WB: Kinh tế của Malaysia tăng trưởng dương trong năm 2021

15:23' - 22/02/2021
BNEWS Theo WB, nền kinh tế Malaysia sẽ tăng trưởng dương trở lại trong năm nay trong bối cảnh công tác tiêm vaccine ngừa bệnh COVID-19 đang được triển khai hiệu quả trên toàn thế giới.

Cùng với các nền kinh tế khác, nền kinh tế Malaysia sẽ tăng trưởng dương trở lại trong năm nay trong bối cảnh công tác tiêm vaccine ngừa bệnh COVID-19 đang được triển khai hiệu quả trên toàn thế giới. Trên đây là nhận định lạc quan của quan chức Ngân hàng Thế giới (WB), đưa ra ngày 22/2 tại một sự kiện trực tuyến.

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, phát biểu tại Diễn đàn Triển vọng kinh tế và chiến lược Malaysia năm 2021 với chủ đề “Trạng thái bình thường mới hậu COVID-19 - Chúng ta bắt đầu từ đâu?”, nhà kinh tế trưởng Richard Record của Tổ chức Kinh tế vĩ

mô, thương mại và đầu tư thuộc WB cho biết các chuyên gia dự báo mức tăng trưởng toàn cầu là 4% trong năm nay. Trong khi đó, đối với Malaysia, mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 sẽ dao động trong khoảng từ 5,6% - 6,7%.

Ông đồng thời nhận định rằng việc triển khai tiêm vaccine ngừa bệnh COVID-19 có thể hoàn tất vào năm 2021 ở hầu hết các nước, dẫn đến nhu cầu và sự phục hồi mạnh mẽ cũng như thúc đẩy thương mại và giá hàng hóa.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Nhân dân Indonesia (BRI) - ông Anton Hendranata, Chương trình Phục hồi kinh tế quốc gia (PEN) của chính phủ nước này mặc dù được đánh giá là đã có tác động tích cực đến việc khôi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19, tuy nhiên với những tác động của đại dịch, nền kinh tế của Indonesia có thể vẫn suy thoái trong quý I/2021.

Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn lời ông Anton Hendranata cho biết việc quản lý và thực hiện quỹ PEN của chính phủ trong năm 2020 đã phát huy hiệu quả trong việc giúp nền kinh tế Indonesia giảm thiểu suy thoái.

Các khoản vay ngân hàng đã được điều chỉnh và giải ngân đúng địa chỉ và đúng mục đích đề ra, các chủ thể kinh doanh đã tận dụng tốt nguồn vốn này để nhanh chóng vực lại hoạt động kinh doanh.

Khoảng 56,7% các khoản vay hỗ trợ được các doanh nghiệp nhà nước sử dụng vào mục đích sản xuất và kinh doanh ngay khi PEN được triển khai và đã phát huy hiệu quả.

Ông Anton Hendranata tin tưởng rằng việc mở rộng các ưu đãi tài khóa của Chính phủ Indonesia trong năm 2021 có thể tiếp tục khuyến khích nền kinh tế Indonesia thoát khỏi suy thoái.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng với tình hình dịch bệnh đang tiếp diễn phức tạp hiện nay, trong quý I/2021, nền kinh tế của Indonesia sẽ còn gặp nhiều khó khăn, việc kinh doanh sản xuất vẫn bị thu hẹp do các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh; số lượng các ca mắc COVID-19 vẫn ở mức cao và chưa được kiểm soát sẽ là nguyên nhân khiến nền kinh tế của Indonesia tiếp tục suy thoái.

Theo chuyên gia này, vượt qua giai đoạn khó khăn này, nền kinh tế của Indonesia sẽ dần ổn định, lấy lại đà tăng trưởng từ quý II/2021 và sẽ tăng trưởng mạnh bắt đầu từ giữa năm nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục