Viện quốc tế Peterson hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2021

14:23' - 06/10/2021
BNEWS Theo báo cáo định kỳ sáu tháng về Triển vọng Kinh tế Toàn cầu do PIIE công bố cho thấy, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ dự kiến tăng 5,7% trong năm nay, thấp hơn so với dự báo tăng 6% trước đó.

Karen Dynan, thành viên cấp cao của Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson (PIIE), cũng là cựu chuyên gia kinh tế cao cấp tại Bộ Tài chính Mỹ, cho biết lạm phát lõi của Mỹ dự kiến sẽ giảm xuống 2,5% vào cuối năm 2022, sau khi chạm mức gần 4% vào cuối năm nay, đồng thời lưu ý rằng “các yếu tố tạm thời” sẽ giảm dần.

Trong khi đó, Chủ tịch PIIE Adam Posen kỳ vọng lạm phát cao hơn 75% so với dự báo của bà Dynan và chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (PCE) ở mức 3,25% vào năm 2022. Ông Posen đưa ra dự báo trên do ông và bà Dynan có sự giải thích khác nhau về thị trường lao động mà ông cho rằng những thay đổi về cơ cấu sẽ gây ra nhiều xáo trộn hơn.

Số liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy các nhà tuyển dụng Mỹ đã bổ sung ít hơn 235.000 việc làm so với dự kiến trong tháng 8/2021, viện dẫn tốc độ tăng trưởng việc làm chậm lại rõ rệt trong bối cảnh số ca mắc biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 gia tăng, với tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ 0,2 điểm phần trăm xuống 5,2%.

Bà Dynan dự đoán tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ giảm xuống 4,8% trong quý IV/2021 và ở mức 4% khi kết thúc năm 2022.

Trong dự báo mới nhất của mình, bà Dynan đã chỉ ra năm yếu tố kinh tế chính đang định hình triển vọng ở Mỹ gồm nguồn tài chính hộ gia đình dồi dào mà sẽ giữ nhu cầu của người tiêu dùng luôn ở mức cao; tình trạng “thắt nút cổ chai” và các vấn đề về nguồn cung giảm bớt; tỷ lệ người trong độ tuổi lao động trở lại lực lượng lao động chậm; việc bù đắp một phần gói kích thích suy giảm bằng các biện pháp tài khóa mới và việc thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn một chút so với những gì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mong đợi hiện nay.

Bà Dynan bày tỏ quan ngại rằng bất kỳ yếu tố nào trong năm yếu tố trên cũng có thể làm rung chuyển thị trường tài chính và khiến giá tài sản giảm mạnh, chẳng hạn như khủng hoảng trần nợ công.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 4/10 đã kêu gọi Quốc hội nâng giới hạn nợ công, đồng thời chỉ trích việc đảng Cộng hòa đe dọa sử dụng quyền lực để ngăn chặn các nỗ lực của đảng Dân chủ trong lúc chờ đợi một giải pháp cho mức trần nợ công. Điều này đồng nghĩa với việc đảng Dân chủ sẽ cần phải có được 60 phiếu ủng hộ để tăng giới hạn nợ công./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục