Vietnam Airlines có tỷ lệ chuyến bay đúng giờ thấp nhất trong tháng 7

18:13' - 05/08/2022
BNEWS Bước sang giai đoạn khai thác cao điểm hè 2022, số lượng các chuyến bay khai thác của toàn ngành hàng không tăng vọt.
Theo số liệu mới nhất mà Cục Hàng không Việt Nam vừa công bố, trong tháng 7/2022, tổng chuyến bay khai thác của các hãng hàng không đạt 33.238 chuyến, tăng 781,2% so với cùng kỳ năm 2021 và 7,9% so với tháng 6.

Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu đi lại tăng cao của người dân cũng như nhịp tăng trưởng sôi động của ngành hàng không giai đoạn mới.

 
Số lượng các chuyến bay tăng cao song các hãng hàng không vẫn duy trì được tỷ lệ bay đúng giờ. Tỷ lệ cất cánh đúng giờ của toàn ngành hàng không Việt Nam giai đoạn này đạt 81,8%; trong đó, Vietravel Airlines dẫn đầu về tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ (OTP) trong tháng 7/2022 là 91,9%, tiếp theo là Bamboo Airways với tỷ lệ OTP là 91,7%, Vietjet Air ghi nhận tỷ lệ đúng giờ là 81% và thấp nhất là Vietnam Airlines với tỷ lệ OTP chỉ đạt 76,3% với 8.862 chuyến bay đúng giờ trong tổng 11.610 chuyến mà hãng này khai thác trong tháng 7.

Cục Hàng không Việt Nam cho hay, trong tháng 7 tỷ lệ cất cánh muộn (chậm chuyến) của toàn ngành hàng không là 18,2%; trong đó, Bamboo Airways có tỷ lệ chậm chuyến là 8,3%; tỷ lệ chậm chuyến ở Vietnam Airlines và Vietjet Air lần lượt là 23,7% và 19%.

Trong khi đó, tỷ lệ hủy chuyến của ngành hàng không nội địa trong giai đoạn này là 0,12%, giảm 4 điểm so với cùng kỳ 2021. Trong 3 hãng bay nội địa lớn nhất, Vietnam Airlines có tỷ lệ hủy chuyến lớn nhất với 0,2% chuyến bay bị hủy. Vietjet Air có tỷ lệ hủy chuyến thấp hơn với 0,04%. Riêng Bamboo Airways không hủy chuyến bay nào trong tháng 7/2022.

Theo số liệu thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, các nhóm nguyên nhân chính gây nên việc chuyến bay bị chậm chuyến bao gồm: Trang thiết bị và dịch vụ tại cảng; quản lý, điều hành bay; thời tiết; hãng hàng không; tàu bay về muộn và các lý do khác. Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng chậm chuyến của các hãng trong giai đoạn này đến từ việc tàu bay về muộn, chiếm tỷ trọng 77,7%.

Thị trường hàng không Việt Nam đang ghi nhận tốc độ phục hồi và bứt phá đáng kinh ngạc sau dịch bệnh. Theo công bố mới nhất của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế IATA, Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới.

Trong một diễn biến liên quan, Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản chấn chỉnh, hạn chế tình trạng chậm, hủy chuyến tháng 7/2022. Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam cho hay, tháng 7/2022, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đã đạt gần 12 triệu lượt hành khách; trong đó, sản lượng khách trên các chuyến bay nội địa đạt hơn 10,5 triệu lượt hành khách tăng 40,3% so với tháng 7/2019 (cùng thời điểm cao điểm Hè nhưng trước dịch COVID-19) và tăng gần 6% so với tháng 6/2022.

Trong điều kiện hạ tầng tại các cảng hàng không của Việt Nam hầu như không được bổ sung, nguyên nhân khách quan từ tình hình thời tiết mưa dông bất thường tại nhiều địa phương có cảng hàng không và đặc biệt là các nguyên nhân chủ quan từ hãng hàng không khi không đánh giá được nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến, khiến tình trạng chuyến bay bị chậm, huỷ trong tháng 7/2022 vào nhiều thời điểm đã tăng cao đột biến, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ ngành hàng không nói riêng và hình ảnh của ngành hàng không nói chung.

Với tinh thần cầu thị, quyết liệt hạn chế tình trạng chậm, hủy chuyến bay, Cục Hàng không Việt Nam đã đưa ra những yêu cầu, chỉ đạo các đơn vị trong ngành hàng không thường xuyên thực hiện.

Đối với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu bố trí trang thiết bị, nguồn lực nhằm tăng cường năng lực khai thác của các sân bay đặc biệt là các sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Đối với các hãng hàng không Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu bố trí các chuyến bay đêm nhằm giảm áp lực đối với cảng hàng không; đảm bảo bố trí tàu bay, trang thiết bị, vật tư dự phòng để kịp thời bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay; thực hiện nghiêm các chuyến bay theo đúng slot đã được cấp; luôn bố trí đại diện có thẩm quyền giải quyết thắc mắc, khiếu nại của hành khách.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, Cục Hàng không Việt Nam cho biết luôn bám sát và theo dõi chặt chẽ việc đảm bảo chất lượng dịch vụ nói chung và tỷ lệ chậm, hủy chuyến nói riêng của các hãng hàng không Việt Nam, bên cạnh đó yêu cầu các đơn vị trong ngành hàng không xây dựng, triển khai nhiều giải pháp mang tính tổng thể về nâng cao năng lực hạ tầng cảng hàng không cũng như các chương trình, kế hoạch cụ thể.

Đối với các Cảng vụ hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn, an ninh hàng không và chất lượng dịch vụ tại cảng hàng không sân bay đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường giám sát việc thực hiện nghĩa vụ của người vận chuyển trong trường hợp hành khách bị từ chối vận chuyển, chuyến bay bị hủy, chuyến bay bị chậm kéo dài; cung cấp thông tin hướng dẫn hành khách đi lại bằng đường hàng không bảo đảm đúng lịch trình.

Đặc biệt giai đoạn vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam đã tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình chậm, hủy chuyến tại các cảng hàng không Tân Sơn Nhất và Nội Bài và tiếp tục triển khai một số giải pháp cụ thể như tăng năng lực quản lý điều hành bay; tối ưu hóa vị trí đỗ tàu bay; tăng cường hiệu quả của công tác quản lý, điều phối slot (giờ cất hạ cánh); nghiên cứu thời gian quay đầu tàu bay…/.

>>Tăng chuyến bay khứ hồi Hà Nội – Đồng Hới lên 21 chuyến/tuần

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục