Việt Nam đẩy mạnh tiêu dùng trong nước để tránh ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại

19:11' - 28/05/2019
BNEWS Giáo sư Lưu Anh của Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương, Trung Quốc, cho rằng cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ tiếp tục leo thang sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam.
Chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh tiêu dùng trong nước để đối phó ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ. Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh ngày 26/5, Giáo sư Lưu Anh của Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương, thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đang tiếp tục leo thang và sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam.

Giáo sư Lưu Anh cho biết trong thương mại toàn cầu, có tới hơn 70% là các sản phẩm trung gian, nên việc Mỹ phát động xung đột thương mại với Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng đến 2 nước này cũng như nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam.

Do nhu cầu của nền kinh tế thế giới, việc tăng thuế của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc trên thực tế làm tăng giá thành sản xuất hàng hóa một cách vô cớ, theo đó những nước có quan hệ kinh doanh, thương mại với Mỹ, bao gồm Việt Nam sẽ chịu tác động.

Theo Giáo sư Lưu Anh, Trung Quốc và Việt Nam cần tăng cường thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy cải cách mở cửa, tăng cường quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước, cũng như quan hệ kinh tế thương mại với các nước ASEAN nói chung. Hiện nay kim ngạch thương mại Trung Quốc-ASEAN khoảng hơn 500 tỷ USD, còn kim ngạch thương mại Trung-Việt đã đạt gần 150 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng rất nhanh.

Giáo sư Lưu Anh cho rằng, với quan hệ láng giềng tốt, Trung Quốc và Việt Nam có điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại song phương. Trong khi đó, đối với ASEAN, cần thông qua tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thúc đẩy hợp tác thương mại, tài chính, qua đó thúc đẩy kinh tế khu vực tăng trưởng.

Cũng theo bà Lưu Anh, Mỹ đã phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, và điều này đã kiềm chế sự tăng trưởng thương mại, kinh tế thế giới. Theo đó, cả Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hiện đều hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019.

 Giáo sư Lưu Anh nhấn mạnh, thương mại quốc tế là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế thế giới, nhưng chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ thương mại lan rộng đang kiểm chế dòng vốn đầu tư xuyên biên giới. Trong nửa đầu năm 2018, dòng vốn đầu tư xuyên biên giới này đã giảm 41%, trong khi chỉ số BDI (phản ánh chỉ số thịnh vượng của thương mại quốc tế) cũng đã giảm một nửa, xuống còn 66%.

Chỉ số triển vọng thương mại toàn cầu bị hạ thấp còn do chịu tác động của sự lao dốc mạnh mẽ của thị trường cổ phiếu thế giới, bao gồm thị trường chứng khoán Mỹ. Thị trường chứng khoán Mỹ gần đây trồi sụt thất thường, nhưng một biểu hiện dễ nhận thấy là ngay sau khi Mỹ tuyên bố áp thêm đợt thuế quan mới, thị trường chứng khoán nước này lao dốc mạnh.

Giáo sư Lưu Anh khẳng định sự cần thiết phải dùng biện pháp tích cực để kết thúc cuộc xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, hai nền kinh tế đầu tàu dẫn dắt sự tăng trưởng của kinh tế thế giới./.

Xem thêm:

>>Cuộc chiến thương mại khiến thị trường tài chính Trung Quốc bị hạn chế

>>Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung : Cơ hội hay thách thức với thị trường chứng khoán?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục