lập các tổ cung ứng lao động, khoảng 30 người/tổ/ấp để hỗ trợ người dân về nhân công trong thu hoạch mía.

Ông Đồ Văn Thừa, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng cho biết, địa phương đã làm việc, đề xuất các nhà máy mía đường trong và ngoài tỉnh kéo dài thời gian hoạt động nhằm giúp nông dân thu hoạch hết diện tích mía tại Cù Lao Dung.

Đồng thời, huyện kêu gọi các lao động, chủ phương tiện từ các địa phương khác đến Cù Lao Dung giúp nông dân thu hoạch, vận chuyển mía đến nhà máy; tuyên truyền, vận động nông dân sớm thu hoạch mía trên ruộng với mục tiêu 50 – 60 ha mía/ngày./.

Xem thêm:

>>>Mía đường trước sức ép hội nhập: "Làm mới" cây mía Lam Sơn

>>>Mía đường trước sức ép hội nhập: Tây Nguyên loay hoay tìm lối cho cây mía

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục