Vụ bê bối Nissan ảnh hưởng như thế nào đối với Nhật Bản? (Phần 2)

07:27' - 16/12/2018
BNEWS Có thể thấy, vấn đề lợi ích quốc gia của Nhật Bản liên quan đến tương lai của Nissan đã trở nên ngày càng phức tạp.
Chủ tịch Nissan Carlos Ghosn. Ảnh: Reuters

Ngành công nghiệp ô tô rõ ràng có vị trí mang tính sống còn đối với nền kinh tế Nhật Bản. Nếu Nissan phải đối mặt với viễn cảnh bị Renault nuốt chửng, có khả năng sẽ có nhiều lời kêu gọi mua thêm cổ phần trong công ty Pháp, hoặc những động thái khác mạnh mẽ hơn.

Mặt khác, ngành công nghiệp này cũng rất quan trọng đối với nền kinh tế Pháp và Tổng thống Macron trên thực tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, thể hiện qua các cuộc thăm dò về tỷ lệ ủng hộ đối với nhà lãnh đạo này. Ông Macron, người đã cam kết sẽ phục hồi lại ngành sản xuất của Pháp, có rất nhiều lý do để bảo vệ lợi ích của Pháp trong liên minh Renault-Nissan.

Tuy nhiên, bảo vệ lợi ích quốc gia không chỉ là việc bảo đảm thêm nhiều lợi ích kinh tế, mà còn duy trì danh tiếng và vị thế của nước đó trên trường quốc tế. Trong suốt thời kỳ hậu chiến, Nhật Bản đã luôn nhấn mạnh cam kết hợp tác quốc tế. Tầm ảnh hưởng ngoại giao của Tokyo sẽ bị ảnh hưởng nếu nước này bị coi là đang thúc đẩy chương trình nghị sự theo hướng “Nhật Bản trên hết”.

Trong bối cảnh hiện nay khi mà các cáo buộc chống lại vị cựu Chủ tịch Nissan vẫn chưa rõ ràng, phương tiện truyền thông Pháp đã nêu lên những câu hỏi liên quan đến vụ bắt giữ đột ngột của ông Ghosn và những động cơ của đội ngũ quản lý của Nissan.

Ông Carlos Ghosn (mang 3 quốc tịch Pháp, Brazil và Lebanon) từng được ca ngợi là “vị cứu tinh” giúp hãng Nissan vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế trong thập niên 90 của thế kỷ trước, cũng như hỗ trợ hãng Mitsubishi chống chọi với thời kỳ kinh doanh giảm sút sau khi hãng bị cáo buộc làm giả số liệu về chỉ số tiêu thụ nhiên liệu. Vụ bê bối hiện tại cũng đặt ra nguy cơ khiến Nhật Bản bị coi là một đất nước không chịu chấp nhận các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài.

Một cuộc xung đột giữa chính sách "nước Pháp trước tiên" và "Nhật Bản trước tiên" có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho cả hai bên, đó là nhận định của giáo sư Masahiro Kohara tại Đại học Tokyo. Nhật Bản và Pháp đều là hai quốc gia cam kết tuân thủ các nguyên tắc của một nền kinh tế tự do và cởi mở, trái ngược với chủ nghĩa tư bản do nhà nước kiểm soát của Trung Quốc.

Theo giáo sư Kohara, Thủ tướng Shinzo Abe nên có một cuộc thảo luận dài và mang tính xây dựng với Tổng thống Macron để đảm bảo hợp tác công nghiệp song phương rộng lớn, vượt xa vấn đề của Nissan, và xây dựng mối quan hệ hợp tác để thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0).

Tokyo và Paris đang tăng cường hợp tác an ninh song phương với lợi ích chung trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Nỗ lực của chính phủ Macron trong mục tiêu đưa nước Pháp trở thành trung tâm khởi nghiệp của châu Âu cũng có thể mang lại những lợi ích tiềm năng đáng kể cho Nhật Bản./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục