Vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris: Nhiều câu hỏi còn để ngỏ
 


10:31' - 20/04/2019
BNEWS Theo ghi nhận của Le Monde, ngay khi tai họa giáng xuống Nhà thờ Đức Bà Paris, những người hảo tâm lớn cũng như nhỏ đã tỏ ý sẵn sàng quyên góp để tái thiết di sản này.
Nhà thờ Đức Bà Paris bị phá hủy một phần sau vụ hỏa hoạn ngày 16/4/2019. Ảnh: THX/ TTXVN 

Dưới dạng tựa đậm hay ảnh lớn trang nhất, các báo Pháp ra ngày 18/4 tiếp tục đưa tin đậm nét quyết tâm tái thiết nhanh Nhà thờ Đức Bà Paris cũng như làn sóng đoàn kết, sẵn sàng quyên góp khôi phục di tích, song cũng "không quên" nêu bật luồng dư luận trái chiều tại Pháp, chỉ trích các đại gia, rất hào phóng tái thiết công trình văn hoá độc nhất vô nhị này, nhưng dửng dưng trước cảnh khốn khó của nhiều tầng lớp xã hội Pháp.

* Ai hưởng lợi trong chiến dịch quyên góp?

Theo ghi nhận của Le Monde, ngay khi tai họa giáng xuống Nhà thờ Đức Bà Paris, những người hảo tâm lớn cũng như nhỏ đã tỏ ý sẵn sàng quyên góp để tái thiết di sản này.

Hàng ngàn người đã đăng ký góp tiền cho Quỹ Di sản, gửi tiền tặng các quỹ nhỏ đã được mở ra trên Internet để quyên góp, trong lúc các đại gia giàu có nhất nước Pháp, các doanh nghiệp lớn, cả trong nước lẫn ngoài nước, đã đua nhau thông báo đóng góp những món tiền khổng lồ. Mốc một tỷ euro, theo Le Monde, dễ dàng được vượt qua.

Les Echos ghi nhận là Chính phủ Pháp vào tuần tới sẽ trình một dự luật tăng cường quyền lợi về thuế cho tất cả các cá nhân đóng góp tài chính cho việc tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris.

Nhưng theo Le Monde, chỉ ít lâu sau khi phong trào quyên góp xuất hiện, ngày 16/4, nhiều tiếng nói đã vang lên, cả trong đa số cầm quyền lẫn trong phe đối lập, để chỉ trích việc giảm 60% thuế trên các khoản tiền mà các doanh nghiệp đóng góp cho việc tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris.

Đối với cá nhân, khoản khấu trừ này sẽ là 75% cho những khoản dưới 1.000 euro và 66% cho các khoản lớn hơn. Dân biểu đảng Những người Cộng hoà Gilles Carrez, báo cáo viên đặc biệt phụ trách vấn đề di sản tại Ủy ban Tài chính Quốc hội Pháp, ngày 16/4, đã cho rằng trong số gần 700 triệu euro tiền quyên góp được các đại gia công bố vào thời điểm đó, có khoảng 420 triệu euro sẽ được nhà nước tài trợ, theo ngân sách năm 2020.

Nói cách khác, chính người dân, qua tiền đóng thuế, sẽ phải chịu gánh nặng tái thiết, trong khi những người quyên tặng lại được quảng cáo nhờ hành động rất hào phóng của mình.

Một luồng dư luận chỉ trích thứ hai nhắm vào các nhà tài trợ lớn, cho rằng giới nhà giàu đã có thể "búng tay" một cái là tung ra 100 triệu euro, 200 triệu euro chi cho việc tái thiết. Họ đã lợi dụng thảm kịch, tỏ ra rất hào phóng để quảng cáo cho mình trong tư cách là cứu tinh của Nhà thờ Đức Bà Paris, trong khi không thèm đếm xỉa gì đến “tình trạng cấp bách” của xã hội, với những tầng lớp nghèo đang bị rơi vào cảnh khốn cùng.

Những lời chỉ trích này được ghi nhận chủ yếu trong những người thuộc phong trào "Áo vàng", giới nghiệp đoàn, các đảng cánh tả hay cực hữu.

* Nhiệm vụ bất khả thi?

Một điểm chung giữa Le Monde và Libération hôm nay là cả hai tờ báo đã tiếp tục dành tựa lớn trang nhất cho Nhà thờ Đức Bà Paris và đều chú ý đến tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, theo đó công trình lịch sử này sẽ được khôi phục trong thời hạn 5 năm.

Dưới tựa đề lớn rất khách quan: “Công trình khôi phục Nhà thờ Đức Bà Paris”, Le Monde nhắc lại rằng trong thông điệp gửi toàn dân tối 16/4, Tổng thống Macron đã tỏ hy vọng là Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ được khôi phục trong vòng 5 năm.

Trái lại, Libération lại tỏ ý hoài nghi về thời hạn mà Tổng thống Pháp đề ra. Ngay trang nhất, bên trên một bức hình tháp “Mũi tên” của Nhà thờ Đức Bà Paris lúc còn nguyên vẹn, chưa bị phá hủy, tờ báo cho rằng “5 năm để tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris: Macron tin vào kỳ tích”.

Đối với Libération, 5 năm là một kỳ hạn không thực tế do quy mô to lớn của công việc, nhất là khi công trình chưa được gia cố một cách an toàn sau hỏa hoạn. Theo tờ báo, Tổng thống Pháp Macron, đã cho rằng 5 năm là điều “có thể”, nhưng nếu làm được trong thời hạn đó thì quả là một “kỳ công”.

Libération đã nêu bật một loạt những công việc cần thời gian lâu dài. Trước hết là phải đảm bảo sao cho phần còn lại của Nhà thờ vẫn vững vàng sau khi nhiều cột gỗ đã thiêu rụi, sau khi khối gạch đá làm nên công trình bị tưới nước trong 48 tiếng đồng hồ liên tục. Một chuyên gia đã cho rằng, để cho Nhà thờ khô hẳn, phải mất một năm.

Vấn đề tiếp theo là phải ước tính được sức nặng của các vật thể sẽ được chồng lên cái sườn còn đứng vững của toà nhà, mà sức chịu đựng đã giảm sụt đáng kể sau cơn hỏa hoạn.

Về kiến trúc công trình, cũng có vấn đề, đặc biệt là Mũi tên của Nhà thờ đã bị phá hủy hoàn toàn. Thủ tướng Edouard Philippe đã loan báo khởi động một cuộc thi kiến trúc quốc tế về tái thiết tháp Mũi tên, cho rằng công cuộc tái thiết là “một thách thức to lớn, một trách nhiệm lịch sử, là công trình mà thế hệ hiện thời cũng như các thế hệ về sau phải đảm đương”. Vấn đề là làm lại Mũi tên như thế nào, như cũ (tức là từ thế kỷ 19) mà người ta thường thấy, như vào thời khởi thủy khi Nhà thờ mới được xây dựng, hay thay bằng một cái gì mới hoàn toàn cho phù hợp với công nghệ ngày nay.

Libération còn nêu lên nhiều vấn đề khác như đấu thầu xây dựng, các thủ tục hành chính phải thực hiện, tìm được nhân công lành nghề. Các công việc này đòi hỏi nhiều thời gian, làm cho thời hạn 5 năm trở thành quá ngắn.

Một tranh cãi khác liên quan đến cái gọi là sự “thiếu quan tâm của chính quyền” đến việc bảo tồn các công trình văn hoá.

Về vấn đề này, Le Monde ghi nhận những tiếng nói phê phán từ phía giới hoạt động bảo vệ di sản văn hoá, tố cáo tình trạng phương tiện eo hẹp mà nhà nước cung cấp cho việc bảo vệ di sản, cũng như tình trạng thiếu tôn trọng các quy định phòng cháy chữa cháy.

Chuyên gia Didier Rykner, Tổng biên tập Tạp chí trực tuyến La Tribune de l’Art, nêu lên tình trạng thiếu bảo trì tại các di tích lịch sử và đặc biệt là các nhà thờ ở Paris.

Chủ tịch Trung tâm André-Chastel, Alexandre Gady, người đứng đầu nhóm nghiên cứu lớn nhất của Pháp về lịch sử nghệ thuật, cũng chỉ ra sự eo hẹp trong ngân sách của các di tích lịch sử Pháp, không tương xứng với tầm cỡ một cường quốc văn hoá như Pháp, một trong những quốc gia cung cấp nhiều di sản thế giới nhất cho cơ quan UNESCO.

Tuy nhiên, theo Le Monde, một chuyên gia khác (giấu tên) về các vấn đề di sản đã phản bác lập luận bi quan kể trên, cho rằng các di tích như Bảo tàng Louvre, Lâu đài Versailles hoặc Nhà thờ Đức Bà Paris, được cung cấp những phương tiện hoạt động quan trọng, không hề bị bỏ bê chút nào. Chuyên gia này nhắc lại rằng Nhà nước chi khoảng 320 triệu euro mỗi năm cho tất cả các di tích lịch sử tại Pháp.

Ông Francis Maude, người đứng đầu nhóm chuyên gia của công ty kiến trúc Donald Install Associates (Anh), cho biết việc thiếu các chuyên gia có trình độ và những tranh cãi về phương pháp xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy có thể gây những khó khăn cho kế hoạch phục dựng của Tổng thống Pháp Macron trong vòng 5 năm,

Theo ông Maude, tìm nguồn tài trợ là một chuyện, nhưng tìm được các chuyên gia với những kỹ năng cần thiết lại là một chuyện hoàn toàn khác. “Tìm được số lượng cần thiết các kiến trúc sư có thể làm việc trên đá, gỗ, thép và kính... là một vấn đề lớn trên khắp châu Âu”, ông Maude nói trong cuộc phỏng vấn của France Press. Ông lưu ý rằng, các dự án khác trong lĩnh vực này ở các nước châu Âu, bao gồm Cung điện Westminster ở Anh, đang đối mặt với những vấn đề tương tự.

Trong quá trình phục dựng nhà thờ, các kiến trúc sư không nhất thiết phải lặp lại diện mạo ban đầu. Trong dự án này họ có thể sử dụng mô hình phục hồi Nhà thờ Reims ở Pháp sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, khi đó các chuyên gia đã lắp đặt mái nhà chống cháy.

Theo ông Maude, các kiến trúc sư có thể hiện đại hoá một số phần của nhà thờ để bảo vệ khỏi nguy cơ hỏa hoạn trong tương lai, nhưng, vẫn phải mất vài tháng để tìm hiểu và biết chắc chắn những phần nào có thể được phục hồi. Ông nói: “Theo tôi, một khó khăn đặc biệt lớn là nhà thờ được xây dựng từ đá vôi - loại đá “nhạy cảm” với lửa và nước, bị phân hủy ở nhiệt độ trên 800 độ và trở nên khó sử dụng trở lại”.

Ông Bertrand de Feydeau, Phó Chủ tịch Quỹ Di sản Pháp, nói với đài phát thanh France Info rằng, phần mái vòm của Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ không thể được phục dựng chính xác như nguyên bản trước khi xảy ra vụ hỏa hoạn. Ông Feydeau nói: “Hiện tại, trên lãnh thổ Pháp, chúng ta không còn những cây gỗ với kích cỡ tương đương những cây từng được chặt vào thế kỷ XIII”. Vì lý do này, theo ông Feydeau, quá trình phục dựng nhà thờ sau hỏa hoạn sẽ phải sử dụng tới những công nghệ mới để làm lại phần mái bị phá hủy.

*Cơ hội cho lao động trẻ

Ngày 18/4, Bộ trưởng Lao động Pháp Muriel Pénicaud đã có cuộc họp với đại diện các nghiệp đoàn thủ công mỹ nghệ để phát động chiến dịch mang tên "Công trường nước Pháp". 

Chiến dịch này có mục tiêu đào tạo các tay nghề trẻ tuổi nhằm đẩy nhanh tiến độ phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris. Trước đó, Tổng thống Macron ngày 17/4, đã đưa ra ý tưởng huy động hàng nghìn lao động trẻ, cũng như phối hợp với tất cả các doanh nghiệp, nghệ sĩ và thợ thủ công từ mọi miền đất nước để hoàn thành cam kết phục dựng nhà thờ trong 5 năm.

Danh sách các ngành nghề liên quan gồm có thợ xây, thợ lợp, thợ làm khung gỗ vòm, thợ khắc đá, thợ mộc, thợ làm kính màu, thợ chế tạo đàn organ, họa sĩ và nghệ sĩ trang trí nội thất. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Lao động Pháp, vẫn còn quá sớm để xác định mức độ đào tạo.

Trước tiên là phải thống kê được số lượng thực tế những lao động chuyên môn hiện có thể huy động trên khắp nước Pháp. Ông Jean-Claude Bellanger, Tổng thư ký Nghiệp đoàn thợ thủ công Pháp, cho rằng cần phải có 550 lao động, gồm 200 thợ lợp, 150 thợ làm mái vòm, 100 thợ xây và 100 thợ khắc đá. Một số chuyên gia khác cho rằng số lao động thủ công mỹ nghệ phải tăng gấp 3 lần so với hiện nay. 

Theo Bộ trưởng Lao động Pháp, thảm kịch Nhà thờ Đức Bà Paris ở một khía cạnh nào đó sẽ là cơ hội để đào tạo và phát triển các ngành nghề thủ công. Mục tiêu nhằm thu hút những lao động trẻ đến với các ngành nghề thú vị này. Bộ trưởng Pénicaud nhấn mạnh đây là những ngành nghề có triển vọng, bởi nhu cầu lao động trên các công trình bảo tồn di sản ngày càng tăng.

Bộ trưởng Pénicaud khẳng định Pháp có nhiều kỹ năng trong việc xây dựng lại nhà thờ. Những kỹ năng này không những không bị thất truyền từ thời Trung cổ, mà ngược lại chúng ngày càng phong phú nhờ các kỹ thuật mới.

Theo dự kiến, lao động trẻ có thể bắt đầu đăng ký học việc từ tháng Chín tới. Cho dù phải cần nhiều thời gian để xây dựng kế hoạch và kịch bản phục dựng cũng như lựa chọn vật liệu, nhưng Pháp đã có sẵn một hệ thống đào tạo tiên tiến và sẵn sàng được mở rộng cho các ngành nghề thủ công mỹ nghệ ngay từ năm học tới.

Theo Bộ trưởng Lao động Pháp, không chỉ thanh niên mà ngay cả những lao động trung niên đang trong quá trình tìm việc làm cũng có thể đăng ký học việc. Bộ trưởng Pénicaud mong muốn rằng phần thực hành của các khóa đào tạo này sẽ được thực hiện ngay trên công trường Nhà thờ Đức Bà Paris.

Bộ trưởng Pénicaud cho biết tất cả đại diện các nghiệp đoàn thủ công mỹ nghệ đã đồng ý tham gia chiến dịch đào tạo lao động, với mong muốn xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris một cách tự hào và thậm chí còn đẹp hơn./.  

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục