Vì sao Trung Quốc muốn nắm giữ trái phiếu Mỹ?

06:02' - 10/05/2016
BNEWS Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhu cầu mua trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn rất lớn và Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất Mỹ.
Nhu cầu mua trái phiếu Mỹ vẫn rất lớn. Ảnh: kiplinger.com

Ông Scott Miller, cố vấn cấp cao và người đứng đầu nhóm nghiên cứu các vấn đề kinh tế quốc tế thuộc CSIS, đã làm rõ vai trò của trái phiếu Chính phủ Mỹ đối với kinh tế toàn cầu và giải thích nguyên nhân Trung Quốc mua trái phiếu Chính phủ Mỹ.

Nhiều người lo ngại rằng việc Trung Quốc trở thành chủ nợ của Mỹ có thể khiến kinh tế Trung Quốc có tác động đối với Mỹ. Tuy nhiên, ông Miller cho rằng việc Trung Quốc nắm giữ nợ của Mỹ có tính chất ràng buộc nhiều hơn.

Nếu Trung Quốc muốn thu hồi các khoản nợ, nước này cũng chỉ có thể đưa ra các yêu cầu đối với Mỹ và khó có thể đưa ra biện pháp cưỡng chế. Hơn nữa, các khoản nợ của Mỹ được rất nhiều bên nắm giữ và là một tài sản cực kỳ được mong đợi trên thị trường. Nếu Trung Quốc muốn bán khoản nợ của Mỹ, ngay lập tức các nước khác sẽ mua vào.

Trong tháng 6/2014, Trung Quốc bắt đầu bán các tài sản nước ngoài, với tổng giá trị lên tới 500 tỷ USD. Việc bán tháo lượng tài sản có trị giá lớn như vậy cũng không tác động lớn đến kinh tế Mỹ hay khiến Washington phải đưa ra các biện pháp đối phó. Hơn nữa, Trung Quốc cần duy trì việc nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ để điều chỉnh tỷ giá hối đoái của đồng NDT.

Nếu Trung Quốc đột nhiên giảm dự trữ bằng đồng USD, tỷ giá hối đoái của đồng NDT sẽ tăng, khiến hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trở nên đắt hơn trên thị trường nước ngoài. Bởi vậy, việc nắm giữ nợ Mỹ không khiến Trung Quốc có ảnh hưởng lớn về mặt kinh tế đối với Mỹ.

Trung Quốc mua nợ Chính phủ Mỹ với lý do giống với các nước khác. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 khiến các nền kinh tế châu Á, trong đó có Trung Quốc củng cố dự trữ ngoại tệ như một kênh an toàn.

Trung Quốc duy trì lượng dự trữ ngoại tệ khổng lồ qua thời gian để ngăn chặn dòng tiền đổ vào các hoạt động thương mại và đầu tư ra nước ngoài, nhất là trong thời điểm nền kinh tế Trung Quốc có nhiều bất ổn. Việc Trung Quốc giữ một lượng USD lớn cho thấy sức mạnh của Mỹ đối với nền kinh tế toàn cầu và đối với nền kinh tế Trung Quốc. Nói rộng hơn, nợ của Mỹ là một tài sản an toàn.

Với vai trò là đồng tiền dự trữ của cả thế giới, đồng USD được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch quốc tế. Hàng hóa thương mại được định giá theo đồng USD và vì nhu cầu sở hữu đồng USD cao nên các quốc gia giữ nợ Mỹ cũng rất dễ thu hồi lại tiền nếu muốn. Hơn nữa Chính phủ Mỹ không bao giờ không thanh toán các khoản nợ của mình.

Mặc dù trái phiếu Chính phủ Mỹ rất hấp dẫn nhưng các khoản nợ liên tiếp cũng khiến các nhà kinh tế băn khoăn, do lo ngại sự dừng lại đột ngột của dòng vốn chảy vào Mỹ có thể tạo nên một cuộc khủng hoảng.

Trong phạm vi khu vực, các quốc gia châu Á giữ khối lượng lớn trái phiếu Chính phủ Mỹ như là một cách phản ứng với vụ khủng hoảng tài chính năm 1997.

Các quốc gia châu Á nắm khối lượng lớn trái phiếu Mỹ. Ảnh: plusfinancials.com

Trong suốt giai đoạn này, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines và Thái Lan đều chứng kiến đầu tư sụt giảm mạnh từ 93 tỷ USD xuống đến mức âm 12,1 tỷ USD.

Phản ứng lại điều này, Trung Quốc, Hàn Quốc và các quốc gia Đông Nam Á đã duy trì khoản dự trữ ngoại tệ lớn trong đó có đồng USD. Chính sách này được chứng minh là đúng khi các nền kinh tế châu Á bắt đầu nhanh chóng phục hồi năm 2008. Ở phạm vi quốc gia, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc buộc phải mua trái phiếu Mỹ và các tài sản nước ngoài khác để kiềm chế lạm phát.

Thống kê cho thấy 66% trái phiếu Mỹ là nằm trong tay các thành phần và tổ chức tài chính trong nội bộ Mỹ. Nắm giữ trái phiếu Mỹ chính là một cách dự trữ tài sản ít rủi ro, có tính thanh khoản cao. Tất cả các thành phần trong nội bộ Chính phủ Mỹ, kể cả Cơ quan An sinh Xã hội Mỹ, giữ khoảng 28% trái phiếu Chính phủ Mỹ.

Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đứng thứ hai trong việc nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ, với khoảng 14%. Tại sao một quốc gia lại mua chính khoản nợ của họ? Bởi Fed phải điều chỉnh số lượng tiền trong một chu trình lưu thông tiền tệ cho phù hợp với môi trường kinh tế. Fed thực hiện chức năng này thông qua các hoạt động thị trường mở, mua và bán tài sản tài chính như trái phiếu Chính phủ nhằm thêm vào hoặc rút bớt đi lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế.

Bằng việc mua tài sản từ các ngân hàng, Fed đưa nguồn tiền mới vào chu trình lưu thông tiền tệ, qua đó tạo điều kiện cho các ngân hàng cho vay nhiều hơn, thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế.

Ngoài Fed và Cơ quan An sinh Xã hội, một số các tổ chức tài chính khác của Mỹ nắm khoảng 24% trái phiếu Chính phủ Mỹ. Các thành phần tài chính này bao gồm chính quyền các bang địa phương, các quỹ tương hỗ, các công ty bảo hiểm, các ngân hàng Mỹ.

Về tổng thể, các nước khác giữ một phần khá nhỏ trái phiếu Chính phủ Mỹ. Các khoản trái phiếu Mỹ do nước ngoài nắm giữ nhảy vọt vào tháng 02/2016, chủ yếu là do Trung Quốc (nắm 1,25 tỷ USD) và Nhật Bản (nắm 1,13 tỷ USD). Bộ Tài chính Mỹ thông báo rằng tổng số trái phiếu Mỹ do nước ngoài sở hữu hiện là 6,24 tỷ USD.

Trên thực tế, việc trái phiếu chính phủ phần lớn được nắm giữ bởi các thành phần trong nước là phổ biến. Các tổ chức tài chính châu Âu cũng nắm phần lớn trái phiếu của châu Âu. Tương tự, các thành phần tài chính Nhật Bản nắm khoảng 90% trái phiếu chính phủ nước này.

Như vậy, nợ chính phủ hầu hết được sử dụng như là một phương tiện điều hành của các chính phủ khi họ muốn duy trì giá trị đồng nội tệ ổn định so với các nền kinh tế khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục