Vietcombank, BIDV, VietinBank giữ đà tăng trưởng dương dù nợ xấu tăng

11:08' - 30/07/2023
BNEWS Lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước vẫn giữ đà tăng trưởng dương sau nửa đầu năm 2023 dù chất lượng tài sản giảm sút do nợ xấu gia tăng.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán: VCB) vừa báo lãi trước thuế tăng vọt lên mức gần 20.500 tỷ đồng chỉ sau 6 tháng đầu năm 2023, sau thuế đạt 16.420 tỷ đồng, đều tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.

So với kế hoạch lãi trước thuế cả năm là 43.000 tỷ đồng, Vietcombank đã hoàn thành 48%. Và với con số kỷ lục trên, Vietcombank tiếp tục giữ ngôi vị quán quân lợi nhuận trong hệ thống.

Báo cáo tài chính cho thấy thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự tại Vietcombank tính đến hết 30/6/2023 đạt 56.512 tỷ đồng, tăng hơn 41% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong mua bán chứng khoán đầu tư, Vietcombank ghi nhận lỗ 61 tỷ đồng dù cùng kỳ lãi gần 85 tỷ đồng, lãi từ hoạt động dịch vụ giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022.

 
Trong kỳ này, chi phí hoạt động của Vietcombank tăng 6% do tăng chi phí cho nhân viên. Trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro lại giảm 9%.

Đáng chú ý trong báo cáo kỳ này của Vietcombank, tổng tài sản giảm mạnh hơn 100.000 tỷ đồng so với hồi cuối năm 2022, tức giảm 6,04% xuống còn hơn 1,7 triệu tỷ đồng do các chỉ tiêu trong cơ cấu tài sản đều giảm mạnh.

Cụ thể, chứng khoán đầu tư giảm 39.300 tỷ đồng, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm 36.127 tỷ đồng, tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác giảm 27.231 tỷ đồng...

Còn với á quân lợi nhuận kỳ này, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 13.862 tỷ đồng sau nửa đầu năm, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, dù thu nhập lãi thuần chỉ ở mức tương đương.

Theo lý giải của BIDV, 6 tháng đầu năm nay ngân hàng chuyển dịch cơ cấu hoạt động theo hướng bền vững, kiểm soát chất lượng tín dụng theo mục tiêu, giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng so với cùng kỳ. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận tăng. Ngoài ra, hoạt động dịch vụ và hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng đạt mức tăng trưởng tốt.

Báo cáo tài chính cho thấy tính đến ngày 30/6/2023, BIDV chỉ trích 9.719 tỷ đồng để dự phòng rủi to, giảm gần 30% so với cùng kỳ.

Tổng tài sản của BIDV tính đến hết tháng 6/2023 ở mức hơn 2,1 triệu tỷ đồng, tương đương hồi đầu năm. Cho vay khách hàng đạt gần 1,63 triệu tỷ đồng, tăng 7%. Còn tiền gửi khách hàng đạt gần 1,54 triệu tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm 2022.

Cũng giữ tốc độ tăng trưởng dương, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, mã chứng khoán: CTG) báo lợi nhuận trước thuế đạt 12.530 tỷ đồng sau nửa đầu năm 2023, tăng 8% so với cùng kỳ. Tính riêng quý II, lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt 6.550 tỷ đồng, tăng 13%.

Động lực tăng trưởng chính tại VietinBank đến từ thu nhập lãi thuần tăng gần 15% so với cùng kỳ, đạt 25.423 tỷ đồng; lãi thuần dịch vụ tăng hơn 33%, đạt 3.784 tỷ đồng; lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh và đầu tư tăng mạnh đến 348%, đạt 246 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản VietinBank đạt 1,86 triệu tỷ đồng, tăng 2,8% so với đầu năm; tổng dư nợ cho vay đạt gần 1,36 triệu tỷ đồng, tăng 6,6%; tiền gửi khách hàng 1,31 triệu tỷ đồng, tăng gần 5%.   

Khác với Vietcombank và BIDV, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của VietinBank lại tăng mạnh. Ngân hàng chi 13.202 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro trong nửa đầu năm, tăng 28% so với cùng kỳ.

Tuy tốc độ tăng trưởng vẫn khá lạc quan nhưng nếu xét về cơ cấu chất lượng nợ vay, cả 3 ngân hàng đều ghi nhận nợ xấu tăng.

Riêng tại Vietcombank, nợ xấu của ngân hàng tăng từ 7.819 tỷ đồng hồi cuối năm 2022 lên hơn 9.782 tỷ đồng khi kết thúc quý II/2023, tức tăng 25%. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng gấp gần 7,7 lần, từ 414 tỷ đồng lên hơn 3.187 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) cũng tăng 1,7 lần, từ 782 tỷ đồng lên hơn 2.164 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/ tổng dư nợ theo đó cũng tăng từ 0,6% lên 0,8% trong 6 tháng đầu năm 2023.

Tương tự tại BIDV, kết thúc 6 tháng, số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 47% so với đầu năm, lên mức 25.970 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh gấp 2,45 lần và nợ nghi ngờ cũng tăng gần gấp đôi so với hồi đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay theo đó tăng từ 1,16% lên 1,59%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 153%.

Còn nợ xấu tại VietinBank tính đến cuối tháng 6 ở mức 17.309 tỷ đồng, tăng 9,5% so với đầu năm, trong đó nợ nghi ngờ tăng hơn 50% nhưng lại giảm nhẹ ở nợ có khả năng mất vốn, giảm hơn 13,2%. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng nhẹ từ mức 1,24% hồi cuối năm ngoái lên mức 1,27%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu ngân hàng ở mức 169%.

Nợ xấu tăng là xu hướng chung trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn. Tuy vậy, mức tăng này vẫn nằm trong tầm kiểm soát và dưới mức 3% theo mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục