Việt Nam liên tục nằm trong top 30 thị trường bán lẻ mới nổi hấp dẫn nhất

16:10' - 30/09/2016
BNEWS Theo Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) của Tập đoàn AT Kearney, Việt Nam nằm trong top 30 thị trường bán lẻ mới nổi hấp dẫn nhất thế giới cho đầu tư nước ngoài từ năm 2008 đến nay.
Việt Nam nằm trong top 30 thị trường bán lẻ mới nổi hấp dẫn nhất thế giới. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết, khảo sát mới đây từ công ty Nielsen Việt Nam cho thấy, 34% người tiêu dùng thường xuyên mua sắm tại đại siêu thị và 29% tại siêu thị.

Trong khi đó, 22% người tiêu dùng chọn mua hàng tại các cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini. Dự kiến, trong tương lai mô hình bán lẻ này sẽ có nhiều cơ hội phát triển.
Các chuyên gia trong giới thương mại cũng đã đánh giá cao các doanh nghiệp với bài toán đầu tư vào cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini có lợi thế hơn hẳn so với đầu tư vào siêu thị truyền thống.

Trong khi một siêu thị chuẩn cần mặt bằng trên dưới 10.000m2 với số vốn lên tới vài trăm tỷ đồng, thì mở một siêu thị mini đơn giản hơn rất nhiều. Ngoài ra, số lượng mặt hàng không quá lớn, thời gian thu hồi của mô hình cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini là khá nhanh...
Nhờ sự tham gia của các nhà bán lẻ lớn đến từ nước ngoài và dân số trẻ của Việt Nam (60% dân số dưới 35 tuổi) mà mô hình bán lẻ hiện đại đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) 5 năm hai chữ số. Liên hiệp hợp tác xã Thương mại TP.Hồ Chí Minh hay còn gọi là Saigon Co.op tiếp tục dẫn đầu về doanh số và số lượng siêu thị.
Theo thống kê đến thời điểm hiện tại của Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS), Saigon Co.op đang có doanh thu lớn nhất từ các cửa hàng bán lẻ với 3 chuỗi: Co.opXtra, Co.op Mart và Siêu thị Mini Co.op Food. Với tổng cộng 178 cửa hàng, doanh thu năm 2015 của Saigon Co.op từ mảng này là 25.000 tỷ đồng.
Cửa hàng tiện lợi/siêu thị mini là phân khúc phát triển nhanh nhất; trong đó chuỗi Vinmart + của Vingroup dẫn đầu về số lượng với 320 cửa hàng vào cuối năm 2015 và 825 cửa hàng vào cuối tháng 6/2016.

Ngoài ra, các đối thủ chính về cửa hàng bán lẻ và siêu thị mini còn có B’s Mart (trước đây là Family Mart) với 146 cửa hàng, doanh thu ước tính khoảng 200 tỷ đồng trong năm 2015; Satrafoods với 80 cửa hàng; 58 cửa hàng ministop, 210 cửa hàng Shop&Go và 178 cửa hàng tiện lợi Circle K.
Dự kiến sẽ có 1.200-1.300 đại siêu thị/siêu thị và 337 trung tâm thương mại vào năm 2020. Do tỷ lệ đô thị hóa ở nước ta còn thấp và GDP bình quân đầu người chỉ ở mức 2.200 USD/năm nên mô hình bán lẻ truyền thống vẫn đang chiếm lĩnh thị trường với 72% thị phần và dự kiến sẽ giảm xuống 60% vào năm 2020.
Thống kê từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, hiện nay cứ 69.000 người dân Việt Nam mới có 1 cửa hàng tiện ích, trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 21.000 người, Hàn Quốc là 1.800 người. Như vậy, dư địa phát triển của thị trường còn rất lớn, cộng với thói quen tiêu dùng của người Việt đang có sự thay đổi nhanh chóng, rõ rệt khiến mô hình bán lẻ hiện đại này trở thành mảnh đất vô cùng tiềm năng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục