Vì sao tỷ lệ lấp đầy các chuyến bay quốc tế chưa cao?

19:18' - 05/01/2022
BNEWS Các hãng hàng không ghi nhận tỷ lệ lấp đầy trung bình trên các những chuyến bay quốc tế thường lệ về Việt Nam đã thực hiện chỉ từ 50 - 75%.

 

Trong bối cảnh nhu cầu về nước của người dân và Việt kiều tăng cao dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các hãng hàng không ghi nhận tỷ lệ lấp đầy trung bình trên các những chuyến bay quốc tế thường lệ về Việt Nam đã thực hiện chỉ từ 50 - 75%.

Theo anh Nguyễn Thùy Tiến, đại diện phòng vé Tiến Thuỳ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, một trong những lý do khiến nhiều hành khách chưa “mặn mà” đối với đường bay quốc tế khi tỏ ra e ngại với thủ tục phức tạp, quy định chưa rõ ràng về yêu cầu xét nghiệm, cách ly y tế giữa các địa phương tại điểm đến khi nhập cảnh vào Việt Nam.

"Đây không phải là câu chuyện giá vé chuyến bay thường lệ do hãng hàng không Việt Nam thực hiện hay hãng hàng không nước ngoài khai thác", anh Nguyễn Thùy Tiến nhấn mạnh và cho biết thêm, việc mở bán vé các chuyến bay cận dịp Tết Nguyên đán cũng khiến một bộ phận lớn người có nhu cầu về nước như lực lượng lao động xuất khẩu không chủ động sắp xếp thời gian, công việc phù hợp với lịch bay. Thậm chí, với tần suất và điểm đến cố định tại một số đường bay, hành khách muốn về Hà Nội sẽ chỉ được đáp xuống Tp. Hồ Chí Minh và ngược lại, không thuận tiện khi về nơi cư trú.

Trước đó, theo quy định mới đây của Cục Hàng không Việt Nam, hành khách nhập cảnh vào Việt Nam phải test nhanh lúc lên máy bay và xuống máy bay khi đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2.

Thực tế, với quy định này, Cục Hàng không Việt Nam đã ghi nhận nhiều ý kiến chính thức của các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài liên quan đến các quy định về test nhanh trước khi lên máy bay và sau khi xuống máy bay, yêu cầu hãng hàng không thu phí test nhanh qua vé máy bay và hãng thực hiện thanh toán test nhanh với đơn vị y tế...

Đơn cử như Qatar Airways cho biết, việc thu phí xét nghiệm nhanh này như một khoản phụ phí trong vé. Điều này sẽ phức tạp, bao gồm việc trước tiên Chính phủ của các hãng hàng không cần quy định đây là loại thuế mà Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) có thể cấp mã riêng, sau đó các hãng hàng không mới có thể đưa mã này vào vé bán cho hành khách nhập cảnh vào Việt Nam. Việc này sẽ mất tới 2 tháng để được thực hiện đầy đủ.

Đại diện Qatar Airways cho biết thêm, hãng đang phải thực hiện trả chi phí test nhanh của khách của bệnh viện Quận 1, hãng không thu được chi phí này từ khách.

Một vấn đề khác phát sinh sau khi khôi phục các chuyến bay quốc tế là việc các hãng hàng không cho rằng có quá nhiều ứng dụng khai báo.

Đại diện Vietjet Air cho biết, hiện quy định hành khách phải khai báo nhập cảnh trên IGOVN (phần mềm của Bộ Công an), khai báo theo dõi y tế trên PC-COVID và có thể địa phương lại yêu cầu khai báo trên trang của địa phương. Cụ thể như Tp. Hồ Chí Minh yêu cầu khai báo trên website www.antoan-covid.tphcm.gov.vn nên hành khách cũng gặp khó khăn khi phải báo trên nhiều ứng dụng.

Tuy nhiên, thống kê của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho thấy, vẫn có chuyến bay ghi nhận lượng khách đặt mua vé khá lớn, đặc biệt ở chiều từ nước ngoài về như từ Tokyo đến Tp. Hồ Chí Minh ngày 8/1, Bangkok (Thái Lan) đến Tp. Hồ Chí Minh ngày 8/1 đã đầy xấp xỉ 2/3 số chỗ hay San Francisco (Hoa Kỳ) đến Tp. Hồ Chí Minh ngày 9/1, Singapore - Hà Nội ngày 14/1 đã đầy chỗ...

 
Chị Nguyễn Ngọc Bích, du học sinh tại Hàn Quốc lựa chọn về nước bằng chuyến bay thương mại thường lệ do một hãng hàng không Việt Nam thực hiện. Theo chị, giá thành chuyến bay này có cao hơn so với trước thời điểm dịch năm 2019, song với tâm lý mong muốn trở về sau quãng thời gian dài xa nhà, gia đình chị sẵn sàng chi cho khoản này.

So sánh cụ thể đối giá vé máy bay xuất phát từ sân bay Incheon, Hàn Quốc về đến Tp. Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Ngọc Bích, giá thành hiện nay cao hơn từ 1,5 – 2 lần so với trước đại dịch, kể cả đối với chuyến bay thường lệ do hãng hàng không Việt Nam thực hiện hay hãng hàng không nước ngoài khai thác. Nếu như trước đây, chị bỏ ra khoảng 12 triệu đồng, chị có thể mua vé khứ hồi thì nay chỉ mua được vé một chiều.

Đại diện Vietnam Airlines thông tin, hãng này đang mở bán nhiều mức giá vé linh hoạt phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của đa dạng hành khách nhằm đáp ứng tốt nhu cầu bay quốc tế của hành khách.

Nhằm hỗ trợ hành khách chuẩn bị tốt nhất cho hành trình di chuyển, Hãng hàng không Vietjet đang áp dụng chính sách tặng gói xét nghiệm 1 lần PCR COVID-19 miễn phí cho khách hàng bay quốc tế đến và đi từ Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh.

Theo ghi nhận của Cục Hàng không Việt Nam, 17 chuyến bay với 1.753 khách nhập cảnh Việt Nam đã được thực hiện thông qua 4 cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng và Cần Thơ từ ngày 1-3/1.

Các chuyến bay này được khai thác bởi 4 hãng hàng không Việt Nam gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines; 7 hãng hàng không nước ngoài và vùng lãnh thổ gồm Thai Vietjet của Thái Lan, Singapore Airlines của Singapore, Turkish Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ, Starlux Airlines và China Airlines của Đài Loan (Trung Quốc), Emirates của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Asiana Airlines của Hàn Quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục