Vụ sập cầu ở Mỹ: Lo ngại tác động lan rộng ra toàn bộ nền kinh tế Mỹ

17:56' - 01/04/2024
BNEWS Tuyến đường sông hiện đang bị ách tắc vì thân cầu đổ sập vốn là điểm đầu tiên dẫn vào cảng Baltimore, một trong những cảng bận rộn và hoạt động thường xuyên nhất trên cả nước Mỹ.

Ngày 31/3, các quan chức Mỹ cảnh báo vụ sập cầu Francis Scott Key ở Baltimore có thể gây tác động lan rộng đối với toàn bộ nền kinh tế Mỹ khi mà tuyến vận tải đường thủy chính chuyên lưu thông một số hàng hóa quan trọng vẫn sẽ ách tắc trong ngắn hạn.

Trả lời phỏng vấn hãng tin CNN ngày 31/3, Thống đốc bang Maryland, Wes Moore, cho rằng đây không chỉ là thảm họa kinh tế của riêng thành phố Baltimore hay bang Maryland mà là của cả nền kinh tế quốc gia.

Tuyến đường sông hiện đang bị ách tắc vì thân cầu đổ sập vốn là điểm đầu tiên dẫn vào cảng Baltimore, một trong những cảng bận rộn và hoạt động thường xuyên nhất trên cả nước Mỹ.

Nhiều lĩnh vực và hàng hóa chịu tác động khi cảng Baltimore không được lưu thông, có thể kể đến như các nông dân ở bang Kentucky, các nhà sản xuất ô tô ở Ohio, các chủ nhà hàng ở Tennessee.

 

Tương tự, trả lời trên kênh truyền hình CBS, Bộ trưởng Giao thông Mỹ Pete Buttigieg cho biết việc sớm đưa cảng biển này hoạt động trở lại không chỉ quan trọng với người dân và người lao động ở Baltimore mà còn với các chuỗi cung ứng của đất nước. Bộ trưởng Pete Buttigieg khẳng định công tác dọn dẹp, khơi thông tuyến đường sông này đã bắt đầu từ ngày 30/3 và đang được tiến hành khẩn trương nhưng chưa biết khi nào sẽ hoàn thành.

Trong khi đó, khung thời gian để xây dựng lại cây cầu cũng chưa thể ước tính được. Các quan chức liên bang và giới chức địa phương đều lo ngại chiến dịch giải phóng hiện trường và tái thiết cầu sập sẽ kéo dài và phức tạp.

Theo dữ liệu của bang Maryland, năm 2023, cảng Baltimore tiếp nhận và điều phối khoảng 1,1 triệu container hàng hóa, là cảng bận rộn thứ 9 trên cả nước xét về khối lượng trao đổi thương mại. Với việc xử lý hơn 850.000 lô hàng ô tô và xe tải hạng nhẹ trong năm 2023, cảng Baltimore đứng đầu cả nước năm thứ 13 liên tiếp trong lĩnh vực này.

Thị trưởng Baltimore khẳng định cảng này là số 1 về vận chuyển ô tô và thiết bị nông nghiệp. Do đó, người nông dân ở North Carolina, Kansas và Iowa đều sẽ có thể chịu ảnh hưởng.

Với chiều dài gần 3 km, Francis Scott Key là cây cầu dài nhất ở khu vực đô thị Baltimore và là một trong những tuyến giao thông vận tải huyết mạch đông đúc nhất của Mỹ. Cây cầu được khánh thành vào tháng 3/1977. Mỗi năm có khoảng 11,5 triệu lượt phương tiện lưu thông qua cầu.

Francis Scott Key bị sập khi tàu container Dali mang cờ Singapore bất ngờ chết máy và đâm thẳng vào trụ cầu. Ít nhất 6 người thiệt mạng trong vụ sập cầu này, đến nay mới chỉ tìm thấy 2 thi thể nạn nhân.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục