Vì sao Trung Quốc hạn chế phản ứng tiền tệ đối với các vấn đề kinh tế?

05:30' - 08/05/2022
BNEWS Trung Quốc luôn theo dõi chặt chẽ giá trị của đồng NDT so với đồng USD và rổ tiền tệ của các đối tác thương mại, đồng thời hạn chế bất kỳ biến động mạnh nào.

Là một trong những thị trường mới nổi nhưng với sức ảnh hưởng lớn trên toàn cầu, những lợi thế về công nghệ trong một số lĩnh vực và thậm chí cả lãi suất trái phiếu thấp, kinh tế Trung Quốc luôn có một vị thế khác biệt so với các nước khác thuộc nhóm này.

Tuy nhiên, theo tạp chí The Economist của Anh, có ít nhất một khía cạnh khiến Trung Quốc giống với một thị trường mới nổi cổ điển, đó là việc nước này vẫn lo ngại về việc thả nổi đồng nhân dân tệ (NDT).

Trung Quốc luôn theo dõi chặt chẽ giá trị của đồng NDT so với đồng USD và rổ tiền tệ của các đối tác thương mại, đồng thời hạn chế bất kỳ biến động mạnh nào.

Trong phần lớn thời gian của năm qua, người ta đã lo ngại rằng đồng NDT tăng quá cao. Những nỗ lực từng giúp Trung Quốc đẩy lùi các biến thể COVID-19 đã giúp các nhà máy mở cửa trong khi biên giới đóng cửa.

Điều đó cho phép xuất khẩu bùng nổ, gây áp lực tăng giá đối với đồng NDT, thậm chí du lịch ra nước ngoài và các dịch vụ nhập khẩu khác bị ảnh hưởng, giúp loại bỏ một nguồn áp lực giảm giá. Đồng NDT tăng giá mạnh so với rổ tiền tệ của các đối tác thương mại và tăng nhẹ so với đồng USD, một đồng tiền đang mạnh lên.

Giờ đây, cuộc chiến "Không COVID" (Zero COVID) của Trung Quốc đang góp phần vào sự suy yếu đột ngột của đồng NDT. Theo công ty tư vấn Gavekal Dragonomics, các lệnh phong tỏa đủ nghiêm ngặt để cản trở hoạt động sản xuất đã được áp dụng đối với Thượng Hải và các thành phố khác, những nơi đóng góp đến trên 9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Điều này khiến các số liệu kinh tế trong tháng 4/2022 của nước này ảm đạm.

Căng thẳng ở Ukraine đã góp phần tạo ra dòng vốn rời khỏi thị trường trái phiếu và cổ phiếu Trung Quốc, khi các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá lại rủi ro khi đầu tư vào các quốc gia có mâu thuẫn địa chính trị với phương Tây.

Và khi nước Mỹ không còn lo sợ COVID-19, nền kinh tế nước này đã phát triển quá nóng, buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải tăng lãi suất. Trong tháng Tư, lợi suất danh nghĩa của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã có lúc vượt lợi suất trái phiếu của Trung Quốc lần đầu tiên kể từ năm 2010. Lãi suất thực tế của Trung Quốc vẫn cao hơn nhiều bởi lạm phát giá tiêu dùng ở nước này chỉ là 1,5%, so với mức 8,5% ở Mỹ.

Đồng NDT yếu hơn đã phản ánh những thách thức. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) không sẵn sàng để đồng tiền này bị chi phối bởi các lực lượng thị trường.

Ngày 25/4, PBoC cho biết sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tiền gửi ngoại tệ đối với các ngân hàng từ 9% xuống 8%. Điều đó sẽ giúp "giải phóng" một lượng USD ra thị trường, giảm bớt áp lực đối với đồng NDT. Động thái này cũng báo hiệu sự không hài lòng của ngân hàng trung ương trước tốc độ giảm giá của đồng NDT.

Những lo lắng đối với đồng tiền của Trung Quốc có thể ngăn cản ngân hàng trung ương nước này cắt giảm lãi suất nhằm phục hồi tăng trưởng. Điều đó sẽ khiến nền kinh tế phụ thuộc hơn bao giờ hết vào các biện pháp kích thích tài khóa. Tại cuộc họp của Ủy ban Kinh tế và Tài chính Trung ương ngày 26/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, từ đường giao thông nông thôn và thoát nước đô thị đến lưới điện thông minh và các nền tảng trí tuệ nhân tạo.

Ngân hàng Citigroup dự báo chi tiêu cho cơ sở hạ tầng có thể tăng 8% trong năm nay. Nhưng theo ngân hàng Natixis, Trung Quốc sẽ không thể đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% nếu đầu tư cho cơ sở hạ tầng không tăng khoảng 18%.

Ngay cả một thị trường mới nổi thông thường với nhu cầu cơ sở hạ tầng rộng lớn cũng sẽ rất khó khăn để đạt được một mức tăng chi tiêu như vậy. Nỗi sợ hãi đối với việc thả nổi đồng tiền của Trung Quốc đã hạn chế phản ứng tiền tệ của nước này đối với các vấn đề kinh tế. Và điều đó làm dấy lên lo ngại về việc nước này thao túng đồng tiền của mình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục