Viễn cảnh "u ám" của kinh tế Iran năm 2020

06:30' - 23/11/2019
BNEWS Mạng tin Arab News vừa có bài phân tích đánh giá tổng quan về những khó khăn của Iran trong năm 2019 và dự báo nền kinh tế nước này sẽ đứng trước viễn cảnh "u ám" hơn vào năm tới.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo bài viết, nếu xét trên khía cạnh kinh tế thì 2019 được coi là một trong những năm tồi tệ nhất đối với giới lãnh đạo cầm quyền của Iran kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Hồi giáo vào năm 1979.

Tuần trước, ngay cả Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng lần đầu tiên phải thừa nhận rằng "tình hình không bình thường" và Tehran đang trải qua một trong những thời điểm khó khăn nhất kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo.

Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran hồi tháng 5/2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với Tehran, vốn đã được dỡ bỏ dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, bắt đầu để lại những tác động thực sự đối với kinh tế Iran trong năm nay.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tháng trước đã một lần nữa điều chỉnh dự báo kinh tế Iran, cho rằng nền kinh tế nước này dự kiến sẽ sụt giảm tới 9,5% vào cuối năm 2019 - con số cao hơn nhiều so với mức suy giảm 6% trong dự báo trước đó.

Một trong những lý do khiến bức tranh kinh tế Iran ngày càng trở nên ảm đạm xuất phát từ quyết định của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump không gia hạn miễn trừ trừng phạt đối với 8 nền kinh tế nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Iran, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Hy Lạp, Italy, vùng lãnh thổ Đài Loan, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc.

Hệ quả là, thay vì cho thấy những tín hiệu phục hồi tăng trưởng năm 2019, nền kinh tế Iran sẽ chỉ có quy mô bằng khoảng 90% so với hai năm trước đây, dựa trên một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB).

Vậy viễn cảnh kinh tế Iran năm 2020 sẽ như thế nào? Giới phân tích cho rằng nền kinh tế Iran khó có khả năng phục hồi vào năm tới, thậm chí đứng trước nguy cơ suy giảm hơn nữa do một số yếu tố tác động từ bên trong và bên ngoài.

Trước hết, Chính quyền Tổng thống Trump được dự báo sẽ tiếp tục đẩy mạnh chính sách "gây áp lực tối đa" đối với chế độ Iran, và cụ thể là nhằm vào ngành công nghiệp năng lượng của Tehran. Nước Cộng hòa Hồi giáo này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thu từ dầu mỏ để tài trợ cho ngân sách quốc gia.

Iran hiện sở hữu trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ hai và trữ lượng dầu thô lớn thứ tư thế giới, đồng thời việc bán các nguồn tài nguyên này chiếm hơn 80% doanh thu xuất khẩu của nước này.

Thu ngân sách quốc gia năm 2019 của Iran ước đạt gần 41 tỷ USD, trong đó nguồn thu từ dầu mỏ dự kiến chiếm khoảng 21 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc khoảng 50% thu nhập của Iran đến từ xuất khẩu dầu mỏ sang các quốc gia khác. Tuy nhiên, xuất khẩu "vàng đen" của Iran hiện tiếp tục giảm mạnh do tác động của lệnh trừng phạt.

Trước đợt trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ nhằm vào ngành dầu mỏ và khí đốt của Iran hồi tháng 11/2018, Tehran đã xuất khẩu hơn 2 triệu thùng dầu/ngày. Chỉ trong vòng một năm qua, xuất khẩu "vàng đen" của nước này đã giảm xuống chỉ còn dưới 200.000 thùng/ngày, tương đương với mức giảm khoảng 90%.

Mặc dù Lãnh tụ tối cao của Iran là Đại giáo chủ Ali Khamenei vẫn tự hào về nền kinh tế tự chủ của nước Cộng hòa Hồi giáo, song một số lãnh đạo Iran khác đã ám chỉ về sự phụ thuộc lớn của quốc gia này vào xuất khẩu dầu mỏ.

Tổng thống Rouhani thừa nhận: "Chúng tôi có một số nguồn thu quốc gia khác, song không thể phủ nhận rằng dầu mỏ là thứ duy nhất có thể giữ cho đất nước tiếp tục phát triển. Trong quá khứ, chúng tôi chưa bao giờ gặp trở ngại trong việc bán dầu, cũng như không đối mặt với nhiều vấn đề trong hoạt động vận chuyển của các tàu chở dầu. Tuy nhiên, làm thế nào để Iran có thể duy trì hoạt động của đất nước khi chúng tôi gặp trục trặc trong xuất khẩu dầu mỏ?"

Trên thực tế, Iran có thể bù đắp một phần sụt giảm nguồn thu của mình bằng cách tăng thuế đối với các doanh nghiệp và khu vực kinh tế khác. Tuy nhiên, các tổ chức kinh tế giàu có nhất của Iran lại chủ yếu thuộc sở hữu của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) hoặc Văn phòng Lãnh tụ tối cao Iran, như Astan Quds Razavi và Setad, vốn được coi là các thực thể được miễn đóng bất kỳ khoản thuế nào và hoạt động kỹ thuật gần như bên ngoài nền kinh tế chính thức của Iran.

Một vấn đề đáng lo ngại khác là đồng nội tệ mất giá của Iran có khả năng sẽ tiếp tục đè gánh nặng lên nền kinh tế quốc gia vào năm 2020. Tỷ giá đồng rial của Iran hiện đang được giao dịch ở ngưỡng 105.000 rial đổi 1 USD, một mức đáng báo động.

Thứ ba, nếu Iran tiếp tục theo đuổi việc cắt giảm các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015, có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), thì các quốc gia khác, đặc biệt là phía các nước châu Âu, có thể buộc phải áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Tehran, đồng thời Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) cũng có thể khôi phục các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.

Sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận đã tìm thấy dấu vết uranium tại một địa điểm không được công bố ở Iran, thì Pháp, Đức và Anh tuần trước đã cảnh báo nước Cộng hòa Hồi giáo cần phải tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 hoặc đối mặt với các động thái trừng phạt mạnh mẽ.

Cuối cùng, một số yếu tố chủ chốt khác đằng sau cuộc khủng hoảng kinh tế của Iran rất có thể sẽ tiếp tục tồn tại trong năm 2020, như tình trạng tham nhũng tràn lan tại các cơ sở nhà nước, quản trị kinh tế sai lầm, hoạt động rửa tiền trong hệ thống ngân hàng hay sự suy yếu của các lực lượng ủy nhiệm được Iran hậu thuẫn trên toàn khu vực.

Những điểm yếu này đã ăn sâu vào thể chế chính trị và tài chính vốn là "xương sống" của đất nước. Theo Chỉ số Nhận thức Tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Iran hiện xếp thứ 138 trên tổng số 180 quốc gia.

Tóm lại, nền kinh tế Iran đã chịu nhiều cú sốc lớn năm 2019 và rất có thể sẽ tiếp tục đứng trước viễn cảnh xấu hơn vào năm 2020 do tác động tiếp diễn của các lệnh trừng phạt từ Washington, xuất khẩu dầu mỏ tụt dốc, đồng nội tệ mất giá mạnh, tham nhũng tài chính, quản trị kinh tế sai lầm và nguy cơ phải chịu thêm các biện pháp trừng phạt trong bối cảnh Tehran tiếp tục cắt giảm các cam kết hạt nhân của mình./.                                                                                      

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục