WB công bố báo cáo khí hậu và phát triển quốc gia cho Ai Cập

09:10' - 10/11/2022
BNEWS Lễ công bố báo cáo được tổ chức bên lề Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27).

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 9/11, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo khí hậu và phát triển quốc gia cho Ai Cập (CCDRs) nhằm đưa ra các khuyến nghị để quốc gia Bắc Phi này có thể đạt được các mục tiêu phát triển, đồng thời giảm thiểu và/hoặc thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.

 

Lễ công bố báo cáo được tổ chức bên lề Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra từ ngày 6-18/11 tại thành phố Sharm El-Sheikh, ở tỉnh Nam Sinai của Ai Cập.

Báo cáo của WB đưa ra ba thách thức chính về khí hậu và phát triển mà Ai Cập đang phải đối mặt mà nếu không được sớm giải quyết sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến người nghèo, các đối tượng dễ bị tổn thương và có thể khiến các mục tiêu phát triển của Ai Cập gặp rủi ro.

Thách thức đầu tiên liên quan tới sự không ổn định trữ lượng tài nguyên nước có sẵn của quốc gia. Báo cáo giải thích rằng sông Nile cung cấp khoảng 97% nguồn nước ngọt của Ai Cập. Biến đổi khí hậu đã làm sụt giảm lượng nước mà quốc gia này nhận được hàng năm. Giả sử duy trì nguồn cung cấp nước như hiện nay, thì với sự gia tăng dân số nhanh, Ai Cập sẽ phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước quá mức vào năm 2033.

Thách thứ thứ hai là những thành phố đông dân cư và các khu vực ven biển dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Báo cáo nhận định rằng tại 14 thành phố lớn của Ai Cập (bao gồm một số thành phố ven biển), hơn 80% dân số phải đối mặt với ít nhất một rủi ro về khí hậu hoặc môi trường, bao gồm lũ lụt, căng thẳng do nhiệt, ô nhiễm không khí, sa mạc hóa và nước biển dâng.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng thách thức thứ ba là việc Ai Cập chuyển sang con đường phát triển xanh và ít carbon không bắt kịp với các thị trường toàn cầu, điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh.

Để giải quyết những thách thức này, báo cáo đã phác thảo các hành động chính sách và cơ hội đầu tư nhằm thực hiện trong 5 năm tới để có thể giúp cải thiện việc sử dụng và phân bổ tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn, giảm tác động của biến đổi khí hậu đối với người dân và doanh nghiệp, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh của Ai Cập trên thị trường toàn cầu.

Theo đó, báo cáo đề xuất giải pháp ứng phó với các rủi ro khí hậu phức tạp bằng cách tăng cường khả năng phục hồi và thích ứng thông qua giảm thất thoát nước xuống mức 20% và xem xét giảm lượng cung cấp nước xuống 80% so với mức hiện nay. Báo cáo cho biết thêm việc này “có thể giúp Ai Cập tiết kiệm hơn 2 tỷ m3 nước hàng năm và cải thiện việc quản lý không gian đối với tăng trưởng đô thị, có thể bảo tồn gần 39.000 ha diện tích xanh và tránh sự phát triển ở các khu vực có nguy cơ cao”.

Trong nông nghiệp, báo cáo khuyến nghị cải thiện các chính sách phân bổ nước và đưa ra những thay đổi về thể chế để cho phép quản lý, phân bổ và phân phối nước tiết kiệm thông qua các hệ thống thủy lợi hiện đại. WB cũng kêu gọi đầu tư vào việc mở rộng và cải thiện hệ thống chia sẻ thông tin liên quan đến khí hậu và thủy văn với các bên liên quan bị ảnh hưởng, điều này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.

Báo cáo đề xuất tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia trong khi thực hiện các mục tiêu phát triển đã nêu bằng cách chuyển đổi sang con đường phát thải thấp thông qua giảm phát thải trong dây chuyền sản xuất dầu khí và giảm thiểu sự kém hiệu quả trong việc sử dụng năng lượng cho phát điện và công nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục