Vị thế của đồng euro sau 20 năm "ra đời"

05:30' - 06/01/2022
BNEWS Lần đầu tiên các quốc gia có chủ quyền quyết định từ bỏ đồng nội tệ để hòa vào một lịch sử tiền tệ chung. Lúc đầu có 12 quốc gia tham gia “cuộc phiêu lưu” chưa từng có, để đến nay hội tụ 19 thành viên

Ngày 1/1/2002, 12 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nói lời "chia tay" với các đồng tiền riêng của mỗi nước và cùng sử dụng đồng tiền chung euro. Khi đó, đã có 15 tỷ tiền giấy và hơn 50 tỷ tiền xu euro được giới thiệu trên thị trường. Sự kiện này đã khiến cuộc sống hàng ngày của 304 triệu người châu Âu bị đảo lộn. 
Lần đầu tiên các quốc gia có chủ quyền và bình đẳng quyết định từ bỏ đồng nội tệ để hòa vào một lịch sử tiền tệ chung. Lúc đầu, có 12 quốc gia tham gia “cuộc phiêu lưu” chưa từng có, để đến nay hội tụ được 19 thành viên, gồm Đức, Áo, Bỉ, Cyprus, Tây Ban Nha, Estonia, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Ireland, Italy, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia và Slovenia. Dự kiến Croatia sẽ gia nhập vào năm 2023 và Bulgaria năm 2024.
Báo Le Monde cho rằng đến nay, sự ra đời của đồng euro vẫn thực sự ấn tượng, kể cả với các công dân ngoài EU. Nhờ công ước Schengen, một người bình thường có thể qua lại các nước thành viên mà không cần phải dừng lại ở các cửa khẩu biên giới, và nhờ đồng euro, mọi người đều không phải đổi tiền. Sau 20 năm tồn tại, đồng euro đã vượt qua rất nhiều thách thức, nhưng hiện giờ vẫn còn mong manh.
Còn nhớ 6 năm trước, tháng 7/2015, đồng euro tưởng chừng đã sụp đổ. Ở Hy Lạp, người dân đã ồ ạt rút tiền buộc chính quyền phải giới hạn mỗi người chỉ được rút 60 euro tại máy ATM, đồng thời siết chặt kiểm soát việc chuyển vốn ra nước ngoài.

Người Hy Lạp đã bỏ phiếu với đa số (61%, so với 39%) chống lại các điều kiện của gói cứu trợ mới của EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Khi đó, một "Grexit" (chỉ việc Hy Lạp rời EU) dường như không thể tránh khỏi. Thật may điều đó đã không xảy ra, nhưng khủng hoảng này đã dẫn đến chính sách thắt lưng buộc bụng tệ hại ở Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Italy, làm dấy lên sự phẫn nộ của người dân, gây phức tạp cho chính trị và xã hội tại các nước liên quan.
Đồng tiền chung châu Âu vì vậy đã kỷ niệm sinh nhật lần thứ 20 với một tình cảm buồn vui lẫn lộn. Một mặt, đồng euro đã tự khẳng định là đồng tiền quốc tế thiết yếu và được người dân châu Âu chấp nhận rộng rãi. Mặt khác, bất chấp những tiến bộ vượt bậc những năm gần đây, nền tảng của nó vẫn còn bấp bênh. 
Shahin Vallée, cựu cố vấn của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy (từ năm 2012-2014) và hiện là nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn Hội đồng quan hệ đối ngoại Đức, nêu quan điểm: “Cho đến nay, nguy cơ đồng euro phân rã hoặc một quốc gia rút khỏi khu vực đồng tiền chung là rất thấp, thậm chí bằng không, nhưng không thể hài lòng với điều đó. Vấn đề đặt ra là đồng tiền này sẽ sống lay lắt hay trở thành nền tảng cho sự thịnh vượng rộng rãi cho cả khu vực”.
Georges Papaconstantinou, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp từ năm 2009 đến năm 2011, người từng tham gia đàm phán về kế hoạch giải cứu đầu tiên cho Hy Lạp, nhận xét: "Đồng euro là một thành công ở khía cạnh được sử dụng ngày càng nhiều trong 20 năm qua và không bị nghi ngờ. Nhưng cái giá phải trả sau khủng hoảng là nặng nề hơn mức cần thiết, không chỉ cho Hy Lạp mà cho cả khu vực”.

Tuy nhiên, Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã rút ra những bài học từ cuộc khủng hoảng và tự trang bị cho mình một loạt cấu trúc được nhằm ứng phó với các nguy cơ tiềm tàng từ một quốc gia thành viên. Trong đó có Quỹ viện trợ khẩn cấp các quốc gia thành viên (Cơ chế bình ổn châu Âu), và Quỹ hỗ trợ khẩn cấp của hệ thống ngân hàng (quỹ giải quyết chung).

Đồng thời, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng được xác định là tuyến cuối, có thể can thiệp để “dập tắt ngọn lửa ngay từ đầu”. Cinzia Alcidi, giám đốc nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Brussels, khẳng định: “Bây giờ, khủng hoảng khu vực đồng euro sẽ không thể xảy ra”.
Trong năm 2019, tốc độ cải cách đã chậm lại. Nhưng như mọi khi, công cuộc xây dựng châu Âu vẫn được thúc đẩy trong thời gian khủng hoảng và đại dịch COVID-19 đã đóng vai trò như một lực đẩy. Bằng các khoản can thiệp khoảng 2.000 tỷ euro kể từ tháng 3/2020, ECB đã giúp EU thoát khỏi tình trạng hoảng loạn tài chính, cho phép các nước tự tài trợ cho mình với lãi suất ở mức 0 hoặc thậm chí là âm. Không bao giờ có thể có một sự can thiệp như vậy với 19 loại tiền tệ khác nhau.
Trên hết, lần đầu tiên EU đã nhất trí với nhau về một “đại kế hoạch vay vốn chung” NextGenerationEU trị giá 800 tỷ euro, trong đó gần một nửa sẽ được giải ngân dưới hình thức trao tặng các quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất từ đại dịch, phần còn lại là cho vay.

Theo tính toán của ECB, Hy Lạp sẽ được hưởng lợi đầu tiên, nhận khoảng gần 9% GDP từ các khoản viện trợ không hoàn lại, nhưng Italy và Tây Ban Nha cũng là những nước nhận được nhiều với lần lượt 3% và 2% GDP. Đức, Hà Lan và Áo sẽ là những nước đóng góp chính, Pháp cũng có đóng góp nhưng ít hơn.
Trong những trường hợp này, đồng tiền chung đã xuất hiện như một công cụ bảo vệ người dân. Ngày nay, theo các cuộc thăm dò, đồng euro đang đạt mức độ phổ biến nhất kể từ khi ra mắt. Theo trang web chuyên công bố các nghiên cứu về châu Âu Eurobarometer do Brussels thực hiện mới đây, 78% người châu Âu tin rằng khu vực đồng euro là một điều tốt cho EU (14% nghĩ ngược lại), và 69% cho rằng điều đó là tích cực cho đất nước của họ (22% đánh giá trái ngược).

“Đối với hầu hết mọi người, đồng euro đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày đến nỗi nó không còn được thảo luận hay thắc mắc gì nữa”, chuyên gia Alcidi khẳng định.
Về mặt chính trị, cuộc tranh luận về sự tồn tại của đơn vị tiền tệ hiện nay không còn sôi nổi như trước đây. Ở Pháp, đồng tiền chung hầu như không xuất hiện trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Ở Italy, nghị sĩ châu Âu Matteo Salvini, người từng kịch liệt phản đối đồng euro, hiện đã tạm dừng những lời chỉ trích của mình.

Đảng Liên minh (Lega) của ông cũng đã liên minh với ông Mario Draghi, cựu Chủ tịch ECB và là "vị cứu tinh" của đồng euro trong cuộc khủng hoảng tiền tệ. Đối với Hy Lạp hiện không còn nghi ngờ gì về nguy cơ rời khu vực đồng tiền chung, “Người Hy Lạp gắn bó hơn mức trung bình với đồng euro. Họ từng bị đẩy đến bờ vực và nhìn ra những rủi ro của việc thoái lui”, chuyên gia Papaconstantinou nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo lưu ý của chuyên gia Vallée, việc xây dựng đồng tiền chung vẫn chưa hoàn thành, với nhiều dự án đang chờ xử lý. Ông đặt câu hỏi: “Một trong những thách thức là NextGenerationEU có sức sống bền vững hay không. Một vấn đề quan trọng khác: liệu Ủy ban châu Âu có thể được hưởng lợi từ các nguồn lực của mình với một hình thức đánh thuế toàn châu Âu hay không?”
Hiện vấn đề bảo lãnh toàn Âu cho các khoản tiền gửi ngân hàng vẫn đang được thảo luận nhằm đảm bảo một đồng euro được gửi tại ngân hàng Cyprus hoặc ngân hàng Pháp luôn giữ cùng giá trị và được bảo vệ theo cách tương tự nhau. Việc xây dựng khu vực đồng euro vì vậy vẫn còn nhiều việc phải làm.

"Đến kỷ niệm 40 năm ra đời, đồng euro có thể sẽ vẫn không hoàn hảo”, chuyên gia Vallée dự đoán và khẳng định tiến bộ đạt được hiện nay tuy “có thật nhưng rất chậm”. Trong khi đó, nữ chuyên gia Alcidi tin rằng “đồng euro sẽ bước vào thời kỳ chín muồi. Đồng tiền này là một thực tế không thay đổi”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục