Vốn tối thiểu 100 tỷ mới được kinh doanh hàng không

17:47' - 22/06/2016
BNEWS Vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không. Theo đó, mức kinh doanh hàng không chung được quy định là 100 tỷ đồng.
Vốn tối thiểu 100 tỷ mới được kinh doanh hàng không. Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN

Bộ Giao thông Vận tải vừa có trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng tại Việt Nam.

Với mục tiêu đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành hàng không và hội nhập kinh tế quốc tế, việc xây dựng Nghị định bảo đảm sự thống nhất, rõ ràng của hệ thống pháp luật về hàng không dân dụng và đầu tư kinh doanh; bảo đảm sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam với các quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Một trong những điểm mới của dự thảo Nghị định này là quy định điều kiện về vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không. Theo đó, mức kinh doanh hàng không chung được quy định là 100 tỷ đồng.

Ngoài ra, nếu khai thác đến 10 tàu bay, mức vốn tối thiểu sẽ tăng lên là 700 tỷ đồng đối với doanh nghiệp có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế và 300 tỷ đồng đối với doanh nghiệp chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa.

Doanh nghiệp khai thác từ 11 tàu bay đến 30 tàu bay mức vốn tối thiểu yêu cầu là 1.000 tỷ đồng đối với doanh nghiệp có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế và 600 tỷ đồng đối với doanh nghiệp chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa.

Doanh nghiệp khai thác trên 30 tàu bay, quy định vốn tối thiểu sẽ tăng lên 1.300 tỷ đồng đối với doanh nghiệp có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế và 700 tỷ đồng đối với doanh nghiệp chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa.

Về quy định đối với các doanh nghiệp kinh doanh hàng không có vốn đầu tư nước ngoài, dự thảo Nghị định nêu rõ, bên nước ngoài chiếm không quá 30% vốn điều lệ và c á nhân Việt Nam hoặc pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài không quá 49% phải giữ phần vốn điều lệ lớn nhất . Việc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài chỉ được thực hiện sau 2 năm kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không.

Như vậy, các quy định trên phần lớn được chuyển hóa từ Nghị định 30/2013/NĐ-CP về kinh doanh vận tải hàng không và hàng không chung vì mục đích thương mại. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định đã làm rõ hơn việc chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đối với kế hoạch phát triển đội tàu bay theo định kỳ 5 năm của các hãng hàng không sau 5 năm kể từ ngày doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, điều này đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển vận tải hàng không, sự đáp ứng của kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay.

Về lĩnh vực kinh doanh cảng hàng không, sân bay, dự thảo Nghị định nêu ra hai phương án. Phương án 1 yêu cầu mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp cảng hàng không đối với đầu tư kinh doanh cảng hàng không nội địa là 100 tỷ đồng; đầu tư kinh doanh cảng hàng không quốc tế là 200 tỷ đồng.

Trong đó, tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài chiếm không quá 30% vốn điều lệ; tỷ lệ vốn của các hãng hàng không chiếm không quá 30% vốn điều lệ. Phương án 2 tương tự phương án 1 nhưng có bổ sung thêm tỷ lệ vốn nhà nước không được thấp hơn 65% vốn điều lệ. Phương án này được xây dựng dựa trên những nội dung đã được quy định tại Nghị định 102/2015/NĐ-CP và một số quy định từ Thông tư số 16/2010/TT-BGTVT.

Giải thích lý do đưa ra hai phương án trên, tại Tờ trình Chính phủ về dự thảo Nghị định, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa nêu rõ: Quy định về tỷ lệ vốn của doanh nghiệp cảng hàng không trong Nghị định số 102/2015/NĐ-CP phù hợp với kế hoạch cổ phần hóa Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đang triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, nếu giữ nguyên quy định này sẽ khó khăn cho việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng cảng hàng không, đặc biệt đối với những dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép nhà đầu tư tư nhân đầu tư xây dựng toàn bộ như Quảng Ninh, Lào Cai.

Sau khi các cảng hàng không này được xây dựng xong, nếu áp dụng quy định tại Điều 37 của Nghị định 102/2015/NĐ-CP thì mô hình quản lý khai thác sẽ phải thực hiện như sau: Công ty tư nhân quản lý khai thác các công trình thương mại (dịch vụ nhà ga); Nhà nước phải lập ra doanh nghiệp cảng hàng không (tối thiểu 65% vốn nhà nước) để khai thác phần khu bay. Việc đầu tư vốn nhà nước như vậy không những không không sinh lời, mà sẽ gặp khó khăn khi phải sửa chữa lớn hoặc đầu tư nâng cấp, mở rộng về sau./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục