VIMC kinh doanh khả quan nhờ cước vận tải và lưu thông hàng hóa tăng cao

19:27' - 20/04/2022
BNEWS Báo cáo kết quả kinh doanh của VIMC cho thấy nhiều tín hiệu kinh doanh khả quan nhờ cước vận tải biển và lưu thông hàng hóa bằng đường biển tăng cao trong năm 2021.
Ngày 20/4, tại Hà Nội, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2022. Báo cáo kết quả kinh doanh của VIMC cho thấy nhiều tín hiệu kinh doanh khả quan nhờ cước vận tải biển và lưu thông hàng hóa bằng đường biển tăng cao trong năm 2021.

Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC cho hay, với thị trường vận tải biển dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt, giá cước cao, năm 2022 sẽ hết lỗ lũy kế và bắt đầu có lợi nhuận. Đồng thời, tiếp tục chuyển hướng đầu tư vào đội tàu vận tải container, với việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ thêm khoảng 1.000 tỷ đồng.

“Sau khi được cổ đông thông qua, Tổng công ty sẽ hoàn thiện thủ tục để báo cáo Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt vì hiện nhà nước vẫn nắm 99% cổ phần tại VIMC. Mục tiêu phát hành cổ phiếu tăng vốn lần này có xét ưu tiên cho cổ đông hiện hữu, phát hành cho các đối tác chuyên về vận tải container để hợp tác phát triển vận tải loại hàng này”, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh chia sẻ.

Năm 2021, VIMC đạt doanh thu hợp nhất hơn 14.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 3.640 tỷ đồng. Trong đó, công ty mẹ đạt doanh thu 1.825 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 230 tỷ đồng. Kết quả này có được là do giá cước vận tải biển tăng mạnh, giúp khối vận tải biển sau nhiều năm thua lỗ kéo dài đã có lợi nhuận. Riêng khối dịch vụ hàng hải (kho bãi) lợi nhuận thấp do chịu ảnh hưởng bởi các đợt giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19.

 

Trong năm qua, khối cảng biển đạt lợi nhuận gần 2.300 tỷ đồng (chiếm 71% tổng lợi nhuận hợp nhất); khối vận tải biển đạt lợi nhuận 869 tỷ đồng (tăng gấp 5 lần so với năm 2020); khối dịch vụ hàng hải cũng lãi hơn 57 tỷ đồng. Trong đó, một số cảng đạt kết quả nổi bật như: Cảng Sài Gòn, Cảng Quy Nhơn… Cũng trong năm 2021, hệ thống cảng của VIMC phát triển thêm được 13 tuyến dịch vụ container mới về các cảng: Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, SSIT (Công ty TNHH liên doanh dịch vụ container quốc tế cảng Sài Gòn), CMIT (Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép).

Mặc dù năm vừa qua công ty mẹ VIMC có lãi, nhưng do số lỗ năm 2020 chuyển sang hơn 1.117 tỷ đồng nên lũy kế tới hết năm tài chính 2021 doanh nghiệp này vẫn lỗ hơn 886 tỷ đồng.

Năm 2022, VIMC dự kiến đạt tổng doanh thu hợp nhất hơn 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 2.518 tỷ đồng. Trong đó, công ty mẹ - Tổng công ty (VIMC) đạt doanh thu khoảng 1.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 240 tỷ đồng.

Cùng với đó, VIMC sẽ triển khai thực hiện các dự án phát triển hạ tầng lớn như: Dự án bến số 3, 4 - cảng cửa ngõ Lạch Huyện; nâng cấp và mở rộng cảng Quy Nhơn; các dự án đầu tư của cảng Tiên Sa giai đoạn 2 và nghiên cứu đầu tư cảng Liên Chiểu, cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ; tái cơ cấu đội tàu theo hướng phát triển đội tàu vận tải container tải trọng lớn, hiện đại cùng các container đồng bộ; thanh lý các tàu biển thế hệ cũ (15 tàu với tổng trọng tải 372.293 tấn).

Ngoài ra, VIMC chú trọng đầu tư hệ thống công nghệ thông tin có tính xương sống, kết nối toàn bộ các doanh nghiệp thành viên nhằm chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực kinh doanh của Tổng công ty và phát triển chuỗi dịch vụ logistics “door to door”…

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC, tên trước đây là Vinalines) có tổng tài sản hơn 13.800 tỷ đồng; trong đó, vốn chủ sở hữu hơn 11.100 tỷ đồng, nợ phải trả trên 2.700 tỷ đồng. Hiện Tổng công ty có 19 công ty con, 15 công ty liên kết và nhiều cảng biển lớn như: Hải Phòng, Sài Gòn, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cái Mép - Thị Vải…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục