Việt Nam - Dấu ấn hội nhập kinh tế quốc tế

08:21' - 04/02/2019
BNEWS Vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ, công tác hội nhập, liên kết kinh tế của Việt Nam trong năm 2018 đạt được những dấu ấn nổi bật.
Ngày 19/1, cuộc họp Hội đồng đầu tiên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản với sự tham dự của bộ trưởng kinh tế, thương mại và tương đương đến từ 11 nước thành viên. Dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự cuộc họp là Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: TTXVN

Giai đoạn 2019-2020 đánh dấu việc Việt Nam chính thức triển khai các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ có hiệu lực với nước ta từ ngày 14/1/2019.

Đây cũng là giai đoạn nước ta hoàn thành các cam kết trong nhiều khuôn khổ hợp tác kinh tế quan trọng như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Thương mại tự do ASEAN -Hồng Công (AKFTA); hoàn tất các mục tiêu Bogor và thông qua tầm nhìn APEC sau 2020; đảm nhiệm cương vị nước Chủ tịch ASEAN năm 2020.

Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) giới thiệu bài viết “Dấu ấn hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế năm mới 2019 và định hướng thời gian tới” của Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn:

Năm 2018 khép lại với những chuyển biến nhanh và đa chiều trong cục diện kinh tế-thương mại toàn cầu.

Kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng phục hồi song sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ, dân túy và nguy cơ chiến tranh thương mại lan rộng khiến Quỹ Tiền Tệ quốc tế (IMF) vừa qua hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 từ mức 3,9% xuống còn 3,7%.

Tuy đối mặt với nhiều thách thức song xu thế hợp tác, liên kết kinh tế tiếp tục được thúc đẩy, cùng với chính sách cạnh tranh, gia tăng ảnh hưởng của các nước lớn và nhu cầu phát triển kinh tế, đa dạng hóa quan hệ của các nền kinh tế đang nổi và đang phát triển.

Châu Á – Thái Bình Dương đi đầu trong xu thế hợp tác, liên kết kinh tế với các hình thức liên kết đa dạng, đa tầng nấc.

Đặc biệt, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương sẽ có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 là minh chứng cho quyết tâm của các nền kinh tế khu vực theo đuổi tự do hóa thương mại dựa trên luật lệ, mở, công bằng, bao trùm, có lợi cho tất cả các bên tham gia.

Những chuyển biến của cục diện kinh tế - thương mại khu vực và toàn cầu có tác động nhiều mặt tới Việt Nam.

Một mặt, chúng ta đứng trước cơ hội mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thu hút nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy, làm sâu sắc quan hệ hợp tác với các nước lớn và các đối tác quan trọng của Việt Nam.

Mặt khác, Việt Nam đứng trước nguy cơ chịu ảnh hưởng từ cọ xát kinh tế - thương mại nước lớn, biến động của môi trường bên ngoài, nhất là trong các lĩnh vực thương mại, tài chính - tiền tệ, biến đổi khí hậu, căng thẳng địa chính trị…

*Dấu ấn hội nhập, liên kết kinh tế

Trong chương trình Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018), sáng 11/9/2018, tại Hà Nội diễn ra Diễn đàn mở với chủ đề: “ASEAN 4.0 cho tất cả”. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN

Vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ, công tác hội nhập, liên kết kinh tế của Việt Nam trong năm 2018 đạt được những dấu ấn nổi bật.

Dấu ấn thứ nhất là tổ chức thành công nhiều sự kiện đối ngoại đa phương, đặc biệt là Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Hội nghị thu hút hơn 1.000 đại biểu tham dự, trong đó có chín nguyên thủ, thủ tướng các nước trong khu vực và hơn 800 lãnh đạo tập đoàn hàng đầu thế giới và khu vực.

Được đánh giá là sự kiện thành công nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại khu vực trong 27 năm qua, Hội nghị đã đưa ra các khuyến nghị chính sách về những vấn đề quan trọng đối với phát triển và hội nhập của các nước ASEAN và khu vực trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời quảng bá mạnh mẽ hình ảnh quốc gia, tiềm năng phát triển của Việt Nam ra thế giới và khu vực, tạo kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

Dấu ấn thứ hai gắn với việc đẩy mạnh đàm phán, ký kết và tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới. Ngày 8/3/2018, Việt Nam và các nước đối tác đã ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương, là Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới có quy mô cam kết rộng và tiêu chuẩn cao nhất từ trước đến nay mà nước ta tham gia.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương có 11 nước thành viên với tổng giá trị GDP khoảng 10 nghìn tỷ USD, chiếm 13% GDP toàn cầu. Ngày 12/11/2018, Quốc hội Việt Nam đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương.

Việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ về đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; đồng thời, tạo cơ hội thúc đẩy kinh tế đối ngoại, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường tại Việt Nam.

Sự kiện quan trọng nữa là trong khuôn khổ chuyến thăm các nước châu Âu và tham dự Hội nghị Cấp cao của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (16-21/10/2018), Ủy ban châu Âu đã thông qua quyết định trình Hội đồng Liên minh châu Âu chấp thuận ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.

Theo đánh giá của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, Hiệp định Thương mại tự do đi vào thực thi sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 10-15% và tăng xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh châu Âu thêm 30-40% trong hơn 10 năm tới.

Dấu ấn thứ ba gắn với việc thực thi các cam kết kinh tế quốc tế của Việt Nam. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ cơ bản hoàn tất thực thi các cam kết trong khuôn khổ các Hiệp định Thương mại tự do và nhiều khuôn khổ hợp tác kinh tế nước ta đã tham gia.

Giai đoạn 2017-2018 là mốc lớn đầu tiên trong tiến trình này, trọng tâm là hoàn tất các cam kết trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN, hoàn tất các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới và chuẩn bị thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương.

Tiến trình thực thi các cam kết quốc tế đem lại nhiều hiệu ứng tích cực, góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài, các dịch vụ thu ngoại tệ…, đặc biệt kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng khả quan những năm qua; riêng 10 tháng năm 2018 tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2017 và xuất siêu đạt mức 6,4 tỷ USD.

Dấu ấn thứ tư là việc ban hành và triển khai các chủ trương, chính sách về hội nhập quốc tế. Năm 2018 chứng kiến sự vào cuộc sâu rộng và quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác hội nhập, nổi bật là việc Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, đánh dấu bước chuyển về nhận thức và hành động về đối ngoại đa phương với trọng tâm là hội nhập kinh tế, và việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 4/9/2018 về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn.

Các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cũng thể hiện sự tích cực và chủ động hơn trong việc đàm phán, tham gia và tranh thủ cơ hội từ các cam kết kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Bên cạnh những thành tựu nổi bật, việc triển khai công tác hội nhập, liên kết kinh tế trong năm qua còn một số tồn tại. Một số địa phương vẫn lúng túng trong việc triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế.

Năng lực hội nhập, bao gồm năng lực giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế còn những bất cập.

Công tác thông tin, truyền thông về hội nhập, liên kết kinh tế có nơi, có lúc còn chưa kịp thời và đồng bộ.

Mức độ nắm bắt của các doanh nghiệp về đặc điểm thị trường, nội luật của các nước cũng như các cam kết cụ thể trong các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam tham gia còn hạn chế.

*Nâng cao hiệu quả hội nhập, liên kết kinh tế trong thời gian tới

Hoạt động bốc xếp, vận chuyển hàng hóa tại Cảng Container Quốc tế Hải Phòng. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Giai đoạn 2019-2020 đánh dấu việc Việt Nam chính thức triển khai các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, trong đó Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương sẽ có hiệu lực với nước ta từ ngày 14/1/2019.

Đây cũng là giai đoạn nước ta hoàn thành các cam kết trong nhiều khuôn khổ hợp tác kinh tế quan trọng như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Hồng Công (AKFTA); hoàn tất các mục tiêu Bogor và thông qua tầm nhìn APEC sau 2020; đảm nhiệm cương vị nước Chủ tịch ASEAN năm 2020. Việc triển khai hiệu quả công tác hội nhập, liên kết kinh tế tiếp tục đòi hỏi quyết tâm và nỗ lực đồng bộ của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong đó lưu ý một số vấn đề sau:

Một là, phát huy vai trò thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; chủ động đóng góp, tích cực tham gia xây dựng, định hình các thể chế đa phương, các diễn đàn kinh tế có tầm quan trọng, phù hợp khả năng và điều kiện cụ thể của chúng ta, trong đó cần chú trọng nâng cao hiệu quả tham gia các diễn đàn kinh tế tại châu Á – Thái Bình Dương.

Hai là, hoàn thiện chính sách, khung khổ pháp lý đồng bộ và toàn diện với tầm nhìn dài hạn nhằm triển khai hiệu quả các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Trong đó, chú trọng sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản, quy định pháp luật liên quan đến các cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương, bao gồm các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, môi trường, lao động...

Ba là, nâng cao năng lực hội nhập và liên kết kinh tế, chú trọng thực thi các nhóm giải pháp nêu trong Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 19/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện và khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do đã có hiệu lực, Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 4/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn.\

Trước mắt, các bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần có phương án, giải pháp khai thác tối đa lợi thế của các Hiệp định Thương mại tự do, hướng tới mở rộng thị phần tại những ngành hàng xuất khẩu Việt Nam có thế mạnh, đem lại giá trị gia tăng cao và xác lập chỗ đứng vững chắc trong các chuỗi cung ứng, mạng sản xuất khu vực và toàn cầu.

Bốn là, đẩy mạnh phổ biến thông tin về thuận lợi và thách thức, nội dung các cam kết có tác động trực tiếp đến các địa phương và doanh nghiệp trong các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới liên quan đến mở cửa thị trường, sở hữu trí tuệ, lao động…

Các bộ, ngành hữu quan cần làm tốt vai trò thông tin, cảnh báo sớm cho địa phương và doanh nghiệp về các điều chỉnh chính sách của các nước có khả năng tác động tiêu cực tới các lĩnh vực kinh tế đối ngoại của Việt Nam.

Năm là, nâng cao hiệu quả cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế và phòng vệ thương mại.

Các cơ quan hữu quan cần theo sát tiến trình cải tổ Tổ chức Thương mại thế giới, nhất là liên quan đến hoạt động của cơ chế giải quyết tranh chấp, để kịp thời có tiếng nói bảo đảm lợi ích của Việt Nam tại Tổ chức Thương mại thế giới.

Những dấu ấn nổi bật của công tác hội nhập, liên kết kinh tế đã tô điểm cho bức tranh tươi sáng về hội nhập và đối ngoại đa phương của đất nước trong năm 2018.

Với quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, chúng ta tin tưởng tiến trình hội nhập, liên kết kinh tế sẽ tiếp tục đem lại những hiệu ứng tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển, hội nhập quốc tế của đất nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục