Viettel phủ kín mạng 4G toàn Đông Dương và Myanmar

18:22' - 05/04/2018
BNEWS Với lợi thế hạ tầng mạng di động 4G vượt trội của Viettel tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar sẽ phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, du khách và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Viettel phủ kín mạng 4G toàn Đông Dương và Myanmar, tạo động lực phát triển kinh tế. Ảnh: Viettel cung cấp

Đại diện Viettel cho biết với lợi thế hạ tầng mạng di động 4G vượt trội của Viettel tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar sẽ phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, du khách và góp phần thúc đầy phát triển kinh tế - xã hội tại 4 quốc gia này.

Đi tắt, đón đầu công nghệ 4G

Tính đến thời điểm này, tổng số thị trường Viettel triển khai 4G lên 8 nước gồm: Lào, Campuchia, Haiti, Burundi, Peru, Đông Timor, Myanmar và Việt Nam. 

Ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Viettel cho hay, tại Việt Nam, Viettel có 36.000 trạm thu phát sóng, phủ 95% dân số, là nhà mạng đầu tiên trên thế giới có vùng phủ 4G toàn quốc ngay khi bắt đầu cung cấp dịch vụ. 

Theo ông Hoàng Sơn, với quan điểm đầu tư một mạng 4G siêu tốc độ và hiện đại nhất thế giới, 100% trạm thu phát 4G của Viettel sử dụng công nghệ 4T4R (4 phát, 4 thu), cho phép mở rộng vùng phủ sóng lên 1,4 lần và tăng tốc độ download lên gần 2 lần so với công nghệ 2T2R (2 phát 2 thu) đang phổ biến trên thế giới. Thống kê của GSA cho thấy tính đến hết tháng 1/2017 có 581 doanh nghiệp viễn thông trên toàn thế giới cung cấp 4G, nhưng chỉ có dưới 10% nhà mạng sử dụng công nghệ 4T4R (gồm các hãng viễn thông thuộc Top đầu thế giới: Vodafone, Orange, T.Mobile, Telefonica, Singtel, China Mobile,…).

Ông Phan Hà Trung, Phó Chủ tịch Phụ trách kinh doanh của Ericsson Việt Nam, cho rằng, Viettel ra mắt 4G bằng công nghệ gần như mới nhất bây giờ. Rất nhiều hãng viễn thông đã đi trước Viettel, triển khai 4G cách đây mấy năm rồi nhưng họ thường bắt đầu bằng công nghệ 2 thu 2 phát. Ngay cả Mỹ và Ấn Độ cũng có một vài hãng viễn thông bắt đầu triển khai công nghệ 4 thu 4 phát song chỉ ở những vùng trọng điểm về mức độ thâm nhập và lưu lượng người sử dụng. Còn việc sử dụng 4 thu 4 phát cho toàn bộ cả nước như Viettel thì chưa có một hãng viễn thông nào làm. 

Theo ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Viettel,Viettel hiện đã phát triển hơn 10 triệu thuê bao di động 4G tại Việt Nam. Hiện mạng 4G của Viettel đã chiếm 50% lưu lượng toàn mạng Viettel, với 37.000 trạm và phủ sâu rộng khắp toàn quốc, từ thành thị, miền núi đến biển đảo. 

Còn tại Lào, mạng di động Unitel do Viettel đầu tư là nhà mạng duy nhất cung cấp các dịch vụ nội dung số cho di động trên nền 3G/4G phủ khắp 17/17 tỉnh thành. Tại Campuchia, mạng di động Metfone do Viettel đầu tư đã đưa vào khai thác 1.700 trạm 4G, dự kiến tiếp tục đầu tư 4G với mục tiêu vùng phủ 4G tương đương 3G. Hiện Metfone có tỷ tệ khách hàng sử dụng data cao nhất trong các thị trường nước ngoài mà Viettel đầu tư. 

Cùng với việc đầu tư mạng băng rộng phủ kín Đông Dương, khách hàng Viettel di chuyển trong Đông Dương được giảm tới hơn 13 lần giá cước cuộc gọi quốc tế trong khu vực, giảm 160 lần giá cước data, cước tin nhắn giảm gần 10 lần. Viettel vừa giảm đến 99% giá cước Roaming tại Myanmar, đồng thời giảm giá cước data roaming tại Philippines, Indonesia. Đây thực sự là một tin vui cho những ai có kế hoạch công tác, du lịch, thăm người thân tại 3 nước Myanmar, Philippines, Indonesia vào mùa hè này.

Internet băng rộng lên gấp đôi, GDP tăng lên 0,3% tương ứng

Sau 1 năm xây dựng hạ tầng, vào giữa tháng 2/2018, nhà mạng non trẻ nhất ở Myamar là Mytel đã thực hiện cuộc gọi kỹ thuật đầu tiên. Đây là thương hiệu viễn thông liên doanh giữa Tổng công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) cùng Myanmar National Telecom Holding Public Limited (MNTH) và Star High Public Company Limited (Star High). 

Tổng vốn đầu tư của Mytel là 2 tỉ đô la Mỹ (USD); trong đó, Viettel nắm giữ 49% cổ phần. Mytel có 7.000 trạm phát sóng và 30.000 km cáp quang và trở thành nhà mạng số 1 tại Myanmar có hệ thống mạng lưới lớn nhất, phủ tới 90% đất nước. Trong quý I/2018, Mytel sẽ chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông rộng khắp trên toàn Myanmar và dịch vụ internet di động hoàn toàn trên nền 4G LTE. Mytel là mạng có hạ tầng lớn nhất và vượt trội về 4G tại Myanmar. 

Ông Lars Werne, Giám đốc Công nghệ Ericsson Việt Nam và Myanmar, cho rằng, đối với người tiêu dùng, lợi ích lớn nhất có thể thấy được là tốc độ download và upload của 4G nhanh hơn hẳn so với 3G. Từ đó người dùng có thể phát trực tuyến các kênh ca nhạc và video, tải dữ liệu lên, xuống, lướt web bằng điện thoại di động và máy tính bảng nhanh chóng giống như khi kết nối băng thông rộng cố định ở nhà. Người dùng có thể được tư vấn trực tiếp qua video với nhân viên ngân hàng viên về khoản vay hoặc được bác sĩ ở khắp nơi trên thế giới khám bệnh từ ứng dụng đối thoại và truyền video trên điện thoại di động.

Khi tăng tốc độ internet băng rộng lên gấp đôi, GDP tăng lên 0,3% tương ứng. “4G có khả năng cho tốc độ nhanh hơn 10 lần so với 3G. Vậy chúng ta có thể tưởng tượng tầm ảnh hưởng lớn như thế nào của 4G đối với nền kinh tế. 4G giúp cho các doanh nghiệp hiện tại phát triển sáng tạo hơn, giảm chi phí hoạt động, trong khi khuyến khích đầu tư từ nước ngoài” - ông Lars Werne nhấn mạnh./

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục