Vốn đầu tư cho ngành điện - Bài 1: Vẫn trông chờ vào nguồn vốn vay

07:39' - 05/08/2016
BNEWS Việc huy động vốn từ các đơn vị ngoài ngành điện mấy năm gần đây Việt Nam làm tương đối tốt, song phần lớn vẫn phải trông chờ vào nguồn vốn vay, đầu tư của nước ngoài.
Trên công trường thi công Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1. Ảnh: Huy Hùng–TTXVN

Theo Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030 hiệu chỉnh (Quy hoạch điện 7) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây, tổng công suất các nguồn điện vào năm 2020 phải đạt khoảng 60.000 MW; trong đó, nhiệt điện than khoảng 42,7%, thủy điện hơn 30%...

Đến năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện vào khoảng 96.500 MW và năm 2030 là 129.500 MW.

Để đạt được mục tiêu này, tổng vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện giai đoạn 2016-2030 là khoảng 148 tỷ USD, tương đương hơn 9 tỷ USD/năm (không tính các nguồn điện đầu tư theo hình thức BOT, điện nguyên tử).

Theo nhận định của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, trong điều kiện thu xếp vốn cho đầu tư sản xuất điện còn nhiều khó khăn, thì việc hoàn thành các mục tiêu trên là thách thức không nhỏ.

Con số về vốn đầu tư cho ngành điện giai đoạn tới thực sự là bài toán nan giải.

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam,  hiện nay, để xây một nhà máy nhiệt điện công suất 1.200 MW cần tổng vốn đầu tư khoảng 1,8 – 2 tỷ USD (tương đương khoảng 40.000 tỷ đồng).

Với tỷ lệ vốn đối ứng của doanh nghiệp khi đầu tư thực hiện dự án là 25 - 30% thì cần tới khoảng 600 triệu USD, tương đương 12.000 – 13.000 tỷ đồng.

Nếu với nhiều dự án thực hiện, kể cả nguồn, lưới điện thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần tới nhiều nghìn tỷ đồng vốn đối ứng để phục vụ cho việc vay đủ vốn thực hiện.

Trong khi đó, mỗi năm đơn vị này chỉ lãi khoảng 4.000 tỷ đồng, chưa đủ vốn đối ứng cho 1 dự án. Đó là chưa nói tới đầu tư điện gió, điện mặt trời; do dó gánh nặng về vốn cho phát triển điện là rất lớn.

Về nguồn vốn vay của các tổ chức nước ngoài, ông Ngãi cho rằng, trước đây khi là nước nằm trong ngưỡng quốc gia đang phát triển có thu nhập thấp thì Việt Nam được hưởng nhiều ưu đãi từ nguồn vốn ODA; trong đó đóng góp nhiều nhất là ODA của Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)….

Tuy nhiên, từ khi Việt Nam đã thoát được ngưỡng này thì nguồn vốn ưu đãi không còn, nếu còn thì rất ít, chủ yếu dành cho đầu tư xây dựng lưới điện nông thôn, vùng sâu vùng xa với khoảng vài trăm triệu USD/năm, trong khi trước đây là vài tỷ USD/năm.

Thêm vào đó, nguồn vốn vay này cũng phải đối mặt với rủi ro là biến động về tỷ giá do vay ngoại tệ chủ yếu là USD và vay dài hạn.

Thực tế, ngành điện thời gian qua đã mất mấy chục nghìn tỷ đồng cho việc tăng tỷ giá.

Theo ông Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hiệp hội Điện lực Việt Nam, câu chuyện vốn đầu tư cho điện đã có từ lâu, khi nhu cầu tăng trưởng càng nhanh thì câu chuyện này càng như một bài toán khó.

Việc huy động vốn từ các đơn vị ngoài ngành điện mấy năm gần đây Việt Nam làm tương đối tốt, song theo ông Long, phần lớn vẫn phải trông chờ vào nguồn vốn vay, đầu tư của nước ngoài.

Tuy nhiên, câu chuyện này lại liên quan đến giá điện khi còn thấp nên chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Để kêu gọi đầu tư, nhiều nước đã tiến hành thị trường tự do cạnh tranh.

Những năm gần đây, Việt Nam đã thực hiện thị trường điện cạnh tranh nhưng tiến độ đang rất chậm so với lộ trình dự kiến.

Xem tiếp Bài 2: Vốn đầu tư cho ngành điện: Khó cả trong lẫn ngoài

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục